, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 23/06/2023, 00:53

Tưởng đau lưng là dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm, người phụ nữ đi khám mới tá hỏa mình mắc ung thư

CHÂU GIANG
(Theo Aboluowang)
Lưng đau không thể ngồi thẳng hay đi lại được chưa chắc đã là bệnh xương khớp, rất có thể là dấu hiệu của ung thư.

Tế bào ung thư phát triển từ buồng trứng đến cột sống thắt lưng

Mấy tháng gần đây, cô Trần ở Trung Quốc thường xuyên cảm thấy đau lưng, mỏi lưng, cô nghĩ đó là thoát vị đĩa đệm vì cô từng mắc phải bệnh này trước đây. Vậy nên cô đã thực hiện xoa bóp, vật lý trị liệu trong vài tuần nhưng hiệu quả không khả quan. Cơn đau lâu dần di chuyển đến chân và cách đây không lâu, cô đột nhiên không thể đi lại được.

Sau khi gia đình đưa cô đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện ra toàn bộ thân đốt sống thứ tư ở cột sống thắt lưng của cô Trần đã bị phá hủy hoàn toàn bởi một khối u ác tính có đường kính 4 cm, chèn ép các dây thần kinh và khiến cô bị đau nhiều lần. Ngoài ra, trong buồng trứng của cô còn phát hiện một khối u. Dựa trên kiểm tra lâm sàng, bác sĩ xác định rằng, cô Chen bị ung thư buồng trứng di căn cột sống, còn được gọi là di căn xương.

"Do kích hoạt miễn dịch không đủ trong chính mô xương, xương đã trở thành cơ quan đích của nhiều khối u ác tính di căn”. Bác sĩ điều trị của cô Trần cho biết, di căn xương là một loại di căn hệ thống phổ biến của khối u, chỉ đứng sau di căn phổi và di căn não.

Nhưng may mắn thay, cô Trần chỉ bị di căn một bên, có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, khối u đã xâm lấn vào cột sống thắt lưng, gần cột sống thắt lưng có các mạch máu và dây thần kinh quan trọng, trong quá trình phẫu thuật có khả năng chảy máu ồ ạt, việc thay thế cột sống thắt lưng khá khó khăn, rễ thần kinh thắt lưng phải được giữ nguyên vẹn trong quá trình cắt bỏ cột sống. Điều này có thể làm hạn chế chức năng sinh hoạt đi lại của bệnh nhân.

Cuối cùng, các bác sĩ điều trị cho cô đã nghiên cứu và loại bỏ các đốt sống thắt lưng bị khối u bao phủ và thay thế chúng bằng đốt sống thắt lưng nhân tạo. Chẳng mấy chốc, cô Trần đã đi lại được. Sau đó, cô được phẫu thuật cắt bỏ khối u buồng trứng, kết hợp với liệu pháp tân dược để tiếp tục kiểm soát tế bào ung thư.

Tìm ra tổn thương chính là chìa khóa

Các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt đều có xu hướng di căn đến cột sống, chính vì vậy chúng ta phải có nhận thức đúng đắn, điều trị hợp lý và khoa học.

Việc điều trị loại bệnh này thường là điều trị khối u nguyên phát, do đó trước hết phải tìm ra nguyên nhân, tức là loại ung thư nào gây di căn cột sống, từ đó làm cơ sở điều trị.

Hầu hết các bệnh nhân có ung thư di căn cột sống hoặc xương đều là bệnh nhân ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị không rõ ràng nên các bác sĩ sẽ điều trị khối u nguyên phát tùy theo tình trạng bệnh.

Sau khi tế bào ung thư di căn đến cột sống sẽ xảy ra hiện tượng bào mòn xương, bào mòn cột sống, ngoài việc gây đau nhức còn ảnh hưởng đến độ bền và vững chắc của cột sống, làm suy yếu chức năng của cột sống. Lệch cột sống nặng còn có thể gây liệt hai chi dưới, mất cảm giác thân dưới, không cử động được, đại tiểu tiện không tự chủ và các biến chứng khác hoặc hội chứng khối u, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và an toàn tính mạng của người bệnh.

Vì vậy, các khối u trên cột sống có thể phẫu thuật cắt bỏ nhưng điều quan trọng hơn là phải duy trì sự ổn định và bảo vệ chức năng.

Đau lưng là triệu chứng không thể bỏ qua

Nhiều bệnh nhân mắc ung thư di căn cột sống, ban đầu có các triệu chứng như đau cột sống nên thường nhầm với thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và các bệnh khác nên thường không đi khám. Việc phòng ngừa sớm là rất quan trọng, đặc biệt là chứng đau thắt lưng rõ rệt về đêm.

Bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người bị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư thận và ung thư tuyến tiền liệt cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, quét xương toàn thân và sàng lọc. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng như đau thắt lưng, đau cổ vai gáy thì cần chú ý và đi khám và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân không có tiền sử ung thư nhưng bị đau kéo dài cũng nên làm thêm các xét nghiệm, chụp X-quang để biết được tình hình sức khỏe hiện tại của mình.

Đối với phần lớn người trung niên và người cao tuổi, nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm, theo các độ tuổi khác nhau, các hạng mục khám sức khỏe cần bao gồm kiểm tra hình ảnh các bộ phận khác nhau và kiểm tra các dấu hiệu ung thư thông thường.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất