
Chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu, bà Lu Weiying - một thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc cho biết, ngoài đề xuất cho phép phụ nữ chưa kết hôn được đông lạnh trứng, bà sẽ còn đề xuất đưa các phương pháp điều trị vô sinh vào hệ thống bảo hiểm y tế công cộng tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) sắp tới được khai mạc vào ngày 4/3.
Việc cho phép phụ nữ độc thân được đông lạnh trứng sẽ đảm bảo cho họ có thể bảo quản được trứng trước khi bước qua độ tuổi sinh sản cao điểm. Phụ nữ vẫn cần phải kết hôn nếu muốn sử dụng trứng đông lạnh của mình và mang thai trong tương lai, bà Lu nhấn mạnh thêm.
Hiện tại các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và đông lạnh trứng ở Trung Quốc bị cấm đối với phụ nữ chưa lập gia đình. Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất từ trước đến nay với 6,77 ca sinh trên 1.000 người.
Khuyến nghị của bà Lu được đưa ra trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc cố gắng thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm sút bằng các biện pháp khuyến khích, bao gồm tăng thời gian nghỉ thai sản, các lợi ích về tài chính và thuế khi có con cũng như trợ cấp nhà ở.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc, nhiều tỉnh thành đã thực hiện thay đổi quy tắc để thúc đẩy tỷ lệ sinh con. Tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất trong cả nước đã sửa đổi các quy tắc vào năm 2002, cho phép phụ nữ độc thân tiếp cận với công nghệ IVF, tuy nhiên điều này vẫn chưa có nhiều tác động bởi lệnh cấm vẫn còn tồn tại nhiều nơi trên quy mô cả nước.
9 trong số 10 quốc gia đông dân nhất thế giới đang giảm tỷ lệ sinh. Năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc thấp nhất là 1,18, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 2,1 của OECD đối với dân số ổn định. Trung Quốc vẫn chưa chính thức công bố dữ liệu sinh sản của năm 2022.
Phần lớn sự suy thoái nhân khẩu học của Trung Quốc là kết quả của chính sách 1 con được áp đặt từ năm 1980 đến 2015, đồng thời chi phí giáo dục quá cao tại đất nước tỷ dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh sụt giảm.