, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 01/12/2022, 11:00

Từng bước nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cá ngừ Việt Nam

LƯU HƯƠNG
(baochinhphu.vn)
Hiện toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ của ngành cá ngừ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); hoàn thiện số hóa thông tin nghề cá, bên cạnh đó sử dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản, chế biển hiện đại, từng bước nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cá ngừ Việt Nam.
Từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho cá ngừ - Ảnh: VGP/Lưu Hương

100% tàu cá đánh bắt xa bờ của ngành cá ngừ đã lắp đặt VMS

Bên lề Hội nghị thường niên Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương lần thứ 19 (Hội nghị WCPFC 19) đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng (từ 27/11 - 3/12), ông Trần Văn Hào, Đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho hay, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế. 

Hiện doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang tập trung vào 2 mảng chính là cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đồ hộp, Hiệp hội cũng đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp để tận dụng, khai thác hết tiềm năng, lợi thế các hiệp định EVFTA, CPTPP mang lại cũng như các hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia khác.

Đối với việc gỡ thẻ vàng của EC, Hiệp hội phối hợp rất chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các bên liên quan để triển khai một loạt các giải pháp khắc phục, hiện nay 100% tàu cá đánh bắt xa bờ của ngành cá ngừ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). 

Đồng thời, thực hiện chiến lược số hóa thông tin trong nghề cá, thiết kế nhật ký khai thác điện tử và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để áp dụng cho tàu cá cũng như các doanh nghiệp làm truy xuất nguồn gốc. 

Về công nghệ, hiện nay ngành khai thác, chế biến cá ngừ đang có nhiều công nghệ để hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công nghệ đánh bắt và xử lý cá của Nhật Bản (đã được áp dụng đại trà ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), công nghệ bảo quản sau thu hoạch theo công nghệ Nano và công nghệ đá sệt để bảo quản cá.

Hiệp hội cũng liên kết các bên gồm bà con ngư dân, đơn vị thu mua ở các cảng cá ở các địa phương và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để tạo thành một chuỗi giá trị, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cá ngừ Việt Nam.

Hội nghị WCPFC 19 đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Cam kết bảo vệ, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Trần Đình Luân, là thành viên có hợp tác với Tổ chức nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Việt Nam đã nỗ lực tham gia chia sẻ, học tập kinh nghiệm cũng như nhận được sự hợp tác của các quốc gia thành viên WCPFC về kỹ thuật điều tra đánh giá nguồn lợi, kỹ thuật quản lý hạn ngạch cá ngừ và các loại cá khác cho phù hợp.

Thông qua hội nghị lần này, Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc bảo vệ, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ; có trách nhiệm bảo vệ đại dương và mong muốn các nước thành viên tiến tới ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WCPFC. 

"Việc trở thành thành viên chính thức là cơ hội tốt cho ngành thủy sản Việt Nam vươn khơi, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản trong nước và tiến tới tăng cường hợp tác cùng các nước trong khu vực chia sẻ và khai thác nguồn lợi cá ngừ, khẳng định sự hội nhập sâu rộng, đồng hành cùng các nước bảo vệ biển và đại dương", Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất