, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 31/05/2021, 16:08

Từ câu chuyện của ngành tôm

NGUYỄN QUỐC HƯƠNG

Cả năm 2020, xuất khẩu của ngành thủy sản đạt kim ngạch 8,6 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng tôm xuất khẩu đạt 3,78 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hơn 12,4%. Như vậy, mặc dù có những thời điểm trồi sụt thất thường trong năm vì dịch bệnh, thị trường xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục là điểm sáng của ngành xuất khẩu thủy sản trong năm 2020.

Cả năm 2020, xuất khẩu của ngành thủy sản đạt kim ngạch 8,6 tỷ USD.

Những con số này giúp chúng ta tự tin về khả năng thực hiện được kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng giá trị xuất khẩu tôm lên đến 10 tỷ USD, tức tăng gấp 3 so với hiện tại.

Tuy nhiên, con số đó cũng dẫn đến một mối lo. Một chuyên gia trên lĩnh vực này cho rằng nếu tăng giá trị xuất khẩu tôm lên 10 tỷ mà không có kế hoạch nghiêm túc để tăng chất và chỉ dựa vào lượng như lâu nay, tức là chỉ tập trung vào phần thịt tôm, thì hậu quả nhãn tiền là sẽ làm kiệt quệ tài nguyên, tạo ra nhiều áp lực đến môi trường, đồng thời bỏ qua những cơ hội để tạo ra giá trị mới.

Nhận định này được phân tích cụ thể: Hiện nay mỗi năm chúng ta có khoảng 250.000 - 300.000 tấn phụ phẩm từ tôm (bao gồm đầu tôm và vỏ tôm). Nếu ngành tôm tăng trưởng đúng như kế hoạch đề ra thì lượng phụ phẩm sẽ tăng lên đến hơn 450.000 tấn vào năm 2025, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn phụ phẩm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất.

Có chuyên gia cho rằng sẽ là hành động “ném tiền qua cửa sổ” nếu không khai thác tốt nguồn phụ phẩm từ tôm. Nếu mua phụ phẩm đầu, vỏ tôm về chỉ để sản xuất thức ăn gia súc thì hiệu quả kinh tế mang lại không lớn, vì một ký đầu tôm bán thô cho ngành sản xuất thức ăn gia súc chỉ thu được vài ngàn đồng, chưa kể giá lên xuống bấp bênh. Nhưng nếu sử dụng nguyên liệu này để chiết xuất ra chất dẫn dụ phục vụ cho ngành thực phẩm, công nghiệp, thức ăn gia súc… thì giá bán ra tăng gấp 5 lần. Nếu dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất bột tôm, muối tôm, giá bán tăng lên 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi nghiên cứu ra chất chitosan dùng làm màng bọc thực phẩm, nhựa nhân tạo và nhiều lĩnh vực khác thì giá bán đến 400 - 500 USD/kg, nếu sử dụng trong ngành y tế như băng y tế, tái tạo da nhân tạo… thì giá lên tới 1.000 USD/kg. Và như thế nếu khai thác hết thì nguồn phụ phẩm từ tôm có thể đóng góp ít nhất 10% trong giá trị ngành tôm.

Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu áp dụng công nghệ để tăng tỷ lệ thu hồi các chất có lợi từ phụ phẩm của tôm. Họ tạo ra nhiều giá trị hơn cho phụ phẩm tôm bằng cách áp dụng công nghệ sinh học. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ sử dụng được một phần trong đó, phần này lại thiếu công nghệ để sản xuất ra sản phẩm tinh sạch, đem lại giá trị cao. Cụ thể, Việt Nam thu hồi được 56% từ phụ phẩm, trong khi thế giới đạt trung bình 75%, ở các nước tiên tiến con số này là 95%. Hay như chỉ số về khả năng tạo ra giá trị gia tăng, Na Uy giúp sản phẩm tăng trưởng 28 lần so với sản phẩm đầu vào, trong khi ở Việt Nam, con số này dừng lại ở mức 2 - 3 lần.

Để xử lý nguồn tài nguyên tỷ đô này một cách căn cơ, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhất là về mặt chính sách. Không chỉ tôm, các ngành khác cũng vậy. Công nghệ chế biến của Việt Nam đối với các phụ phẩm nông nghiệp đa phần chỉ là hấp, sấy, nghiền cho khỏi hư chứ chưa chiết xuất, cắt mạch. Trong khi phụ phẩm, nếu sử dụng được, giải thích được tính năng của nó thì giá trị không chỉ tăng thêm mà còn tăng gấp nhiều lần.

Từ câu chuyện phụ phẩm ngành tôm, nên có cái nhìn chính xác hơn về phụ phẩm. Không chỉ cần lan tỏa thông điệp phụ phẩm không phải là rác thải mà cần thiết phải tiếp tục giải bài toán “trọng chất hơn trọng lượng”, vốn dĩ đã nóng hôi hổi từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, căn cơ để nền nông nghiệp Việt thật sự là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế nước nhà.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất