, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 14/10/2021, 06:00

Từ sản vật vườn nhà đến thương hiệu quốc gia

Cẩm Hà
Với hàng ngàn loại nông sản, sản phẩm có chất lượng tốt, có tiềm năng chinh phục 28 nền kinh tế thành viên EU thì con số 40 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là một con số khá khiêm tốn.
 

Với hàng ngàn loại nông sản, sản phẩm có chất lượng tốt, 
có tiềm năng chinh phục 28 nền kinh tế thành viên EU thì con số 
40 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là một con số khá khiêm tốn.

 
 

Tháng 7 vừa qua, một đạo luật có liên quan đến “champagne” trở thành chuyện lớn giữa Nga và Pháp. Nga thông qua một đạo luật mới quy định rằng chỉ những sản phẩm rượu vang do các công ty Nga sản xuất mới được sử dụng tên gọi “shampaskoye” (champagne - tiếng Nga). Ngay lập tức, Pháp phản ứng, coi đây là nỗ lực nhằm làm suy yếu chỉ dẫn địa lý cho rượu champagne huyền thoại của mình, được sản xuất ở vùng đất cùng tên (xứ Champagne, cách Paris khoảng 90km), một phần quan trọng của thương hiệu quốc gia. Chỉ rượu vang nổ sản xuất ở Champagne mới là champagne - là quan điểm của Pháp…

 

Công cụ hữu hiệu để bảo hộ đặc sản, nông sản

Hai quốc gia này sau đó đã tìm được giải pháp thoả hiệp. Nhưng câu chuyện này cho thấy chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng đến thế nào. Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), theo các quy định về sở hữu trí tuệ hiện hành, là dấu hiệu dùng để chỉ các sản phẩm có danh tiếng, có chất lượng đặc thù hoặc các đặc tính khác biệt được tạo nên do các điều kiện tự nhiên, con người của một địa phương, khu vực hay một quốc gia nhất định.

Chính vì thế, CDĐL không chỉ là một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Do đặc điểm “sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính mà chủ yếu là do điều kiện địa lý mang lại”, nên hầu hết các sản phẩm được bảo hộ CDĐL là nông sản. 

Việt Nam là một nước nông nghiệp, hầu như địa phương nào cũng có những sản phẩm mang đặc trưng riêng và tạo nên thế mạnh của địa phương. Những năm gần đây, việc tham gia các hiệp định tự do thương mại lớn như EVFTA và CPTPP… đã tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. 

TS Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, tính đến đầu năm 2021, Việt Nam có 94 CDĐL được bảo hộ trong nước, con số này đã tăng đáng kể so với năm 2012 (31 CDĐL) khi chúng ta mới bắt đầu đàm phán Hiệp định EVFTA. Với EVFTA, ngoài cam kết về các tiêu chí liên quan đến hệ thống đăng ký CDĐL, các bên còn cam kết bảo hộ cho nhau một danh mục các CDĐL (169 CDĐL của EU được bảo hộ tại Việt Nam và 39 CDĐL của Việt Nam được bảo hộ tại EU). Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các CDĐL dùng cho nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột… mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho nhiều đặc sản khác như chè Mộc Châu, vải thiều Thanh Hà, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng... 

Tuy nhiên, với hàng ngàn loại nông sản, sản phẩm có chất lượng tốt, có tiềm năng chinh phục 28 nền kinh tế thành viên của EU, thì chưa đầy 40 CDĐL vẫn là một con số khá khiêm tốn.

 

Năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được định giá 319 tỉ USD, tăng 29% so với năm 2019. 

 

 

Chăm cây mới có ngày hái quả

Không chỉ gia tăng số lượng CDĐL được bảo hộ, quan trọng hơn, cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển CDĐL sau bảo hộ, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang CDĐL. 

Hiệu quả của bảo hộ CDĐL đã được chứng thực, mà trường hợp thuyết phục nhất gần đây chính là trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Mặc dù mùa vải chín rộ trùng với thời điểm địa phương này bị giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhưng bà con nông dân vẫn tiêu thụ được vải rất tốt, thậm chí vẫn xuất khẩu được hàng sang Nhật Bản - thị trường mà trái vải vừa được bảo hộ CDĐL trong năm 2021. Trước đó, vải thiều Lục Ngạn cũng đã được bảo hộ CDĐL tại các thị trường xuất khẩu khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Mỹ, Singapore, Australia… 

Từ cao nguyên đá Hà Giang xa xôi, mật ong bạc hà Mèo Vạc sau khi được bảo hộ CDĐL đã tăng giá gần gấp đôi. Tương tự, nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) tăng giá từ 30 - 50%, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng từ 30 - 35%, cam Vinh (Nghệ An) tăng hơn 50%, bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá bán tăng lên 3,5 lần; chè Mộc Châu (Sơn La) được bán cao hơn từ 1,7 - 2 lần; chè Tân Cương (Thái Nguyên) cũng có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần...
Bên cạnh việc mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, việc xây dựng và đăng ký bảo hộ CDĐL cả ở thị trường nước ngoài còn giúp tránh rủi ro bị mất nhãn hiệu và mất thị trường. 
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết đều nêu rõ nguyên tắc, nếu như có ai đó đã đăng ký CDĐL dưới dạng nhãn hiệu thì các nhà sản xuất khác không được phép sử dụng CDĐL đó. Tháng 6/2011, nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam từ năm 2005) bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu trên lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để đi kiện, “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Trường hợp tương tự cũng đã từng xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre…
Nhấn mạnh việc đăng ký CDĐL ở nước ngoài là vô cùng quan trọng, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) nói: “Thực tế nếu không đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài thì sản phẩm của chúng ta khi xuất khẩu sẽ bị hàng rào xuất khẩu ngăn cản. Các địa phương, làng nghề có các đặc sản cần được hướng dẫn, hỗ trợ tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ ở các nước mà chúng ta có thị trường xuất khẩu lớn”.

 

Mang Việt Nam đến với thế giới 

Quay trở lại với cuộc tranh cãi mang tên Champagne. Pháp phản ứng quyết liệt với Nga không chỉ vì lợi ích của các nhà sản xuất rượu, mà vấn đề là ở chỗ từ “Champagne” hàng trăm năm nay đã gắn liền với ý niệm về một nước Pháp tinh tế, hào hoa. Giống như cigar Havana (Cuba), hay pizza Napoli (Italia), chỉ cần nhắc đến những CDĐL ấy là đã thấy thấp thoáng bóng hình những đất nước sản sinh ra chúng. Chính vì thế, CDĐL được bảo hộ như tài sản trí tuệ và là một phần của thương hiệu quốc gia chứ không chỉ của riêng một doanh nghiệp nào. 
Khung pháp lý về quy trình đăng ký CDĐL ở Việt Nam hiện đã khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn thiếu các quy định có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng các CDĐL sau khi bảo hộ, nên không khai thác hết được hiệu quả trong hoạt động thương mại; hoặc được khai thác nhưng không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của CDĐL, từ đó làm cho thương hiệu quốc gia bị “sứt mẻ” phần nào.
Ngoài ra, hiện cũng còn thiếu các quy định cụ thể trong việc kiểm tra sự ổn định của chất lượng sản phẩm; các nghiên cứu chuyên sâu để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính sản phẩm với điều kiện địa lý bằng các chỉ tiêu định lượng có sự ổn định và liên tục. 
Thấy rõ những “khoảng trống” này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ II Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2022. Đây là một thuận lợi lớn, củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ CDĐL nói riêng.

Trên thế giới, hiện có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước khoảng 50 tỷ USD.
(Theo Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ)

Bài: Cẩm Hà - Thiết kế: Hữu Nhất

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất