, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/03/2022, 11:38

Tự hào là con cháu Hai Bà Trưng

QUANG HẢO
(baolongan.vn)
Vợ hỏi chồng có nhớ 8 tháng 3 là ngày gì không? Chồng cười: Ngày bông hồng “lên ngôi”! Em chưa rõ à? Bông hồng là để tặng những người phụ nữ mà ta yêu quý, nhưng đừng quên dành một bó hoa hồng mang đến đền thờ Hai Bà Trưng để dâng Hai Bà - biểu trưng cho ý chí độc lập của dân tộc và anh hùng giải phóng dân tộc đầu tiên của nước ta - Bởi dân tộc ta đã trải qua thời kỳ Bắc thuộc lần I kéo dài tới 1.117 năm mới chấm dứt do cuộc khởi nghĩa Ngô Quyền dìm cả chỉ huy lẫn quân lính Nam Hán xuống bãi cọc sông Bạch Đằng. Nhà Hán vẫn chưa hết dã tâm thôn tính nước ta, đưa dân tộc ta vào đêm dài Bắc thuộc lần II dù dân tộc ta đang thời kỳ đầu dựng nước. Ai đã chấm dứt bi kịch Bắc thuộc, giành lại nền độc lập, tự chủ cho dân tộc ta? Hai Bà Trưng!
Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận (phục dựng trong lễ hội Mê Linh)

1. Đền thờ Hai Bà và đền thờ các nữ tướng huyền thoại của Hai Bà có rất nhiều trên đất nước ta. Tại Long An, đền thờ Hai Bà Trưng ở huyện Cần Giuộc; cách đó không xa mấy là đền thờ Hai Bà Trưng ở TP.HCM. Năm nay, giỗ Hai Bà - mùng 6 tháng 2 Âm lịch là ngày mà cách đây 1.979 năm, Hai Bà bị quân Mã Viện bức thúc, chạy tới Hát Môn thì cùng đường, từ trên lưng chiến tượng, Hai Bà lao mình xuống dòng Hát Giang tử tiết, ngẫu nhiên trùng với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Anh nhớ bài báo Tết về thăm Mê Linh của Mathilde Tuyết Trần, một cô gái Sài Gòn du học ở Đức, lấy chồng Pháp, sống ở Pháp, vừa về nước ăn Tết Cổ truyền đã đưa ông chồng người Pháp đi Mê Linh dưới cái rét run người để dâng hương đền thờ Hai Bà Trưng.

Bài báo tường thuật: Từ Hà Nội đi ôtô qua những làng hoa xuân rực rỡ, vượt 40km đường dài là đặt chân xuống Mê Linh - miền đất thiêng dựng nghiệp của Hai Bà. Khu tưởng niệm Hai Bà rất hoành tráng, trên đó có các đền phụ thờ sư phụ, sư mẫu và thân phụ, thân mẫu của Hai Bà, bàn thờ Lạc tướng Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc và bàn thờ bá quan dưới triều Trưng Nữ Vương. Các nhân vật thờ ở đây đều bằng tượng, có cùng một phong cách điêu khắc. Ngôi đền thờ Hai Bà ở trung tâm; trước chính điện là tảng đá bia nguyên khối khắc Lời thề của Hai Bà: "Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này".

Đọc Xưa&Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (số 333, tháng 6/2009), viết về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trong sách sử Trung Quốc (TQ), thấy các nhà sử học TQ cũng phải thừa nhận chính sách cai trị cực kỳ hà khắc, tàn bạo thông qua các thái thú của nhà Tây Hán cũng như Đông Hán, vừa nô lệ hóa, vừa Hán hóa dân tộc ta đến tận cùng sự dã man, tàn bạo. Nhưng, dẫu chỉ còn sót lại một đốm lửa nhỏ, dân tộc ta cũng vùi giấu dưới đống tro tàn, chờ thời cơ thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghĩa khổng lồ lan khắp non sông: Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là thế. Tên Thái thú Tô Định cực kỳ tàn ác, đoạt hết mọi lẽ sống của dân ta, đến Lạc tướng cũng bị y áp chế.

Năm 40 (sau Công nguyên), y giết Lạc tướng Thi Sách, vợ Thi Sách là Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, khắp 2 quận Cửu Chân và Nhật Nam của Lạc Việt nhất tề hưởng ứng. Khởi nghĩa của Hai Bà đã nhanh chóng đánh bại quân chiếm đóng của nhà Hán, đuổi Tô Định chạy về Tàu, lấy lại toàn bộ 65 thành ấp của Lạc Việt, xây lại nền độc lập, tự chủ cho nước, khôi phục nghiệp xưa của vua Hùng. Bà Trưng Trắc lập làm vua.

Tên Thái thú tàn bạo Tô Định bị Hai Bà Trưng đuổi chạy về Tàu (Tranh dân gian)

Trưng Nữ Vương! Tên người đồng nghĩa những phẩm chất cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam qua mọi thời. Tại điện thờ, tượng chị em song sinh giống như khuôn đúc, đều mặc áo hoàng bào, tư thế ngồi, hai tay đặt trên hai gối, giản dị, đẹp thuần hậu, oai nghiêm, khí thế đúng với tinh thần Hai Bà cưỡi voi, cầm gươm chỉ huy ba quân tướng sĩ đánh Tô Định, rồi đánh Mã Viện của Tàu Hán. Hai bên là hai bàn thờ sáu nữ tướng, mỗi bên ba vị giống nhau, đẹp, oai nghiêm, tay trái mỗi vị đều đặt trên cán đoản gươm với tư thế sẵn sàng ra trận cùng đội quân tóc dài của mình! Sử chép, sau khi Hai Bà Trưng tử tiết, cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán vẫn được các nữ tướng của Hai Bà kiên cường chiến đấu cho đến 9 tháng sau mới bị dập tắt.

 “...Lạc tướng quên đâu lời huyết hận/ Non Hồng quét sạch bụi trần ai/ Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận/ Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời/ Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”.

2. Những câu thơ trên trích trong bài Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang làm vào năm 1934 tại Hà Nội, ngay lập tức được truyền nhau làm bừng lên khí thế chống thực dân Pháp. Có anh bạn nhà sử học kể rằng, tại Sài Gòn trước năm 1975, thi sĩ Đông Hồ giảng dạy ở Đại học Văn khoa, khi ngâm bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang, tới câu “Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi” đã bật khóc, ngã xuống và... đi theo Hồn thiêng sông núi (đột quỵ vì quá xúc động).

Khánh thờ và tượng Hai Bà.

Nhà yêu nước Phan Bội Châu trong bài Ai là tổ nước ta - Người nước ta với sử nước ta đăng trên Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng (số 656, ngày 6/1/1934), được Tạp chí Xưa& Nay (số 494, tháng 4/2018) đăng lại toàn văn. Theo đó, ở phần đầu, cụ Phan viết: “Phật trong nhà, cầu Thích Ca ngoài đường” là cứ chạy theo sử Tàu, sử Tây mà không chịu học, đọc kỹ chính sử của ta. Cụ điểm qua thời kỳ các vua Hùng dựng nước và tiếp sau đều là sử truyền miệng. “Sách xưa có câu “Vô trưng bất tín”, nghĩa là không có chứng cớ thì không lấy làm tin được”.

Cụ viết tiếp: “Bây giờ tôi mới nhận ra được một người mà thật là người tổ đích nước ta, người ấy là Trưng Nữ Vương. Bà nguyên người huyện Mê Linh, xứ Châu Phong, họ Trưng tên Trắc. Bà sinh gặp lúc người Tàu cai trị nước ta. Tô Định làm Thái thú, giết chồng bà là Thi Sách, người huyện Chu Diên (Sơn Tây, Hà Nội nay). Bà với em là cô Nhị, giận thù thương nước, khởi binh đánh thành Giao Châu, đuổi Tô Định. Định trốn về đất Tàu, bà kéo quân đuổi theo, tới đâu, châu quận hưởng ứng cả, lấy suốt 65 xứ Lĩnh Nam. Lúc bấy giờ vua Tàu kinh hoàng quá, phải khiến một vị trung hưng lão tướng là Mã Viện đem 10 vạn quân qua đánh. Bà vì thế cô chúng yếu, không địch lại, chị em cùng nhau tự tử ở Cẩm Khê. Kể từ ngày bà khởi binh cho đến ngày bà tuẫn nạn làm cho nước ta được độc lập là 4 năm. Đó là một vị Phật nhà, là tổ nước Nam ta”.

Theo tác giả Phan Bội Châu, “ở nước Tàu thời Đông Hán cũng có mấy chữ viết to: “GIAO CHỈ NỮ TỬ TRƯNG TRẮC” và tại tỉnh Quảng Tây (TQ) cũng có một cái miếu thờ có 3 chữ biển đề rằng: “TRƯNG VƯƠNG MIẾU”. Uy danh Bà đến người Tàu cũng bái...

Dựa theo Lịch sử học và Nhân loại tâm lý học, cụ Phan khẳng định chắc nịch: “Bà Trưng là người sinh đẻ ra người nước Nam ta, là người có công đức lớn với nước Nam ta, ai không thừa nhận?” - cụ Phan viết. Cụ cho rằng, noi theo Trưng Nữ Vương mới có Triệu Quang Phục, Lý Bí, Ngô Vương Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi,… mà nước ta mới có chủ quyền một nước, thay hẳn cái tên đầu mục tù trưởng mà thành ra một danh hiệu Quốc vương. Thế thời truy nguyên ra không phải bà Trưng đẻ ra các bậc anh hùng ấy sao? Không phải là người có công to lớn với nước ta sao?

Vợ cảm xúc rưng rưng nước mắt. Vậy chúng ta là con cháu Hai Bà Trưng. Chồng cười: Chưa đủ. Em phải nói, chúng ta phấn đấu sống xứng đáng để tự hào là con cháu Hai Bà Trưng!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất