, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/05/2017, 09:57

Từ "chè xeng" quê bọ đến Trà Cung đình Huế

NGUYỄN KHẮC PHÊ

“Chè xeng” là từ ghi theo thổ âm một đặc sản mà có lúc tôi cứ tưởng Hà Tĩnh mới có! Quả là cách uống chè xanh của quê tôi ngày xưa cũng độc đáo. Do không phải gia đình nào cũng có điều kiện nấu chè xanh hàng ngày, nên sáng này thì ngõ trong vọng tiếng kêu: “Ơ! Anh Cu! Có nác ngon, mời sang uống”; buổi sớm khác, thì phía ngoài râm ran: “Sang nhà ông Chắt đi, ơ bác Cháu! Ông vừa om ấm chè xeng. Có khoai lang nữa tề…”

Thế đó! Bát chè xeng “quê bọ” không chỉ là thứ giải khát mà là “chất” dính kết tình làng nghĩa xóm. Tuy vậy, cây chè thời ấy được trồng chủ yếu theo kiểu “tự cung tự cấp”, chưa ai nghĩ đến việc chế biến, chỉ một ít gia đình có vườn rộng, đến phiên chợ Gôi, chợ Choi mang ra bán, hoặc gửi đò dọc xuôi song Phố, đưa về Vinh.

Trình diễn cách pha trà theo cách của cung đình Huế. Ảnh: Gia Hưng

Cuộc sống phát triển, trước nhu cầu con người ngày càng đa dạng và quy luật của nền kinh tế hàng hóa, cây chè xanh đã biến hóa thành vô vàn loại trà, với đủ mẫu mã, hương vị và công dụng. Thực ra thì từ rất-rất lâu rồi, TRÀ đã có một vị trí trang trọng và phong phú trong đời sống Việt, nhưng chưa có tính “phổ cập” như hiện nay, mà chủ yếu dành cho giới thượng lưu, vua quan, nghệ sĩ… Dù đã biết điều này, tôi vẫn ngạc nhiên khi được tác giả Phạm Văn Sau - một người con xứ Huế, hiện cư ngụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, tặng tác phẩm “Lục bát Trà” (NXB Thanh niên, 2001). Ai có thể ngờ được, cây chè xanh dân dã của nông thôn Việt lại trở thành đề tài cho một tập thơ dài đến 4.889 câu - dài gấp rưỡi kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du! Với thơ, tôi là kẻ “ngoại đạo”, không dám bàn về nghệ thuật, nhưng xin bái phục tác giả đã công phu sưu tầm một khối lượng tư liệu khổng lồ về TRÀ, có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”.

Làm sao có thể “tóm tắt” được tác phẩm dài gần năm ngàn câu qua một trang báo, chỉ nêu qua các chương mục để bạn đọc hiểu công phu của tác giả và câu chuyện TRÀ hóa ra là một “gương mặt” của văn hóa Việt. Tác phẩm “Lục bát Trà” có 6 chương: 1) Trà Việt - nôi phát sinh; 2) Trà Trung Hoa - nôi phát triển; 3) Trà Nhật - nôi thăng hoa Trà Đạo; 4) Tản mạn trà; 5) Trà Việt - Trà phong; 6) Thần và hồn trà Việt siêu thăng. Chỉ riêng Chương 5 (Tản mạn trà) có đến 44 tiểu mục; xin thử trích ra một vài để thấy cái “đa sự” thú vị quanh ấm trà: Trà với vua Càn Long - Trà nô Trịnh Sâm - Đối trà Nguyễn Khuyến và Chu Mạnh Trinh - Tản Đà uống trà - Lý Bạch và trà - Thuận nghịch Vũ Hoàng Chương với trà - Uống trà Mộc-Cao Bá Quát - Kỹ thuật pha trà Kung-fu - Trà Ấn Độ…

Đúng-sai xin dành các nhà nghiên cứu lịch sử trà, nhưng theo tác giả “Lục bát trà” thì đất Việt chính là “nôi phát sinh” trà, với vị vua huyền thoại Thần nông, từ 3.000 năm trước Tây lịch, với “một huyền thoại như thơ” về một cô tiên nữ tên Trà người Thái trắng, đất Hà Giang hôm nay…

Cũng “nói cho công bằng”, tác phẩm “Lục bát trà” tuy là một sưu tập đầy đủ nhất về các loại trà và cách “thưởng” trà, nhưng vẫn thiếu… một số “thương hiệu” trà của Huế, có lẽ tác giả không muốn quá “ưu ái” cho vùng đất là quê hương của mình, mà cũng có thể những doanh nghiệp đó gần đây mới trở nên nổi tiếng. Kể về nơi “thưởng” trà lịch lãm, yên tĩnh nhất thì đó là Trà Đình Vũ Di tọa lạc dưới chân đồi Thiên An. Một địa chỉ trà mới nổi hai năm này - nói đúng hơn đây là “Không gian văn hóa Lục Bộ”, thuộc Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình Triều Nguyễn. Tuy không kinh doanh “rầm rộ” bằng Trà Cung đình Huế, nhưng với vị trí “Lục Bộ” là nơi làm việc của các quan Triều Nguyễn xưa, ở ngay trong Thành Nội Huế, “không gian” nơi đây còn “biểu diễn” những thú chơi chim, thư pháp, làm hàng mỹ nghệ… nên ngày càng có nhiều du khách tìm đến và món “quà Huế” họ mang về là những thứ trà ngon, cách sản xuất và mẫu mã tinh tế, trong đó “THƯỢNG VIỆN NGỰ TRÀ” được ưa chuộng nhất. Trà được tạo nên từ các vị thảo dược mà Thượng Trà Viện Triều Nguyễn đã dùng để sao chế Ngự trà trong hoàng cung, cách đóng gói vừa mỹ quan, vừa tiện dùng: mỗi hộp chứa 16 gói trà nhỏ xinh xắn vừa đủ pha một ấm, được bọc bằng công nghệ “hút chân không” với giấy tráng bạc. Cô Thúy, một chủ nhân của “Không gian văn hóa Lục Bộ” cho biết: Ở đây còn các loại trà ướp hương hoa được sản xuất theo mùa hoa, như “Tịnh tâm liên hòa trà” ướp hương sen hồ Tịnh Tâm nổi tiếng, với quy trình công phu 7 lần ướp trong suốt 21 ngày!...

Kể ra “Thượng viện Ngự trà” chính hiệu là trà Cung đình Huế, nhưng thương hiệu “Trà Cung đình Huế” Nhất Dạ Đế Vương đã được ông Đức Phượng tạo lập từ hơn 10 năm trước và đến nay đã tỏa khắp 3 miền. Tại Trung tâm giao dịch chính mới mở tại phố lớn Nguyễn Huệ, gần Ga Huế, ông Đức Phượng cho biết: Ông bắt đầu nghĩ tới việc tạo ra một đặc sản mới cho Huế từ thuở “hàn vi” khi đang bán dạo trà Thái (Nguyên) ở chợ Đông Ba. Thấy du khách đến Huế chỉ tìm mua mỗi tôm chua và mè xửng, ông tìm đọc sách vở, thử nghiệm tìm “công thức” tạo ra một loại trà thảo dược, vừa tốt cho sức khỏe, vừa khỏi lo mất ngủ như lúc uống trà Thái. Hai năm sau, mới có tên “Trà Cung đình” được cơ quan y tế cấp phép lưu hành với câu chú dẫn đã quen thuộc với mọi loại “thực phẩm chức năng”: sản phẩm không phải là thuốc và không dùng thay thế thuốc chữa bệnh. Đến nay, Trà Cung đình đã có thêm nhiều mẫu mã mới như Trà Minh Mạng Huế, Trà Mẫu hậu, Trà Quý Phi, Trà túi lọc đựng trong hộp giấy và loại hộp gỗ sang trọng… Bao bì các loại Trà Cung đình Huế thường ghi công dụng là “Tăng cường sức khỏe, mát gan, ngủ tốt, đẹp da, hết mụn, hợp với người tiểu đường, tốt với người huyết áp cao, thanh tao với phụ nữ.” Thực hư ra sao thì phải… hỏi người dùng. Có điều ông Đức Phượng không giữ bí mật các nguyên liệu làm nên Trà Cung đình Huế, nhưng cho biết phải “đặt hàng”, nhắc nhở bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với các nơi sản xuất từ nhiều vùng quê trong nước; như cỏ ngọt mua ở Hà Tây, hoa hòe ở Thái Bình, A-ti-sô ở Đà Lạt, mướp đắng và tim sen thì chủ yếu ở Huế… Hỏi ông vì sao Trà Cung đình Huế phát triển, cạnh tranh được với các loại trà khác sản xuất ở Huế, ông cười bảo: “Cũng nhờ cái… duyên! Tôi ít giới thiệu trên ti vi, cũng không tham dự các cuộc thi bình chọn “hàng chất lượng cao” mà “bành trướng” sản phẩm nhờ lực lượng tuyên truyền dân gian. Đó là đội quân xe thồ, xích lô, các hãng xe chở khách du lịch tới Huế. “Trà Cung đình ngon, bổ lắm, cô chú mua về làm quà chưa?...” Đại thể, một câu như thế lan truyền theo ngàn vạn vòng bánh xe quay tới Huế, tạo ra sức mạnh quảng bá không thể xem thường…

Tôi không có ý định quảng cáo cho “Thượng viện Ngự trà” cũng như Trà Cung đình Huế; mà xem ra ông Đức Phượng cũng không cần các thao tác truyền thông. Nhưng nhắc đến hai loại trà mới xuất hiện ở Huế, bỗng ngẫm ra một điều thú vị: cây cỏ dược liệu thì đã có ngàn đời trên mọi miền quê Việt, vậy mà cứ bị bỏ quên. Thật may là đã có những con người như ông Đức Phượng, cô Thúy…- những con người có… duyên biến cây cỏ thành hàng hóa, một loại hàng hóa đồng thời tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt đã có tự ngàn xưa…

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất