, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 11:00

Tục thờ Bạch hổ trong tín ngưỡng người Hoa ở Chợ Lớn

UYÊN QUÁCH
Trong văn hóa dân gian, hình tượng hổ được thờ phụng ở nhiều nơi. Đối với tâm thức của người Hoa cũng như nhiều tộc người khác ở nước ta, hổ là loài vật linh thiêng và thường được thờ cúng trong các đình, chùa, tương tự như tập tục thờ hổ của người Việt.
Hình tượng Bạch Hổ ở Hội quán Hà Chương (Nguyễn Trãi, Q.1)

Tại các hội quán của người Hoa ở Chợ Lớn, nếu nhìn từ ngoài vào thì bên trái phía sau của chánh điện - nơi thờ các vị nhân thần như Bà Thiên Hậu, Quan Thánh (Quan Công) - là tượng Bạch Hổ, bên phải là tượng Thanh Long (rồng xanh). Ở giữa hai tượng thần thường có bảng dựng bằng đá màu đen, trên khắc chữ Hán. Tại Hội quán Hà Chương là các chữ: “Thái Sơn thạch cảm đương” - kể về truyền thuyết ông Thái Sơn Thạch diệt trừ yêu quái. Còn ở Ôn Lăng Hội quán, hai dòng chữ trên bia đá là “Thạch cảm đương da da. Xã tắc công da da” - ý chỉ thần Bạch Hổ chuyên trừ yêu và thần Thanh Long ổn định xã tắc. 

Kiến trúc của các Hội quán Hà Chương, Tuệ Thành, Ôn Lăng, Nghĩa An… ở khu Chợ Lớn đều mang đậm phong cách Trung Hoa. Các hội quán này, tùy nguồn gốc cộng đồng mà thờ những nhân thần khác nhau. Như người gốc Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, còn người Triều Châu và Khách Gia (Hẹ) thờ Quan Thánh…

Tranh Ngũ Hổ - tranh dân gian Hàng Trống

Tập tục nổi bật gắn liền với việc thờ Bạch Hổ ở các Hội quán của người Hoa là “đánh tiểu nhân”, vốn có xuất xứ từ Hồng Kông (tập tục này được xem là di sản văn hóa phi vật thể của Hồng Kông) và thường được thực hiện nhiều vào đầu tháng ba dương lịch (còn gọi là tiết Kinh trập), cũng là ngày vía Thần Bạch Hổ. 

Ngoài ra, trong các dịp khác như cuối năm hoặc bất kể lúc nào con người cảm thấy mình gặp nhiều chuyện không lành, tâm trạng phiền nhiễu… cũng có thể đến hội quán để thực hiện nghi thức này. Ở khu vực Chợ Lớn, nơi diễn ra tập tục này nhiều nhất là Hội quán Ôn Lăng.

Theo quan niệm dân gian của người Hoa, Bạch Hổ là khắc tinh của “tiểu nhân” và các thế lực xấu. “Tiểu nhân” ở đây vừa có thể là những đối tượng không cụ thể (năng lượng tiêu cực, bệnh tật, điều rủi ro... ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người), vừa có thể là đối tượng cụ thể (người có ý định làm hại, nói xấu, đối xử tệ với mình). Chính vì vậy, việc “đánh tiểu nhân” thường được thực hiện ở trước tượng Bạch Hổ theo các nghi thức cụ thể về vật phẩm và quy trình cúng. Khi cúng, người cúng sẽ quỳ trước tượng thần, cầu nguyện, sau đó dùng dép hoặc giày đập liên tiếp vào hình nhân bằng giấy tượng trưng cho kẻ “tiểu nhân” đang theo quấy rối, để kẻ này không còn hại người nữa.

Nghi thức “đánh tiểu nhân” trước tượng Bạch Hổ ở Hội quán Ôn Lăng (Lão Tử, Q.5)

Một số điều cấm kỵ thường được người Hoa nhắc nhở khi thực hiện tập tục này, đó là người “đánh tiểu nhân” hay “người bị đánh” không nên là phụ nữ có thai; cũng như không nên chỉ rõ họ tên “tiểu nhân” mà chỉ dùng tên xưng hô hoặc biệt danh khác để thay thế.

Có thể nhận thấy, dù là đối với người Hoa hay người Việt, hổ vẫn là một linh vật. Tuy tập tục thờ cúng có khác nhau, nhưng với các dân tộc tại Việt Nam, hổ là một linh vật quyền uy, đầy sức mạnh khiến con người vừa e sợ vừa kính phục. Tục thờ hổ thể hiện mong ước được bảo vệ khỏi những bất trắc, xấu xa trong cuộc đời cũng như mong cầu hạnh phúc, bình an và may mắn của con người.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất