, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 01/12/2022, 14:40

Chỉ 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra được qua chế biến

TUẤN ANH
Sáng 1/12/2022, tại Đồng Tháp, Hội làm vườn Việt Nam, Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: Ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị cây ăn trái vùng ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu nội tiêu và xuất khẩu. 
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các tỉnh ĐBSCL.

ĐBSCL dẫn đầu cả nước về xuất khẩu trái cây

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho biết, trong khoảng 10 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô, cơ cấu, sản lượng, chất lượng và giá trị. 

Nơi đây từng bước trở thành vùng trọng điểm sản xuất cây ăn quả (CAQ) của cả nước. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng Trọt năm 2021, tổng diện tích trồng CAQ của ĐBSCL xấp xỉ 390 nghìn ha, chiếm 33,1% diện tích CAQ cả nước. Trong đó có môt số loại CAQ chủ lực như: cây có múi (CCM), xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, măng cụt, vú sữa… 

ĐBSCL cũng là vùng có sản lượng và giá trị xuất khẩu trái cây lớn nhất cả nước. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 3,55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trái cây tươi và chế biến của vùng chiếm tỷ trọng cao.

PGS.TS Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

“Nhờ chủ trương cho phép chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản, diện tích cây ăn quả của vùng ĐBSCL đã tăng lên, đồng thời hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với các loại cây chủ lực, các giống đặc sản của vùng” - ông Hồng nhận định.

Việc phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị tạo điều kiện thúc đẩy áp dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói, bảo quản cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nông trại và phát triển các kênh tiêu thụ đa dạng, đặc biệt là thương mại điện tử. Các kênh tiêu thụ phi truyền thống đã góp phần tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong khâu lưu thông, phân phối hàng hóa nông sản.    

Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu.

Tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 22,15%/năm, từ 424,17 triệu USD năm 2016 tăng lên 929,78 triệu USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng trị giá thế giới tăng từ 0,72% năm 2016 lên 1,46% năm 2020.

Phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp Hội rau quả Việt Nam cho biết hiện nay diện tích trồng trái cây ở nước ta khoảng trên dưới 1 triệu hec-ta. Trong đó, có 11 loại trại cây chính phục vụ xuất khẩu như: dứa, dừa, sầu riêng, bưởi, mít, xoài, thanh long, dưa hấu,chuối, chôm chôm, mít. Thị trường chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc… trong đó, Trung Quốc vẫn là thị tường lớn nhất, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. 

“Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu trái cây tươi, thô, tiểu ngạch, năng lực chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu” - ông Bình nói.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7.500 cơ sở chế biến và bảo trái cây, trong đó có 156 nhà máy có trang bị dây chuyền máy móc hiện đại. Tăng trưởng đầu tư vào ngành tăng rất nhanh song ngành chế biến chỉ chế biến được từ 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Công nghệ chế biến chủ yếu dưới dạng đông lạnh và sản phẩm sấy, các hình thức chế biến khác hầu như chưa phát triển.

Doanh nghiệp tìm hiểu một số sản phẩm trái cây qua chế biến tại triển lãm bên lề Diễn đàn.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Viện Cây ăn quả miền Nam cũng cho rằng công nghệ bảo quản của ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn rất lớn. Công nghệ bảo quản rau quả tươi chủ yếu phục vụ cho quá trình vận chuyển xuất hàng cho thị trường, việc bảo quản tồn trữ dài hạn gần như không có. Do đó, khi vào vụ thu hoạch tập trung hoặc khi thị trường gặp khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản phẩm không tiêu thụ được gây tổn thất rất lớn cho người sản xuất. 

Theo thống kê, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch chiếm từ 10 đến 30%, tùy thuộc loại nhóm cây trồng và mùa vụ cung ứng trong năm. Các loại trái cây bị ảnh hưởng nhiều là chuối, dưa hấu, thanh long, vải…

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. 

Mùa khô 2020 - 2021, diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 25,12 nghìn ha. Trong đó thiệt hại mất trắng (thiệt hại trên 70%) khoảng 11.181ha. Bệnh Greening trên cam, quýt; bệnh chổi rồng trên nhãn; bệnh đốm mắt cua trên thanh long; bệnh thán thư trên sầu riêng… phức tạp, quy mô lớn cũng tác động xấu đến sản xuất và xuất khẩu.

Phát triển thị trường

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc song thị trường này luôn mang lại những nỗi lo về giá trị thấp, hay thay đổi, rủi ro cao.

Trong khi đó, thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, ASEAN tiếp tục có tăng trưởng tốt nhưng tỷ trọng không lớn; thị trường EU đặt ra nhiều tiêu chuẩn, quy định, rào cản. Các thị trường khác như Trung Đông, châu Phi là thị trường mới có nhiều đặc thù, khó phát triển thành thị trường lớn cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. 

Dù vậy, nông sản Việt vẫn có nhiều cơ hội do thị trường xuất khẩu trái cây có dư địa rất lớn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt trên 5 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng thị trường xuất khẩu trái cây có dư địa rất lớn.

Nhiều ý kiến tham luận tại diễn đàn cho rằng với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi để đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu đề ra của các nước nhập khẩu. Đó là minh bạch hóa thông tin, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistcis để giảm phí trung gian, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Theo đó, ngành nông nghiệp sớm có biện pháp đồng bộ để thay đổi tư duy, năng lực của các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng; quy hoạch và tổ chức thực thi tốt quy hoạch sản xuất; thực thi các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường liên kết và xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…

Nhãn là một trong những loại trái cây xuất khẩu chính của vùng ĐBSCL.

Nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây dự báo tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào 2025. Theo số liệu thống kê từ trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu rau quả của thế giới quý 1/2021 đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với quý 1/2020

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.



Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất