, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 27/10/2021, 09:07

Tục thờ cúng và những điều kiêng kỵ của người làng chài

BÁ ANH
Với người miền biển, biển cả là nơi ban cho họ sự sống nhưng cũng là nơi “ban cho” họ cả cái chết. Vì vậy, trong họ, sự tôn thờ luôn đi đôi với nỗi sợ hãi. Những tín ngưỡng, tập tục gắn với biển của người miền biển từ xưa đến nay đều xuất phát từ sự tôn thờ hoặc nỗi sợ hãi đó.
Lễ Cầu Ngư được tổ chức nhằm ghi ơn cá Ông cứu nạn.

Tục thờ thần biển

Tiêu biểu nhất trong tục thờ thần biển của người Việt là tục thờ cá Ông (cá voi). Đối với người đi biển, cá voi là một vị thần, thường giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn, tai nạn, đặc biệt là khi gặp mưa to, sóng lớn... Về đặc tính sinh học, do bản năng sinh tồn, cá voi thường tìm cách tựa sát vào những vật trôi nổi trên biển như thuyền bè rồi cùng thả trôi theo sóng để giảm sức nước mỗi khi có sóng to gió lớn. Do đó, người đi biển thường chứng kiến cảnh cá voi áp sát vào tàu thuyền, nhờ đó, thuyền không bị lật hoặc bị sóng nhồi vỡ mỗi khi giông bão. Thuở xưa, chưa lý giải được hiện tượng đó một cách khoa học, người đi biển luôn tin rằng đấy chính là thần biển ra tay cứu nhân độ thế, vì thế, hình ảnh cá voi chính là hình ảnh thần tiên, người đi biển biết ơn và tôn thờ, xem cá voi là ân nhân, là cứu tinh trên biển nên một lòng tôn kính. Lâu dần, niềm tin trở thành tín ngưỡng.

Tín ngưỡng thờ cá Ông của người Việt ngày nay có nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu là lễ Cầu Ngư hay lễ Nghinh Ông nhằm ghi ơn những lần cá Ông cứu nạn. Ngày cúng lễ Nghinh Ông hay Cầu Ngư được chọn tùy mỗi địa phương. Có nơi lấy ngày cá Ông lụy (chết), có nơi lấy ngày cá Ông được triều đình sắc phong. Đi dần vào phía Nam, tục thờ cá Ông ngoài việc gắn liền với sự biết ơn còn mang hình ảnh cứu khổ cứu nạn của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (theo quan điểm của Phật giáo). Tục truyền, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cử ông Nam Hải ban phép “thâu đường” để cá Ông cứu người khi gặp nạn trên biển.

Ở các tỉnh miền Nam còn có nhiều tục thờ cúng các vị thần khác như thờ Thiên Y An Na, thờ Bà Cậu - những vị thần xứ sở chuyên hỗ trợ cho người đi biển - hoặc thờ Đại Càn, cúng tống ôn, cúng tống thế lính… để tưởng nhớ những người đã hy sinh khi đi biển và cầu mong họ phù hộ…

Kiêng kỵ trong sinh hoạt

Người làng chài luôn bày tỏ lòng thành và sự tôn kính với biển. Ngư dân mỗi lần ra khơi đều phải chọn ngày lành tháng tốt và tổ chức cúng biển, cúng Ông mong được phù hộ thuận buồm xuôi gió và thu được nhiều cá tôm.

Con thuyền với người đi biển không chỉ là phương tiện đánh bắt mà còn là nơi cư trú, che chở trong suốt quá trình lênh đênh trên biển. Họ xem thuyền như một vị thần. Mũi thuyền là phần được xem thiêng liêng nhất, nơi dẫn đường chỉ lối trên biển cả mênh mông. Do đó, thuyền đánh cá thường được vẽ mắt và cấm kỵ việc đặt chân lên mũi thuyền, nơi mà ngư dân thường đặt bàn cúng.

Việc chuẩn bị lưới, thuyền cũng là điều quan trọng. Người ta thường cấm đi ngang dưới giàn mành lúc phơi lưới, bặn mành. Khi khiêng giàn lưới xuống thuyền thì phải có người dẫn đường đi trước để tránh có người đi ngang trước mặt. Khi lên thuyền, chuẩn bị ra khơi mà có ai hỏi chuyện thì chỉ được trả lời mà không quay đầu lại… Họ tin rằng những kiêng kỵ ấy sẽ giúp họ tránh được bất trắc và những điều không may mắn.

Người đi biển cũng kiêng kỵ các hành động mô phỏng hay nhắc đến việc “lật thuyền” như không úp, lật các món ăn (đặc biệt là cá), không cầm nón khi đi thuyền để tránh việc gió thổi lật nón, đi trên thuyền cẩn trọng không để cho sập ván, hụt chân, khi ra khơi thì không để các vật dụng trên thuyền rơi xuống biển… Họ cũng tránh dùng những từ như lật, úp, chìm, gãy, đứt… trong giao tiếp khi ra khơi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất