
Dù đã có những đổi mới, cải tiến, nhưng nông nghiệp vẫn luôn là ngành nghề truyền thống tương đối bảo thủ, và khả năng thu hồi vốn trong ngành này rất chậm. Vậy mà, ngày càng nhiều người trẻ “đâm đầu” vô lĩnh vực nông nghiệp, niềm tin và động lực nào đã giữ chân họ trên con đường khởi nghiệp đầy thử thách này? Câu hỏi sẽ được giải đáp trong buổi tọa đàm Bên tách trà đầu Xuân của Tạp chí Nông thôn Việt cùng bốn nhà khởi nghiệp trẻ là Phạm Ngọc Anh Tùng - Người sáng lập Công ty TNHH Công nghệ và thương mại UFO; Nguyễn Thị Ngọc Tuyết - CEO của Công ty TNHH Lavite; Lê Hoàng Phương Yến - Người sáng lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Pico AgriViet và Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Mismart, đơn vị thương mại hóa thiết bị bay không người lái đầu tiên tại Việt Nam. Người mời trà là ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn Việt.
Vui khi làm với nông dân
Ông Nguyễn Đức Quang: Năm 2022 có lẽ là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Ngay cả các “ông lớn” trong ngành nông nghiệp cũng lao đao. Các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ trong lĩnh vực này chắc cũng đã gặp nhiều thử thách trong năm qua?

Chị Lê Hoàng Phương Yến: Đúng là một năm “lao đao”, thậm chí có lúc tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ nông nghiệp và chuyển hướng kinh doanh. Nhưng vì tình yêu đối với nông nghiệp quá lớn và trách nhiệm với đội ngũ nhân viên đồng hành với mình, nên suy nghĩ đó cũng vụt tắt ngay khi vừa chớm nở. Rồi doanh nghiệp phải tìm và học cách thích nghi với dịch, tìm được hướng đi mới. Thật may, khi mở rộng thêm hướng phát triển thị trường nội địa, định hướng vào nông sản sạch và an toàn cho người dân Việt Nam, thì đường phát triển lại trở nên rộng mở và nhiều tiềm năng. Sắp tới, chiến lược của doanh nghiệp là định hướng chú trọng trong việc giải quyết bài toán đầu ra cho người nông dân, đảm bảo vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ trong nước, để người Việt Nam sẽ tự hào khi lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết: Đại dịch giống như một “phép thử” cho các công ty khởi nghiệp. Tôi nghĩ muốn đi qua được thì không chỉ có sức mạnh nội lực, tâm huyết mà còn cả may mắn nữa. Công ty tôi phát triển những dòng sản phẩm thực phẩm, đồ uống tốt sức khoẻ có thành phần chính từ đông trùng hạ thảo mang thương hiệu Hector. Đó là một cơ may khi trong thời điểm dịch thì sản phẩm càng thể hiện rõ công dụng. Tất nhiên là cũng có chút ảnh hưởng ở giai đoạn đỉnh dịch, do mọi người không ra đường hay giao hàng được, nên nhu cầu thị trường tăng nhưng mình không hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, doanh số bán hàng (tương đương đó chính là số lượng khách hàng) tăng trưởng liên tục theo cấp số nhân, năm sau gấp đôi năm trước. Người dùng hiệu quả thì trở thành đại lý kinh doanh Hector luôn. Nhà máy thì đã mở rộng được gấp đôi diện tích ban đầu, và nó còn “xịn” hơn hồi xưa. Hầu hết nguồn nguyên liệu đầu vào đều từ trong nước từ dược liệu, collagen đến các loại trái cây… nó là chuỗi nông sản của chúng ta, nên mỗi năm tăng gấp đôi lượng nhu cầu thì thực sự rất nhiều nông dân vui.
Khi làm gì đó mà liên quan đến nông nghiệp thì điều tuyệt vời nhất chính là góc nhìn mình rất rộng mở. Nhiều năm làm ngành này, tôi đã đi nhiều vùng quê của tổ quốc, cảm nhận được cuộc sống ở nhiều gam màu hơn. Những người làm trong ngành nông nghiệp hay chế biến nông sản, thực phẩm tôi tiếp xúc đều rất “lành”. Họ cho tôi niềm vui giản đơn và dễ dàng mỗi ngày.

Chị Lê Hoàng Phương Yến: Tôi cũng có cùng góc nhìn với chị Ngọc Tuyết. Mỗi chuyến công tác như cuộc dạo chơi giữa thiên nhiên tuyệt đẹp, tiếp xúc với bà con nông dân, hiểu thêm về văn hóa vùng miền. Phần lớn bà con nông dân mình thật thà, nhiệt tình và chất phác, sống với họ thì mình cũng đâu còn bon chen, ích kỷ, tham lam. May mắn là tôi cũng dùng sự chân thành để đổi lấy được chân tình của bà con nông dân, nhất là ở các tỉnh miền Tây - nơi thu gom nông sản chính để xuất khẩu của công ty, đặc biệt là hai tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. Để đáp lại tình yêu thương, niềm tin tưởng của bà con miền Tây, chúng tôi dành nhiều thời gian, đầu tư vốn và công sức để phần nào hỗ trợ bà con mình an tâm sản xuất.
Anh Nguyễn Thái Việt Huy: Tôi nghĩ ai sẵn sàng “lăn lộn” nơi cánh đồng với bà con nông dân đều sẽ có được sự tin tưởng của họ. Nông dân chấp nhận cái mới rất nhanh nhưng phải thuyết phục họ bằng hiệu quả thực tế. Chẳng hạn như khi tôi giới thiệu thiết bị bay không người lái (drone) giúp người dân đỡ vất vả, mang lại hiệu quả thực tế khi tăng hiệu suất gấp 50 lần so với cách làm truyền thống, đồng thời tiết kiệm 20 - 30% thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón. Họ nói tôi làm thử đi, làm được thì họ sẽ dùng và giới thiệu cho cả xã, cả huyện.
Drone Việt Nam do chúng tôi nghiên cứu hiện nay lại được bà con tin dùng. Thiết bị đã tích hợp các công nghệ tự động với trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data), có thể cung cấp các giải pháp xây dựng bản đồ số hóa nông nghiệp, thu thập dữ liệu vùng trồng, quản lý mùa vụ, chẩn bệnh sức khỏe cây trồng, phát hiện sâu bệnh, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trên lá, rải hạt… Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là giá drone còn cao, khoảng từ 360 - 400 triệu đồng bao gồm cả bộ pin và máy phát.
Ông Nguyễn Đức Quang: Những công nghệ cao như máy bay không người lái có giá đến hàng trăm triệu đồng, nên chăng tiếp cận các tập đoàn hoặc các hợp tác xã thì dễ hơn mua bán trực tiếp cho nông dân?
Anh Nguyễn Thái Việt Huy: So với nhiều công nghệ khác thì máy bay không người lái dễ tiếp cận với nông dân nhất. Tuy giá thành cao nhưng nó cho hiệu quả thấy được tức thì, các công nghệ khác như IoT tuy giá rẻ hơn nhưng rất khó thấy hiệu quả. Hiện nay drone đã bay nhiều trên những cánh đồng lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, chứng tỏ nó đem lại hiệu quả kinh tế nhanh. Ngoài việc sắm drone cho cá nhân thì có thể sử dụng dịch vụ thuê drone khá phổ biến ở các tỉnh thành.
Việc đưa các thiết bị công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần gia tăng giá trị nông sản trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa sản phẩm công nghệ, đặc biệt trên thiết bị drone AI với mục tiêu giúp nâng cao giá trị nông sản và trở thành nhà cung cấp máy bay không người lái kiểm tra sức khỏe cây trồng và tưới tiêu hiệu quả nhất Việt Nam.
Chị Lê Hoàng Phương Yến: Qua mỗi năm, chứng kiến sự thay đổi của nền kinh tế đặc biệt là ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản, tôi tin rằng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và cạnh tranh với các nước nông nghiệp khác. Có thể mình phát triển chậm, nhưng dư địa và thị trường còn rộng lớn lắm. Đặc biệt, làm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ngoài việc được tiếp xúc và đi “du lịch” trong nước, tôi còn có cơ hội được đi rất nhiều nước khác nhau, mở rộng tầm nhìn, học hỏi và thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Nhiều người nói kinh doanh nông nghiệp khổ chứ tôi thấy vui nhiều hơn. Không biết người chọn nghề hay nghề chọn người, chỉ biết rằng tôi thấy mình may mắn khi “ăn, ngủ” với nông sản và sẵn sàng dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho nông nghiệp.
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng: Còn với tôi, niềm vui lớn nhất khi làm nông nghiệp là được làm ra những thứ nền tảng nhất, những thứ đang nuôi dưỡng sự sống, và càng vui hơn nếu những sản phẩm giá trị đó càng ngày càng được nhân rộng, lan toả và lớn mạnh.
Nông nghiệp theo tiếng anh là Agriculture, trong nông nghiệp còn có “văn hóa” (culture). Nên làm nông nghiệp cũng là làm về văn hóa, nó mang những giá trị tinh thần nữa. Trên thực tế, các nền văn minh của nhân loại điều xuất phát chủ yếu từ những lưu vực sông lớn trên thế giới như sông Hằng, sông Ấn, sông Nil, ở nước ta là sông Hồng – những nơi có nguồn nước trù phú thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới thì nông nghiệp luôn là ngành nghề cơ bản nhất nhưng cũng quan trọng bậc nhất, trực tiếp nuôi dưỡng toàn bộ loài người trên trái đất. Nông nghiệp tác động chúng ta từng ngày từng giờ. Mỗi một chúng ta điều phải ăn uống – đó là những sản phẩm đến từ nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Quang: FoodMap (thương hiệu của UFO) ban đầu chỉ là website tập trung bán hàng nông sản Việt rồi dần phát triển đến nay trở thành một hệ sinh thái đa dạng từ kênh bán hàng, cung cấp dịch vụ cho nhà sản xuất và truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói hiện tại FoodMap là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử nông sản và nhà cung cấp nông sản uy tín cho những đối tác lớn. Sự phát triển nhanh chóng của FoodMap là nhờ gọi vốn thành công gần 3,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài hay còn những yếu tố nào?
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng: Thực ra yếu tố thành công chính là nhờ niềm đam mê vô hạn các sản phẩm nông sản Việt và sự am hiểu thị trường nông nghiệp Việt Nam của các thành viên sáng lập. FoodMap ra đời với xuất phát từ con số 0 tròn trĩnh: không vốn, văn phòng 20m2 đi mượn, website, công nợ hàng hoá được nhà cung cấp hỗ trợ. Đến nay, chúng tôi thật vui đã có cơ hội đồng hành với hàng ngàn hộ nông dân, hàng trăm nhà cung cấp nông đặc sản tới từ hơn 40 tỉnh thành khắp cả nước.
Sứ mệnh của FoodMap là làm sao nâng cao được giá trị nông sản Việt Nam, là cánh tay nối dài đưa nông sản Việt tới gần hơn với người Việt. Chúng tôi tin rằng khi người Việt dùng hàng Việt chất lượng và công nhận thì đó là nền tảng vững chắc nhất để nông sản Việt vươn xa toàn cầu. Niềm tin này ngày một lớn hơn cùng với sự phát triển của FoodMap qua năm tháng. Năm 2022, FoodMap cũng đã cho ra mắt nền tảng truy xuất nguồn gốc, kênh truyền thông về nông sản cũng như kênh bán sỉ B2B khá thành công. FoodMap có khát vọng lớn là muốn tạo ra thay đổi khác biệt cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi tin rằng nếu sản phẩm Việt được ủng hộ bởi người Việt thì đây là bệ phóng vững chắc nhất cho nông sản Việt tiến ra thế giới.

Còn đó những khó khăn…
Ông Nguyễn Đức Quang: Doanh nhân trên thương trường không chỉ cần bản lĩnh mà còn cần sự linh hoạt và thấu cảm. Mà những đặc tính này có vẻ là lợi thế của phụ nữ. Người ta thường ví phụ nữ như dòng nước, uyển chuyển và mềm mại nhưng có thể làm mòn những tảng đá cứng nhất. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những quan điểm trọng nam khinh nữ trên thương trường, có thể gây khó khăn cho sự nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ. Các nữ doanh nhân hôm nay có gặp khó khăn này không?
Chị Lê Hoàng Phương Yến: Phụ nữ khởi nghiệp phải nói là vô vàn khó khăn, không chỉ là bình đẳng giới. Để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, tôi phải đánh đổi cả tuổi trẻ, thanh xuân, đánh đổi thời gian cho những sở thích cá nhân nữa. May mắn là tôi gặp được rất nhiều quý nhân trên đường khởi nghiệp, đó là những người luôn yêu thương, chỉ dạy, đồng hành, lắng nghe và chia sẻ khó khăn cùng mình. Tôi trân quý biết ơn những người thầy trong và ngoài nước, họ cho tôi những học quý báu mà đôi khi không thể mua bằng tiền.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết: Còn khó khăn mà tôi gặp phải thì không phải vì tôi là phụ nữ mà vì tôi là dân khoa học đi làm kinh doanh. Đã làm khoa học thì muốn làm cái gì cũng phải đúng bản chất, đến nơi đến chốn và nhiều khi không quan tâm đến lợi nhuận. Để có được loại đông trùng hạ thảo tự nhiên có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ổn định thì giá phải cao mà sản lượng không nhiều. Loại này sản lượng hàng năm khai thác đúng một mùa, và rất khan hiếm nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường mình rất tự tin. Ngoài ra, cái “máu” làm khoa học tự nhiên thì tính phản biện cao, hay tranh luận, thậm chí còn phản ứng với khách hàng. Tôi mất rất nhiều năm học cách chấp nhận ý kiến khách hàng mà không giải thích và chấp nhận là mình sẽ chỉ tập trung công việc nghiên cứu và quản trị, không đi bán hàng vì bán… không ai mua.
Ông Nguyễn Đức Quang: Ở đây, cả anh Nguyễn Thái Việt Huy và anh Phạm Ngọc Anh Tùng cũng là dân khoa học, kỹ thuật đi khởi nghiệp kinh doanh. Dân kỹ thuật đi khởi nghiệp có phải là điểm bất lợi không?
Anh Nguyễn Thái Việt Huy: Dân kỹ thuật thì luôn tập trung đầu tư cho sản phẩm được tốt nhất, hiện đại nhất. Nhưng bài toán kinh doanh là phải tính toán nhiều thứ, từ giá cả, tiếp cận thị trường, đến tiếp thị, đối thủ thủ cạnh tranh và chiến thuật phù hợp để bán nhiều sản phẩm và lợi nhuận cao nhất.
Dân kỹ thuật thì muốn “tự lực”, chủ động, không phụ thuộc vào đối tác bên ngoài, điều này làm tốn nhiều nguồn lực, chi phí và thời gian. Trong khi kinh doanh cần hợp tác để tăng tốc và hiệu quả. Kinh nghiệm của tôi là dân kỹ thuật mà làm start-up thì phải biết dừng lại, quan sát và có những thay đổi cho phù hợp để tồn tại và phát triển.
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng: Với tôi lại là lợi thế lớn. Một kỹ sư sẽ tiếp cận với môi trường nông nghiệp một cách logic và khoa học ngay từ đầu. Tuy nhiên, tôi quan niệm rằng, làm nông nghiệp là phải dấn thân, đam mê để hiểu rõ bản chất. Vì nông nghiệp là một ngành nghề rất truyền thống, đặc thù, nếu không thì rất khó thành công lớn.
Khi giải quyết một vấn đề nào đó trong nông nghiệp, nên cân bằng giữa việc đứng ở góc nhìn của người nông dân, nhà sản xuất để hiểu gốc rễ vấn đề thay vì chỉ đứng ở góc nhìn của dân làm kỹ thuật. Cho nên, việc số hoá hay ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần làm từ từ, có nhiều giai đoạn và chỉ phù hợp với một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng. Việc này vừa cần có tư duy hiện đại, vừa phải am hiểu vận hành truyền thống ngành nông sản thì mới có thể ứng dụng nhuần nhuyễn được. Quan điểm của FoodMap để đi bền vững trong ngành này cần xây dựng chiến lược gần khách hàng và nhà cung cấp nhất có thể.

Ông Nguyễn Đức Quang: Có thể thấy rằng, hầu hết các bạn trẻ khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp nông nghiệp đều tâm huyết với ngành, với người nông dân. Đây là một mục tiêu tốt đẹp cần được ủng hộ và lan rộng. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi để tồn tại, phát triển và tiếp tục đóng góp cho xã hội, những vướng mắc trong các cơ chế, thủ tục pháp lý cần gỡ bỏ để không làm nản lòng doanh nghiệp. Nhân đây, các bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn của mình để các nhà quản lý hiểu hơn về tâm tư của giới khởi nghiệp hiện nay?
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng: Chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp của Việt Nam theo tôi đánh giá là tương đối tốt, tuy nhiên thông tin về các chính sách chưa thực sự được phổ biến và thông báo rộng rãi đến với nhiều đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu có thì cần đẩy mạnh thêm điểm này.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết: Về chính sách của nhà nước thì cho tới giờ công ty tôi chưa có vướng nhiều. Tuy nhiên, công ty đang xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, nếu nhà nước làm ngoại giao tốt để nhiều nước có mức thuế suất bằng 0 sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn cho mình. Ví dụ như sang Nhật, công ty tôi có nhiều dòng sản phẩm nhưng chỉ có 2 dòng nước được miễn thuế nhập khẩu, và 2 dòng đó bán rất tốt. Còn dòng mật ong đông trùng hạ thảo Hector thì không được miễn thuế nên giá sau thuế rất cao, gây khó khăn cho việc tìm kiếm đối tác nhập hàng.

Anh Nguyễn Thái Việt Huy: Khó khăn lớn của tôi không phải là chính sách mà ở thị trường. Thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sản xuất hiện đang chiếm đến 80% thị phần ở Việt Nam. Tôi được biết theo quy định của Luật pháp, drone nhập khẩu chỉ được sử dụng chứ không mua bán, chuyển nhượng. Thế nhưng không hiểu sao các nhà nhập khẩu drone từ Trung Quốc vẫn bán rộng rãi trên thị trường. Tôi mong Việt Nam sẽ có khung pháp lý đầy đủ đối với ứng dụng drone trong dịch vụ nông nghiệp. Có như vậy thì các hợp đồng mua bán, bảo hiểm drone cũng thuận lợi hơn. Mặt khác, giá drone khá cao, nhưng nông dân chưa thể vay ngân hàng mua drone vì chưa có pháp lý rõ ràng…
Hiện nay, drone Việt Nam đang bị cạnh tranh không lành mạnh bởi drone Trung Quốc trên thị trường. Chờ luật hoàn chỉnh có lẽ còn mất rất nhiều thời gian, chúng tôi tự nâng cao giá trị cạnh tranh của mình bằng chế độ chăm sóc khách hàng và hậu mãi. Cụ thể là chúng tôi đang liên tục xây dựng các trạm sửa chữa drone và app “Trúng mùa”. App “Trúng mùa” giúp nông dân cập nhật kiến thức nông nghiệp, giá cả nông sản, lưu trữ toàn bộ dữ liệu về quy trình, cách chăm sóc cây trồng ở từng giai đoạn… Và đặc biệt tự tạo cửa hàng, đem hàng lên bán và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hiệu quả. Còn các trạm sửa chữa drone sẽ giúp giải quyết nhanh các trục trặc, hỏng hóc để không ảnh hưởng đến việc canh tác của bà con. Thiết bị bay không người lái của chúng tôi cũng liên tục cải tiến để gần với nông dân hơn, như là cùng một thể tích nước nhưng nhưng phải nhỏ gọn hơn, vào ruộng dễ hơn, và người ta vận chuyển bằng xe máy thuận tiện hơn. Drone cũng sẽ chuyên biệt hơn như chuyên cho ruộng lúa, chuyên cho vườn ăn trái…

Chị Lê Hoàng Phương Yến: Đối với đường xuất khẩu, chứng từ và thủ tục tương đối phức tạp. Tùy theo thị trường nhập khẩu mà có những quy định khác nhau, nhưng việc để hiểu rõ, làm đúng thì không phải đơn giản. Tôi mong rằng, các quy định của riêng Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chi tiết cụ thể rõ ràng, có người hướng dẫn thực hiện để doanh nghiệp khi muốn xuất đi bất kì một thị trường nào, chỉ cần tìm hiểu và nhờ hỗ trợ, vì mục đích chung vẫn là đem sản phẩm Việt Nam đi ra ngoài thế giới và mang ngoại tệ về làm giàu cho đất nước.
Một mong mỏi lớn nữa là các công ty xuất khẩu nên liên kết với nhau, cùng nhau xây dựng và bảo vệ nền nông nghiệp trong nước, để cùng nhau đi lên, chứ không phải cạnh tranh với nhau một cách rời rạc như phần lớn công ty đang làm trước đây. Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện còn khá dài…
Cám ơn các bạn về buổi tọa đàm sôi nổi đầu xuân. Chúc các anh chị một năm mới làm ăn thuận lợi.