, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/02/2023, 13:54

Tư tưởng thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua mộc bản “Cư trần lạc đạo phú”

ĐÔNG KHÁNH
Tháng Giêng này, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ rước Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" từ chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng lên chùa Thượng thuộc Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Tác phẩm nổi tiếng của Phật hoàng được khắc trong bộ kinh Thiền Tông bản hạnh, thể hiện rõ tư tưởng và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Đó là tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc kết trong bài kệ “Cư trần lạc đạo phú” nổi tiếng được truyền tụng trong sử sách hàng trăm năm qua.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử.

Tiết trời mùa xuân thật khiến lòng người thêm phấn chấn khi đặt chân đến chốn thiêng Tây Yên Tử. Du khách hành hương vui mừng chào đón sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2023 và Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử với chủ đề "Linh thiêng Tây Yên Tử". Một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân đó là lễ rước Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" với quy mô lớn, trang nghiêm và đầy ý nghĩa. 

Tây Yên Tử (Bắc Giang) là bộ phận không thể tách rời trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - nơi gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Nếu Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) được xem là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của vị vua từng rũ bỏ vinh hoa phú quý để chuyên tâm tu hành. Sau khi Phật hoàng nhập niết bàn, sư tổ đệ nhị Pháp Loa và sư tổ đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của Trúc Lâm, các ngài cho mở mang xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở Bắc Giang, trong đó chùa Vĩnh Nghiêm được xem là trường đại học Phật giáo đầu tiên trong cả nước và đây chính là trung tâm Phật giáo lúc bấy giờ.

Vĩnh Nghiêm hiện lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật. Đặc biệt, mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh (một trong các đầu sách thuộc kho mộc bản ở chùa) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight,ttf) và được sử dụng như một ngôn ngữ quốc tế trên máy tính. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm.

Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho hay kho mộc bản gồm hai loại kinh, sách chính. Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại bằng ngôn ngữ Hán - Nôm. 

Những tác phẩm này đa phần chứa đựng nội dung cốt lõi của tư tưởng nhân văn Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cơ sở phát triển của Thiền học Trúc Lâm Yên Tử, lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn hóa giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, sinh thái môi trường, tâm linh học, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền, xã hội học, y học, cùng các lĩnh vực khác thuộc về khoa học xã hội của Việt Nam từ giai đoạn đầu thế kỷ XIII đến những năm đầu thế kỷ XX. 

Thượng tọa Thích Thanh Vịnh giới thiệu với du khách về kho mộc bản.

Mộc bản khắc in tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” được khắc in trên gỗ thị, khi in ra giấy dó trở thành chữ xuôi. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, mộc bản “Cư trần lạc đạo phú” gồm 6 mặt khắc chữ Nôm để diễn ca nói về Thiền phái Trúc Lâm mà tác giả chính là Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, thời Trần thế kỷ XIII - XIV. 

Tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” nguyên bản đề Yên Tử sơn đệ nhất tổ Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự chủ Phật Cư trần lạc đạo phú dịch nghĩa là Bài phú Cư trần lạc đạo của Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác hoàng Điều Ngự tổ thứ nhất phái Trúc Lâm núi Yên Tử. Bài phú Cư trần lạc đạo (tức: Ở đời vui với đạo) dài 160 vế. Đây là tác phẩm văn học thuộc loại đầu tiên bằng chữ Nôm hết sức có giá trị của văn học Việt Nam còn được bảo tồn đến ngày nay. Tác phẩm phú này đều thuộc thể loại văn họa luận đề, tập trung trình bày một số vấn đề mang tính tư tưởng và lý luận. Cư trần lạc đạo phú được xem là “một bản tuyên ngôn của con đường sống đạo, mà Phật giáo Việt Nam đã đề ra và chi phối cuộc sống của hàng triệu người Phật tử Việt Nam thời vua Trần Nhân Tông và những thế kỷ sau. 

Tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” được viết theo lối phú luật hay phú cận thể của thời thịnh Đường, gồm 10 hội dài bằng chữ Nôm và một bài kệ bằng chữ Hán kết thúc bài. Mười hội dài phu diễn những quan điểm của người tu giữa chốn trần ai, cùng các điểm khai ngộ lý thiền. Thi kệ yết hậu chính là phần kết luận của bài phú, tóm lược lại tất cả những tinh yếu của toàn bài. 

Hàng trăm năm qua song chữ viết trên mộc bản vẫn rõ ràng, sắc nét và dễ đọc, dễ nhớ gần gũi với ngôn ngữ của người dân Việt và dễ đi sâu vào lòng người. Văn phong trong tác phẩm đơn giản nhưng thấm nhuần ngôn ngữ Phật giáo, đồng thời thể hiện tinh thần nhập thế của những tác giả là nhà tu hành.

Một điều đáng quan tâm trong “Cư trần lạc đạo phú” chính là một tác phẩm Nôm tiêu biểu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Viêt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ viết do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt). Những lời thuyết pháp được viết bằng chữ Nôm ấy không phải là dịch trực tiếp từ kinh Phật viết bằng chữ Hán hay bằng chữ Phạn (một loại chữ Ấn Độ cổ), mà đó là những tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ, phú hoặc là những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam.

Trong số này tiêu biểu có tư tưởng nhập thế, tự lực và tùy duyên của vua Trần Nhân Tông thể hiện trong bài phú "Cư trần lạc đạo" của mình. Tư tưởng đó được đúc kết trong một bài kệ theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán như sau: 

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên 

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Dịch nghĩa:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên 

Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền 

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm 

Đối cảnh vô tâm thì chớ hỏi Thiền. 

Đại ý của bài kệ này nói rằng: Mỗi con người hãy nên sống hòa mình với đời, không câu chấp; Hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên; Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực; Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật. 

Lễ rước mộc bản Cư trần lạc đạo phú.

Có thể nói, trong bối cảnh những nguồn tư liệu chữ Nôm thời Lý - Trần đã không còn nhiều thì việc bảo lưu nguyên vẹn được các bài phú, ca thời Trần trong cuốn Thiền tông bản hạnh này cùng với một số các văn bản Nôm khác đã giúp chúng ta có cơ sở nghiên cứu, đánh giá tìm hiểu diện mạo, đặc trưng, cấu trúc của văn tự Nôm thời kỳ đầu mới phát triển. Đồng thời, qua tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú”, chúng ta thấy được sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, những tư tưởng, tinh thần và triết lý thâm hậu của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển chung của dân tộc.

Việc tổ chức lễ rước bộ mộc bản thể hiện ý chí và tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm; làm cơ sở để tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện mục tiêu phục dựng, tái hiện con đường “Hoằng dương Phật pháp" của các Phật tổ phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đồng thời tôn vinh, giới thiệu, quảng bá sâu rộng giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Di sản thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách, góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội địa phương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất