, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 16/03/2018, 09:15

Tục xuống đồng miền quê Nam Bộ

Hai Kiệt, chàng trai lực điền có tiếng tăm giỏi giang nghề nông vào bực nhứt làng. Thiệt vậy, một mình anh có thể gặt lúa xong tầm công gặt nội trong một buổi. Nhà nghèo, quanh năm mần mướn nên Hai Kiệt chưa thể có điều kiện cưới vợ; dẫu rằng, anh rất ưng cái bụng thương Tư Chèn từ độ đôi ba mùa trăng thu trước. Mỗi lần sau Tết lúc xuống đồng, chẳng hiểu vì rung cảm hay...quá khớp đèn trước người mình thầm thương trộm nhớ, anh cứ ấp a ấp úng nói lan man lúc có dịp nghỉ ngơi gần gũi nhau.

- Hai! Gà gáy canh ba rồi đó, dậy đi con!

Lời má Bảy cắt ngang dòng suy nghĩ của Hai Kiệt chập chờn trong giấc ngủ mơ mơ màng màng. Mải ôn nhớ chuyện xuống đồng từ năm trước với Tư Chèn, đầu hôm tới giờ, thiệt ra Hai Kiệt nào có ngủ nghê gì được đâu.

Má Bảy ngoáy cổ lại phía sau lưng thấy Hai Kiệt đang đứng chàng ràng.

- Má! Con không muốn tiếp tục công việc của nghề nông, con...

Má Bảy đột ngột dừng tay đốt lá dừa chụm lửa.

Tự dưng Má Bảy tức cười, má cười bởi má mần sao mà không hiểu được bụng dạ của con trai.

- Thôi, con ngồi xuống đây phụ má nấu cơm đi cái đã. Và, việc gì rồi hẳn tính!

Sương khuya phủ mờ mái tranh nghèo, ánh lửa bếp hắt bóng hai mẹ con chụm đầu vào nhau in trên vách đất. Má Bảy bồi hồi nhớ lại chuyện ngày cũ, cái ngày ba thằng Kiệt đeo đuổi quyết liệt đặng lấy được má, và nếu không toại nguyện thì ba nó sẽ ly nông. Bây giờ, ý nghĩ nó cũng giống y chang của ba nó hồi trước. Đúng là, ‘’rau nào sâu nấy’’!

Má hiểu con trai má thương yêu tới bến ‘’chết mê chết mệt’’ Tư Chèn, con gái chị Út Đẹt ở xóm Mâm miệt ông Tường. Nhưng, con trai má chưa qua cầu tình trường thì mần sao có trải nghiệm ‘’cầu bao nhiêu nhịp...dạ anh sầu bấy nhiêu’’! Má kể:

‘’Làng mình trồng lúa mùa. Do đó, ăn mùng năm tháng năm tức Tết Đoan Ngọ xong là xuống giống, có người gọi gieo mạ; khoảng tháng bảy cấy và độ sáu tháng sau, ra giêng gặt hái. Thời trai trẻ, ba con thuộc hàng ngũ lực điền ‘’ngon cơm’’ khắp vùng; bao thôn nữ chờ đợi và thầm mong được sống trong cảnh ‘’Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa’’ với ba con. Khi qua mùa ‘’mưa vạ gió vay’’ và bắt đầu mưa nặng hạt, ba con nhổ mạ; nếu chưn ruộng úng thủy thì ba con dùng lạt dừa nước bện dây hoặc dùng cây tre trúc làm sào, gặp ruộng quá sâu, dùng tấm lỉa mà bây giờ con hay nói ván mạ để kéo mạ ra ruộng cho công cấy có mạ cấy. Cực sơn trường, vì tất cả đều mần mướn chủ ruộng.

Nhà nội con nghèo dưới mức nghèo, nên khó càng thêm khó. Người khá giả, kẻ thường thường bậc trung, đi làm đồng mang theo cơm trắng hoặc cơm nếp dẻo thơm ăn với mắm cá lóc, tôm kho tàu,cá rô kho tộ đất...đựng bằng thau, có khi đựng bằng cái diệm sành đất nung để lúc nghỉ tay ăn bữa trưa. Riêng dân hạng cá kèo như ba con, thì cơm độn khoai ăn với khô cá bổi hoặc đường táng... đựng bằng mo cau. Một lần má rắn mắc, cắc cớ giở lén mo cau cơm của ba con...chỉ có năm ba hột muối, và độc nhứt cục cơm nguội trộn khoai lang được vắt cẩn thận thiệt khéo. Má bần thần pha lẫn thương cảm ba suốt buổi chiều hôm, quên tiếng ‘’tù và’’ của lão trùm vạn báo hiệu ngày kết thúc...’’.

Ánh mắt má Bảy xa xăm...Không biết cái xa xăm đó, có phải do lòng trào dâng hoài cảm hay khói bếp cơm sôi! Rồi, má Bảy chậm rãi nói:

- Cái chơn chất trong việc chí thú mần ăn sẽ là nguồn cảm hứng cho thôn nữ phải lòng!

Những gì má Bảy nói đã giúp Hai Kiệt thức tỉnh.

 

2.

- Tư! Con Tư đâu rồi bây?

- Dạ, con đây nè, má!

Bà Út Đẹt ngồi trên tấm phảng, miệng nhai trầu bõm bẽm, nhắc lại:

- Ăn Tết cổ truyền đã xong, hôm nay, ra ngày mùng đó, nha bây!

Nghe má kêu, Tư Chèn mặc dù ‘’Dạ’’ thiệt lớn, nhưng cố nán phơi cho xong nia bánh ít ngọt để khi xuống đồng thu hoạch lúa, có cái ăn dặm lúc bụng bắt thèm đói.

- Tư! Bây dạ xôm tụ, rồi đâu má chẳng thấy?

Tư hấp tấp chạy vô nhà, thiếu điều vấp té ở ngạch cửa.

- Sớm mai, bây qua nhà thằng Hai nói: ‘’Năm nay, má mượn nó ‘Dở hộp’(1) cúng xuống đồng’’.

Bà Út vừa xỉa thuốc vừa dặn con gái.

Tư Chèn vồn vã hỏi:

- Thiệt hả, má!

Nắng ngọt ngoài sân.

Đã mấy mùa xuống đồng, mấy lần Hai Kiệt ngỏ lời: ‘’Ưng đâu cũng vậy, ưng anh cho rồi’’. Song, Tư Chèn đều mần bộ giả lơ nói lời giả lả cho qua chuyện. Bởi, trong thâm tâm Tư sợ má không ưng gả con về chỗ nghèo ‘’rốt mùng tơi, nghèo rơi nước mắt...’’ như chỗ anh Hai. Ngồi hóng mát dưới gốc vú sữa, Tư hồi tưởng mấy tháng trước Tết, anh Hai rủ đi bắt cá cạn ở những rún cày khi đồng lúa nước bắt đầu rút cạn.

Giờ nghe má biểu qua nhà anh Tư mượn anh ‘’Dở hộp’’ xuống đồng thì thử hỏi, làm sao Tư tránh khỏi sự mừng húm trong lòng. Tư Chèn thừa hiểu, má mượn anh Tư ‘’Dở hộp’’ là má đã xóa ranh giới giàu-nghèo, vì trong làng, trước nay chưa ai dám mượn kẻ không có được ‘’cục đất chọi chim’’ làm cái chuyện ‘’Dở hộp’’ cả!

*

Tháng giêng, mây lửng thửng trên nền trời xanh. Ngoài đồng, lúa chín vàng hực!

Ba hôm nữa tới ngày xuống đồng, bà Út kêu người dùng gàu day (2) tát ao sau vườn bắt cá tôm làm mâm cỗ cúng.

- Má ơi! Con muốn hỏi má một chuyện.

- Thì, bây cứ hỏi!

Nói là vậy, chớ bà Út đã nhận ra cái tư chất thôn nữ tròn trịa hình thành phẩm hạnh trong đứa con gái của bà. Giờ bà có thể yên tâm, nếu nó muốn đi lấy chồng.

- Người chết có coi trọng cái ăn như người sống không, má! Sao mỗi lần cúng lễ kẻ khuất mặt khuất mày, mình bày biện tràn trề thức ăn?

Bà Út thủng thỉnh nói:

- Hồi tía bây còn sanh tiền, thường nhắc nhở má: ‘’Ăn để mà sống chớ không phải sống để mà ăn’’. Ban đầu má nghe chí lý, nhưng lần hồi về sau má thấy có cái gì đó chưa thiệt ổn với người mình. Con vật có thể ăn để sống. Con người đâu hẳn chỉ ăn để sống, mà còn ăn cho ra người và muốn được vậy, người biết sống buộc phải biết ăn; không biết ăn cũng đồng nghĩa là chưa biết sống.

Tư Chèn vọt miệng:

- Như là ‘’Ăn Tết’’...!

Bà cười, nụ cười của người mẹ nhìn con trưởng thành.

- Người mình gọi ‘’Ăn Tết’’ vì ‘’Ăn chính là thước đo trình độ văn minh của mỗi con người. Nói rộng ra, đó là thước đo trình độ văn minh của mỗi dân tộc’’.

Tư Chèn có vẻ ngớ người. Bà Út nói tiếp:

- Người sống cúng người chết hoặc thần linh bằng sự ăn là bày tỏ lòng thành, và là sợi dây nối mạch Âm-Dương hòa hợp tương đồng. Vì lẽ, sự Sống-Chết gắn nhau khác chi hình với bóng.

Tờ mờ sáng, sương đồng bằng còn ẩm ướt đường làng. Hai Kiệt gánh mâm cỗ lẽo đẽo theo sau Bà Út ra ruộng.

- Để em gánh phụ anh Hai một đoạn!

Nghe văng vẳng tiếng con gái, bà lắc đầu nhưng vui bụng: ‘’Cái con nhỏ nầy nó thương trai hơn thương má’’. Chợt bà cười thầm một mình: ‘’Nó giống hệt mình, lúc thuận lòng tía nó thì mình cũng vậy’’!

Hương hoa, trà rượu bày ra; bà cùng con gái dọn xôi chè, gà luộc chéo cánh, chia thành hai mâm cỗ: Một cúng đất đai, một cúng chiến sĩ. Khi bà Út khấn vái xong và đợi tàn nhang, Hai Kiệt xin phép đất đai và chiến sĩ cho hớp ngụm rượu, rồi bước chưn xuống ruộng quơ vòng hái gặt bó lúa quằn hạt đầu tiên và sau đó, các công gặt túa ra cùng gặt.

Mùa lúa bội thu.

Bà Bảy khen Hai Kiệt mát tay, và là biểu tượng của sự may mắn. Đồng thời, bà mạnh dạn cầm Hai Kiệt ở lại giúp bà cộ lúa bó về sân chất cà lan để trâu đạp. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng Hai Kiệt rộn ràng vui, vì những ngày sắp tới là những ngày Hai Kiệt được gần gũi người mình thương. Về đêm, trời mát, dưới ánh trăng vằng vặc sáng, trâu và người dẫm đạp lên từng bó lúa thơm mùi rạ mới, cũng là dịp hai đứa chung cùng bắt bó (3) hoặc quét kiểu (4) sau khi đã kéo hạt lúa rải đều mặt sân bằng bù cào, có khi dùng trang.

Sau mùa xuống đồng và gặt đạp lúa, Hai Kiệt trở thành người thân không thể thiếu trong gia đình bà Út. Từ giê lúa tới xa đạp nước...chuyện nhỏ lớn gì, bà cũng nằng nặc đòi kêu Hai Kiệt cho bằng được.

Lâu ngày lửa bén rơm!

Bỗng dưng, Hai Kiệt nhớ lời má: ‘’Cái chơn chất trong việc chí thú mần ăn sẽ là nguồn cảm hứng cho thôn nữ phải lòng’’! Và, ngày đó, nơi miền quê Nam Bộ ‘’một nắng hai sương’’ đã có biết bao mối tình nên duyên chồng vợ từ tục xuống đồng đậm chất nhân văn! n

...........................................

(1) Dở hộp: Cắt lúa trước, hàm ý cầu mong được một mùa lúa bội thu.

(2) Gàu day tức gàu dây dùng tát nước.

(3) Sử dụng mỏ xải (dụng cụ nhà nông) giũ rơm.

(4) Dùng chổi (chổi chà) quét rơm còn sót lại trong hạt lúa.

 

Cao Thị Hoàng

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất