, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 30/05/2023, 06:00

Từ Trường Sơn - “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” đến Cà Roòng, sợi khói không tắt

NAM KHANG
Ngày 24/7/2022, hồi chuông lớn, ngân dài đã vang lên tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), một điểm xanh trên bất tận Trường Sơn. Theo tiếng chuông ngân, là những hàng người cúi đầu, rưng rưng nắm nhang trên tay ngước nhìn trời, gởi về xanh thẳm mây bay lời thì thầm cầu nguyện cho những linh hồn vô định, lưu lạc sau nửa thế kỷ đã ngừng tiếng bom rơi. Từ hôm đó, từng đàn bướm như buổi hội xuân, đã tìm về đậu trên nóc đền tưởng niệm Cà Roòng - Trọng điểm ATP, giã biệt kiếp di gan linh hồn hậu chiến.

Cuộc đối đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ tại miền Nam những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đã khiến những bộ óc chiến lược của miền Bắc Việt Nam buộc phải hóa giải bằng mọi giá thế trận bất phân trên chiến trường, mà điểm cốt tử là hậu cần. Đường Trường Sơn đã ra đời từ những năm đó. Mở một con đường từ Bắc vào Nam để chuyển quân, chuyển đạn dược, thuốc men, lương thực - một quyết định mà lịch sử quân sự thế giới hiện đại chưa từng có. Nhưng nó đã ra đời, và có nhà nghiên cứu đã nói rằng con đường này là mạch máu.

Để giữ cho “mạch máu” không tắt, thì, phải trả bằng máu.

Và ở đó, đường 20 Quyết Thắng là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh, là con đường huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ. Hàng loạt địa danh trên tuyến này đã trở thành trọng điểm, trong đó trọng điểm Cà Roòng - ATP (Cà Roòng, cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) nay là khu vực Km 63+900 Tỉnh lộ 562, được ví như “túi bom”, “tọa độ lửa” vượt Trường Sơn. Máu, nước mắt và mồ hôi của những chàng trai, cô gái tuổi 20 đã đổ trên toàn tuyến 20, trên các trọng điểm Trạ Ang, Dốc Ba Thang, A-ki, Cà Roòng, ATP… làm nên huyền thoại của tuyến đường.

Thời gian đã hóa cỏ, hóa lãng quên trên con đường đó. Hậu chiến với bao điều không biết trước, không ngờ trước, như sóng dồn xô người ta đi. Trường Sơn với bao gương mặt tuổi 20 yêu dấu đi mãi không về khi đã làm nên “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan” (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thực địa đường 20 Quyết Thắng năm 1973). Xương máu họ đã hóa vào non xanh, lẫn vào mây trắng. Nhưng, như những người già dân tộc ít người vùng cao Quảng Bình từng kể, rằng họ thỉnh thoảng nghe tiếng khóc, tiếng cười, tiếng la hét như thể có ai đứng gần đó lúc đúng Ngọ hay nửa đêm, rồi có những con chim mà cả người già như tiền sử vẫn không biết, nó kêu những tiếng thất thanh, u buồn như nước mắt, có lúc mang âm giai rạo rực gọi bạn tình, rồi tất cả chìm trong tiếng mưa liền ngay đó. Bằng thái độ kính ngưỡng và minh triết của kẻ đủ sống để đọc được ý trời đất, họ nói, đó là linh hồn lang thang của những chàng trai cô gái trên tuyến đường năm xưa. Nhưng họ biết lấy gì để bái vọng?

*

Lịch sử lắm khi là câu hỏi ngơ ngác, cái lắc đầu u sầu quay nhìn ngổn ngang trần thế, hoặc lắm khi chỉ là phút nhớ lại rồi lướt qua.

Không ai bị lãng quên, khi tất cả dường như bị lãng quên. Đền Cà Roòng là câu chuyện như thế, ra đời với tâm thức đau đáu của một cựu binh Trường Sơn.

Cũng chẳng lạ, những câu chuyện của thời gian, thế sự mang vết dấu đổi thay, thường bắt đầu từ bộ óc, trái tim của ai đó những đêm không ngủ.

*

Câu chuyện tâm linh Trường sơn được trở lại vào buổi sáng ngày 10/4/2023 tại nhà riêng của Thiếu tướng Phan Khắc Hy - vị tướng cuối cùng còn lại của Bộ Tư Lệnh Trường Sơn năm nào, nay tuổi đã gần bách tuế nhưng chưa từng hết minh mẫn. Ông sôi nổi hơn khi được nhắc nhớ những lần trở lại Trường Sơn sau hơn 50 năm, theo lời mời của người lính trẻ ngày ấy, nay đi làm Nghĩa tình Trường Sơn. Cái nhìn cũng trở nên thẫm buồn khi nhớ về đồng đội, về những người lính của mình đã nằm lại trên những con đường ngang dọc Trường Sơn.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và ông Nguyễn Đức Quang.

Ông kể cho chúng tôi nghe về một đêm được hội ngộ với người lái xe đã mất của mình. Đó là đêm làm lễ tâm linh trước ngày 26/7/2011 – ngày khởi công xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn ở bến Phà Long Đại, Quảng Bình (do Chương trình Nghĩa tình Trường sơn báo SGGP tổ chức). Một cô gái thanh niên xung kích thuộc Tỉnh đoàn Quảng Bình trong màu áo xanh trẻ trung, bỗng run bần bật rồi chạy lên ôm chân tướng Hy nói bằng giọng đàn ông “Thủ trưởng ơi…”. Ông hỏi: Cậu là ai? Cô gái đáp trong tiếng nức nở: “Em là Th, lái xe của Thủ trưởng đây…”. Ông lặng người... Ông kể, người lái xe ấy đã hy sinh trong chuyến chở Chính ủy Đặng Tính đi làm nhiệm vụ, thay cho lái xe của Chính ủy bị sốt rét. Từ đêm đó, niềm tin vào sức mạnh tâm linh trở nên mãnh liệt hơn trong ông.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy trầm giọng: “Ý tưởng về một tượng đài tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn đã có từ trong chiến tranh và việc nhận thức được, lĩnh hội được khí thiêng sông núi tụ về Trường Sơn cũng có từ chiến tranh. Nó đã tiềm ẩn ngay khi nhìn xương máu đồng đội ngã xuống trên chiến trường, người ta nghĩ đến một ngày cha mẹ anh em người đã chết thắp nắm nhang xót thương mà không nhìn nhận được con cháu anh em mình. Hòa bình, Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn đã ra đời, từ đó. Nhưng về những ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ trên Trường Sơn để bao linh hồn lưu lạc, có tên và không tên, trai và gái, bộ đội và dân quân, TNXP và trí thức có chốn trú ngụ. Ai cũng thấy cần, nhưng chưa ai làm…”.

Ông Hy quay nhìn người lính cũ của mình - một người lính vô danh trong đoàn quân trùng trùng thuở ấy - cũng có mặt buổi sáng hôm 10/4 - cái nhìn vừa trìu mến vừa hàm ơn. “Anh Quang này là người đã làm được việc đó. Từ chuyện nghĩ ra làm gì để trả nghĩa cho Trường Sơn, trả ơn người nằm xuống. Quang đã xướng danh, đi tìm, chọn lựa địa điểm và làm từng ngôi đền ở những nơi khốc liệt nhất năm xưa. Nhờ đó mà tôi được đi sâu hơn vào Trường Sơn, bởi ngày trước sống giữa bom đạn nên quá chai lì, kỷ niệm không có gì đặc biệt ngoài những ám ảnh chiến tranh. Nhưng Trường sơn đã quá đặc biệt khi được nhắc lại, qua hành trình làm những ngôi đền của Quang”. Người trận mạc cả đời như ông, ở tuổi này, vẫn không giấu được xúc động khi kể chuyện.

Người lính được tướng Hy nhắc, là nhà báo Nguyễn Đức Quang - Tổng biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt. Từ rất nhiều năm trước, ông Quang đã khởi xướng chương trình Nghĩa Tình Trường Sơn khi còn làm ở báo SGGP. Và 10 năm qua, chương trình Nghĩa tình Biên giới - như tên gọi khác, được ông tiếp tục tại Nông Thôn Việt. Năm 2018, sau nhiều đêm mơ những giấc mơ mang gương mặt đồng đội, và dằn vặt trong nỗi ám ảnh thời hậu chiến, ông trở lại Trường Sơn, xuôi ngược gió mưa trên đường 20 Quyết Thắng và chọn được Cà Roòng - Trọng điểm ATP làm đền tưởng niệm. Lặng lẽ và kiên nhẫn gõ từng cánh cửa mạnh thường quân, ông đã gặp được những người có cùng một trải nghiệm như ông về sự mất mát và nỗi buồn từ chiến tranh.

*

Sự ra đời của những ngôi đền, như gương mặt của lịch sử, lắm lúc có những nếp nhăn cần phải được hóa giải rõ ràng, nhưng như bao điều kỳ lạ của trời đất, nhiệm màu nào cũng bắt đầu từ đức tin thanh sạch và trái tim không vướng bận tạp nhiễm.

“Chỉ có sự thúc giục vô hình mà vô cùng hiện hữu: tâm linh! Chính sức mạnh tâm linh đã dắt gọi - Ông Hy nói - Khi nói đến cái đền Cà Roòng, thì tôi nhớ đến vai trò của Quang. Mà ở đây có vấn đề tâm linh, Quang nó có một cái cảm nhận gì đó từ trên trời rơi xuống thâm nhập vào nên nó có sáng kiến, từ Nghĩa tình Trường Sơn rồi đến đền thờ. Cá nhân mà nói thì Quang dù không sống ở Trường Sơn nhiều nhưng mà tâm hồn của nó, suy tư của nó, đã biến thành những việc làm cụ thể để trả nghĩa, trả ơn, không chỉ với Trường Sơn, mà còn là nghĩa tình đối với đồng bào, đồng chí đã từng qua Trường Sơn, đã từng hy sinh ở Trường Sơn…. Ngoài sự gặp gỡ tâm linh, có lẽ còn là sứ mệnh…”.

Sứ mệnh đó, như mang thập giá của tình đồng đội, nghĩa con người. Để làm được điều này, ông Quang và bao người đã lặn lội, chuẩn bị với bao khó khăn trắc trở, tưởng chừng không vượt qua được. Tháng 7/2018, lễ khởi công xây dựng ngôi đền đã diễn ra, nhưng nó như một “cuộc chiến” kéo dài 4 năm, hết “cân não” với thủ tục để lấy cho được vị trí từng là tâm điểm của tọa độ lửa sát biên giới mà nay người ta muốn dùng vào việc khác; lại đến tìm cách giải bài toán vận chuyển vật tư nguyên liệu trong điều kiện mưa lũ, như trận lũ lịch sử tháng 10/2020, rồi tiếp đến là dịch Covid-19 kéo dài…

Bây giờ, ngôi đền bề thế đó đã mọc lên như một điểm tựa uy nghi trấn giữ nơi miền biên ải, với tổng diện tích trên 1,8ha, gồm các hạng mục: đền thờ, nhà bia, gác chuông, cổng tứ trụ, nhà công vụ, bãi đỗ xe, sân, đường nội bộ và các hạng mục phụ trợ cùng với khuôn viên, cây xanh, đường dạo… Riêng chiếc chuông ở ngôi đền nặng hơn 1 tấn được đúc ở một làng nghề nổi tiếng từ tỉnh Nam Định. Thân chuông khắc dòng chữ: “Một tiếng chuông ngân/ Núi rừng đồng vọng/ Đất trời chuyển động/ Liệt sĩ hiển linh”. Một tấm bia đá nguyên khối cao 2,1m có đế 0,3m ghi lại lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này…

Câu chuyện về ngôi đền cứ kéo dài mãi suốt buổi sáng tháng Tư, vị tướng trên con đường huyền thoại nhớ về thời gian này của 64 năm trước, cái năm bắt đầu mở đường Trường sơn, lùi dần cho đến hôm nay, ngày ông nhìn thấy được đền tưởng niệm liệt sĩ Cà Roòng - ATP qua hình ảnh, và bày tỏ sự mãn nguyện của mình với hậu bối: “Giá tôi còn nhiều sức khỏe để lên được ngôi đền thắp nhang, để mà ngắm nhìn ngôi nhà chung của đồng đội…”.

Chúng tôi rời nhà tướng Hy khi trời đã quá Ngọ. Trong cái nắm tay siết chặt tiễn ông Quang, người thủ trưởng cũ gửi gắm: “Làm sao để con đường 20 Quyết thắng và đền tưởng niệm liệt sĩ Cà Roòng - ATP trở thành những di tích, di sản để khai thác du lịch, lúc đẩy kinh tế vùng đất này, để bà con nơi đây được ấm no, để ngôi nhà của người nằm xuống không còn quạnh quẽ chốn thâm sơn…”. Cánh cổng nhà chưa vội khép, bởi vị tướng già vẫn dõi mắt nhìn tấm lưng người lính trẻ của mình năm nào, giờ đã ngoài 70. Đôi vai của người cựu binh này như đang vác chiếc thập giá thứ hai sau lời gửi gắm nọ.

*

“Đường làng tháng giêng dài ra hút tắp - Em không về vắng một cuộc đưa dâu” (thơ Trần Tuấn).

Gương mặt của một thế hệ. Nỗi đau vạn vạn gia đình. Giấc mơ dang dở của bao con tim, khối óc…

Đền Cà Roòng – Trọng điểm ATP, nhang khói Trường Sơn, một tiếng chào đã cất lên để người hôm qua bỏ mình cho xứ sở mỉm cười khi mạch nối họ với hôm nay đã thông. Sự mách bảo thần thánh cũng không hề là đại trà, đám đông. Nhưng có ai ngăn chúng ta không tìm về đó, về Cà Roòng, thắp một nén nhang tâm linh thành kính, để đồng vọng một khao khát bình yên cho xứ sở, một vỗ về an ủi cho người đã khuất, như một chứng kiện tiếp nối của lương tâm Việt.

Ngôi đền hiện ra để người trẻ hôm nay gặp lại nụ cười Tuổi 20 Yêu Dấu của chiến tranh, để lịch sử bớt đi nhiều dấu lặng, vì nó đã được lần giở lại bằng tấm lòng bền như sợi khói giữa hư vô, khói không bao giờ tan, bởi nó mang trái tim người.

* “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” là lời bình luận của báo chí phương Tây khi nói về đường Trường Sơn

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất