, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 16/11/2020, 06:30

Từ mỹ thuật để tìm về cội nguồn

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Cuộc đời của Ngô Kim Khôi, sinh năm 1959, cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn - người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Victor Tardieu, là những bước ngoặt thật gắt. Từ một người biết may do tự học, lại trở thành nhà thực hành mẫu trong thế giới thời trang cao cấp của Pháp. 27 năm trong thế giới ấy, bỗng quyết định chuyển sang nghiên cứu mỹ thuật. Nói về quyết định khiến nhiều người nuối tiếc này, Ngô Kim Khôi lý giải là để “gặp gỡ” và gần gũi hơn với ông ngoại của mình.

 

Ngô Kim Khôi chụp ảnh lưu niệm với danh họa Lê Phổ tại nhà ông ở Paris năm 1998. Ảnh: NVCC.
Ngô Kim Khôi chụp ảnh lưu niệm với danh họa Lê Phổ tại nhà ông ở Paris năm 1998. Ảnh: NVCC.

Từ thế giới thời trang

Cuối năm 1984, Ngô Kim Khôi chia tay mẹ và quê hương sang Pháp định cư. Đã vào tuổi 25, nên anh bỏ học đi tìm việc. Thấy hãng thời trang Hermès tuyển một nhà dựng mẫu, anh đánh liều tham gia dù chỉ biết chút nghề may nhờ người em dạy từ hồi nhỏ. Họ đưa cho năm người ứng tuyển mỗi người một xấp vải đã cắt sẵn và mẫu vẽ, với yêu cầu mỗi người phải dựng lên bộ áo cho đúng như mẫu một cách chân thực và nghệ thuật nhất. Anh nhớ lại: “Đó là một bộ váy áo phụ nữ bằng hàng kẻ ô prince de Galle đen và đỏ, cổ áo bằng nhung và lót áo bằng carrée Hermès, là chiếc khăn vuông lừng danh đặc biệt của nhà Hermès. Kết quả của năm người có thể nói không hơn kém bao nhiêu, nhưng họ chọn tôi. Nghĩ lại, có lẽ tôi là người biết hát, biết vẽ, biết gửi gắm tâm tình của mình vào tấm áo khác với những người học từ trường chuyên môn ra. Đó là ngày tôi mở được cánh cửa bước chân vào thế giới thời trang Paris. Tôi làm việc cho nhà Hermès ba năm”.

Sau đó, anh làm việc cho các thương hiệu thời trang danh tiếng khác như Christian Dior, Yves Saint-Laurent, Jean-Louis Scherrer, Balenciaga, Givenchy, Scherrer, Création Yenilmez... Các mẫu anh làm cho các buổi trình diễn thời trang được gọi là nguyên mẫu, hay mẫu chính. Chuyên môn của anh là trang phục phụ nữ, đòi hỏi sự tinh tế. Anh thuận tay về các mẫu cổ điển vì tính ưa chuộng những gì mẫu mực, không cực đoan.

Nhìn lại 27 năm làm nghề, anh có hai kỷ niệm đáng nhớ. Anh chia sẻ: “Năm 2006, khi làm cho nhà Balenciaga, tôi phải thực hiện một áo cưới với mấy chục loại đăng ten khác nhau, do Nicolas Ghesquiere vẽ kiểu. Chiếc áo tỉ mỉ, công phu đến nỗi tôi phải mất hơn một tuần mới làm xong. Đó là chiếc áo cưới của minh tinh Nicole Kidman! (Khăn voan và găng, giày do bộ phận khác làm). Kỷ niệm thứ hai là năm 2008, tôi thực hiện kiểu vẽ do Riccardo Tisci của nhà Givenchy, một chiếc áo choàng bằng satin, trang trí những nếp gấp cầu kỳ, trên tay áo điểm trang đá quý… Đó là áo của nữ hoàng nhạc pop Madonna mặc trong dịp lưu diễn tại châu Âu.

Và một nỗi ám ảnh

Nhưng thế giới thời trang không giữ được chân anh. Ngô Kim Khôi hứng khởi đi nghiên cứu, viết báo về nghệ thuật. Nhớ câu chuyện hồi bé, mỗi khi thấy anh nguệch ngoạc vẽ tranh hay nghêu ngao hát, mẹ lại buông một câu: “Thế là giống ông ngoại rồi!” Và bà kể về ông, về những kỷ niệm thuở ấu thơ của bà nơi ngôi biệt thự số 68, phố Nguyễn Du bình yên của một Hà Nội cổ kính. Những câu chuyện đó luôn khiến anh khao khát tìm hiểu về dòng dõi, quê hương.

Anh nhớ có lần vào thư viện trường Võ Trường Toản, anh có xem bức tranh Việt Nam năm ngàn năm văn hiến (Lê Văn Siêu trình bày với sự cộng tác của họa sĩ Tú Duyên, Hướng Dương xuất bản, Sài Gòn, 1957) vẽ một cây đa cổ xum xuê, bắt đầu dưới gốc rễ là ngàn năm Hùng Vương, rồi dần lên ngọn bằng các nhánh chia ra nhiều lĩnh vực văn hóa khác nhau. Trong nhánh nghệ thuật đâm ra một cành hội họa. Chót vót đầu cành, có hai cái tên của nền hội họa Việt Nam được vinh danh là Victor Tardieu và ông ngoại của anh - họa sĩ Nam Sơn. Từ đó, hai cái tên này luôn ám ảnh anh. Một ngày tháng 07/1995, nỗi ám ảnh này quay lại một cách mạnh mẽ khi anh đến một quán sách trên đường Archives ở quận 3, Paris. Anh kể: “Đó là một tiệm sách xưa, khá nổi tiếng, cơ man sách từ tầng trên xuống hầm dưới. Trong đám hỗn mang đó, tôi vô tình đến một chồng sách, rờ vào đấy, lấy một quyển trên cùng, ngay phía dưới là một quyển sách nói về Nam Sơn rất cũ kỹ”.

Đứng lặng, thầm cảm ơn cơ duyên, tạ ơn vong linh ông ngoại đã đưa mình đến đây, rồi “Tôi lần giở, nghe tiếng tiền kiếp gọi tên mình trên từng trang sách. Phớt lên làn da, bất chợt như một chạm đụng mơ hồ nhưng ấm áp, gần gũi...” anh xúc động nhớ lại. Đó là tạp chí Orient Occident (Đông Tây), số 5, xuất bản tháng 11/1952. Trong đó có một bài đặc biệt viết về Nam Sơn, về mối quan hệ với Victor Tardieu, về yếu tố quyết định cũng như ảnh hưởng của Nam Sơn đối với việc thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bài viết có tiêu đề là Rénovation de l’art vietnamien (Sự cách tân của nghệ thuật Việt Nam) của A.N. Beun (trang 74 - 88) với nhiều hình ảnh minh họa, nhất là những chi tiết trung thực, rất đáng tin cậy.

Chưa có bài viết nào về Nam Sơn rõ ràng hơn. Vai trò đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của ông được đưa lên hàng đầu, mà tất cả các hồ sơ, nghị định chính thức, cũng như văn bản anh tìm được sau này không nói đến.

Những nghi vấn càng khiến anh trở nên dè dặt. “Tôi lùi lại một bước, giống như người ngắm nhìn một bức tranh, lùi lại để nhìn tổng quát, để cái nhìn của mình lắng đọng, khách quan hơn. Lùi lại để quyết tâm tìm hiểu”. Từ hôm ấy, anh dành trọn vẹn đam mê của mình cho những tìm kiếm và khám phá kia, quyết định viết một quyển sách về Nam Sơn. Sau đó, anh tìm được nhiều tài liệu cũng như sách báo thời Đông Dương đề cập đến Nam Sơn và vai trò của Nam Sơn trong các tài liệu Pháp hoàn toàn khác với các bài viết về mỹ thuật trong nước từ sau năm 1954.

Anh cho rằng: Nếu Victor Tardieu không gặp Nam Sơn, sẽ không có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và nền mỹ thuật Việt Nam sẽ đi theo một hướng hoàn toàn khác biệt. Từ một góc nhỏ của lục địa châu Á, mỹ thuật Việt Nam đã vươn ra thế giới và giữ một vị trí riêng biệt, điều này phải nhắc đến công lao gầy dựng của Victor Tardieu và Nam Sơn. Từ những khám phá trên, anh bắt đầu viết theo thứ tự thời gian các biến cố trong cuộc đời đã đưa Nam Sơn đến vị trí quan trọng đó. Năm 1999, anh hoàn thành bản thảo quyển sách có tiêu đề Nam Sơn - sa vie et son œuvre (Nam Sơn - cuộc đời và tác phẩm), viết bằng tiếng Pháp nhằm đệ trình lên trường Viễn Đông bác cổ Pháp với hi vọng nếu có thể họ sẽ cung cấp điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu sâu hơn cho một luận án về Nam Sơn sau này, nhất là về việc xuất bản. Điều quan trọng hơn hết là trường Viễn Đông bác cổ và cuộc đời của Nam Sơn đã từng có những kết hợp giao thoa”. Nhưng vì nhiều lý do, mong muốn này không thành nên anh chuyển sang dự định khi nào thảnh thơi hơn sẽ viết lại những khám phá và nghiên cứu của mình bằng tiếng Việt.

... Sang nhà nghiên cứu mỹ thuật

Trong quá trình nghiên cứu, anh được mời cộng tác trong vài cuộc triển lãm tại Paris (năm 1998 với tòa Thị chính Paris và Bảo tàng Paris trong triển lãm Printemps du Vietnam (Mùa xuân Việt Nam); năm 2012-2013 với Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi Paris trong triển lãm tranh Đông Dương Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam (Từ Hồng hà đến Cửu Long, cái nhìn Việt Nam); năm 2015 với Viện hàn lâm Hải ngoại Pháp trong triển lãm Les premiers photographes au Vietnam (Những nhiếp ảnh gia đầu tiên tại Việt Nam). Anh cũng là tác giả của những chuyên luận có tính phát hiện về trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; cơ cấu tổ chức hội họa tại Pháp và giải thưởng hội họa Đông Dương (Prix de l’Indochine)…

Một phần việc quan trọng mà anh dành nhiều tâm huyết là phối hợp với các nhà đấu giá tại Paris (Aguttes, Art Valorem) để thẩm định các bức tranh của họa sĩ Nam Sơn trước khi mang ra đấu giá. Đó cũng là cách anh sưu tầm tư liệu và nghiên cứu về cuộc đời sáng tác của ông ngoại. Kiểm tra và lên danh sách các tranh của Nam Sơn là một công việc dài hơi. Anh Khôi đã làm cách đây 20 năm, từ lúc bắt đầu viết về ông. Cho đến nay, theo anh, cũng có khá nhiều tiến triển, nhưng cũng có vài trường hợp cần phải cân nhắc, thận trọng, vì công việc của người tìm hiểu về Nam Sơn cũng như người thực hành mẫu là anh: đam mê từng milimét!

Năm 2013, Ngô Kim Khôi quyết định giã từ thế giới thời trang mà nhiều người mơ ước để dành trọn thời gian làm điều mình yêu thích, nhất là nghiên cứu mỹ thuật. Nhún nhường cho rằng mình không phải là nhà nghiên cứu, vì không có bằng cấp chuyên môn nhưng anh tự hào những gì mình viết đều xuất phát tự đáy lòng thành thật và niềm đam mê nghệ thuật, và là con đường giúp anh tìm về cội nguồn.

Từ nhiều năm nay, anh vẫn dành mỗi năm vài tháng trở về Sài Gòn và VenSông Logde (nhà trọ Ven Sông: một khu du lịch đậm phong vị miền Tây Nam bộ) ở thị trấn Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để sống bên mẹ. Anh ngập tràn hạnh phúc khi có dịp đưa mẹ đi chơi, tâm tình cùng mẹ, chải đầu hay cắt móng tay cho mẹ. Vòng đời của anh thật kỳ lạ, đan xen giữa các thế giới, luôn thú vị vì được tắm mình trong niềm đam mê nghệ thuật.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất