1.
Cánh đồng Hưng Điền cặp mí đất tỉnh Soài-Riêng, Campuchia; chạy từ doi đất Tà Nu, Phố, Tân Lèo đến bến nước Thông Bình giáp tỉnh Đồng Tháp; trước kia chính quyền Sài Gòn gọi là tỉnh Kiến Phong. Hồi xưa, Hưng Điền thuộc tỉnh Kiến Tường, nay là tỉnh Long An; vùng đất hoang bạt ngàn thiếu người khẩn đất.
Áng chừng những năm đầu của thế kỷ trước, dân ''lưu linh, lưu địa'' mới mon men đến khẩn hoang cái ''túi phèn, rún lũ'' này. Sách sử đời sau, thường gọi lưu dân. Trong đám người gọi là lưu dân đó, kẻ có của; người thuộc hạng ''sơn trạch''. Nghĩa là, hạng sạch trơn. Và, người hạng sạch trơn, chỉ có nước đi mần mướn kẻ có của.
Lần hồi, ruộng đất miệt Hưng Điền hoàn toàn thuộc về tay kẻ có của. Họ tự ''hóa kiếp'' mình trở thành địa chủ. Còn người ''sơn trạch'', đương nhiên rằng sạch trơn. Cốt khỉ hoàn cốt khỉ! Thiệt ra, lưu dân chính là họ, chớ không phải hạng người có của. Họ trực tiếp ''bán mặt cho đất, bán lưng cho trời''. Và, họ chớ chẳng phải ai khác, mới là người được Thần Nông thấu cảm niềm vui, nỗi buồn. Thần Nông với họ gần gũi nhau; cái mà địa chủ không thể có!
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
2.
Nông dân Hương Điền sống thì, sống chung với lũ. Trồng lúa thì, trồng né lũ. Theo phương châm: ''Tránh voi chẳng xấu mặt nào''. Hằng năm, họ hả hê trúng vụ lúa mùa vượt nước với các giống lúa: Nàng Đùm, Gãy Xe, Tất Nợ...Cộ lúa về sân gò bằng trâu kéo cộ lỉa! Thiệt ra, mùa vụ trúng thất gì họ cũng cúng Thần Nông.
Ra giêng, họ un khói đốt đồng vào những buổi chiều khi nắng còn trần truồng, nằm phơi mình trên mặt rơm rạ. Gió rượt đuổi lửa chạy khắp cánh đồng. Và, trời về đêm, lửa uốn éo, bập bùng, khác chi điệu múa ''Lâm thôn'' của người Khơ-me ''mừng lễ hội, vui tết'' và cũng có khác chi những ánh ma trơi chập chờn ngoài bãi tha ma ở bến Sông Trăng. Nửa đêm về sáng, lửa mồi sương và lửa tắt ngấm bởi những hạt sương màu đục sữa, ẩm ướt!
Chờ đến gà gáy đầu canh tư, vợ chồng con cái tá điền dọn mâm cơm nơi bờ ruộng cúng Thần Nông. Mâm cơm cúng món chi thì cúng, nhưng buộc phải có món cá lóc nướng trui đốt bằng lửa rơm. Thịt cá lóc trui trắng phếu khi vẽ ra từng lọn. Rồi từng lọn đó, được cuốn lại bằng lá sen non và lăn qua, trở lại trên vỉ than hồng...mùi thôn dã chưn quê bay lừng trời đất!
Đờn bà bái tạ Thần Nông trước, đờn ông bái tạ sau. Hỏi họ khấn vái điều gì, họ không nói. Bởi, đó là điều bí mật của mỗi gia đình tá điền lúc đối diện với Thần Nông.
Vì sao, đờn bà bái tạ Thần Nông trước, đờn ông bái tạ sau?
Họ nói rằng:
- Thường thì, phải bỏ cố hương ra đi ''tha phương cầu thực'', vai trò quyết định hầu như ở người phụ nữ. Ở xứ nào thì, chẳng biết. Chớ đất Việt thì, rõ rành rành: Huyền Trân công chúa, Ngọc Vạn công nương, Ngọc Khoa công nương, con của chúa Sãi...Thương thay! Ngọc Vạn, Ngọc Khoa đã thế thân để mở cõi mà, ít được người đời sau nhắc tới; ngay cả trong chính sử của triều Nguyễn ''Đại Nam Thực Lục Tiền Biên'' cũng chỉ ghi cho mỗi công nương đúng 3 chữ: ''Không có truyện!''
Thử hỏi, con đất Việt ai nghe mà cầm lòng cho đặng?
Rồi, họ kể:
- Việc nhà, việc đồng áng, việc đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù thời ''chống Mỹ cứu nước'', việc lên huyện xuống làng...nào thiếu bóng dáng người phụ nữ? Đờn bà như cái đó, đờn bà xây tổ...Tất nhiên, đờn bà được quyền mần cái chuyện bái tạ trước đờn ông. Vả lại, ông bà ta từng phân biệt và khẳng định:Thời trẻ, gọi ''vợ chồng thằng đó!''. Nghĩa là, vợ trước chồng! Về già, gọi ''hai ông bà''. Nghĩa là, ông trước bà! Suy đến cùng, nhà nông nói đều có ý tứ cả!
Có người cắc cớ, cho rằng:
- Thần Nông sau ngày mùa và, khởi đầu ngày mùa mới, thích đờn bà chỏng khu vái trước đờn ông, chăng?
3.
Sau ngày hòa bình, tục hay lệ cũ cúng Thần Nông ở miệt Hưng Điền nhạt dần và mất hẳn. Hưng Điền thắm da đỏ thịt, từ:Trường-Trạm- Đường- Điện với cơ chế 4 Nhà liên kết, trong một Nông Thôn mới theo nhịp bước phát triển công nghệ toàn cầu. Hệ thống Internet đã về tận nơi ''thôn cùng xóm vắng'', điều mà nông dân Hưng Điền hiện tại lo lắng là, chất lượng sống của con người qua chất lượng nuôi trồng Cây-Con. Dẫu rằng, có cúng Thần Nông như hồi nẳm chắc cũng bó tay!