, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 13/01/2022, 12:30

Ùn ứ nông sản: Nhiều mặt hàng muốn xuất khẩu chính ngạch cũng không được

VŨ LONG
(laodong.vn)
Liên quan vụ ùn ứ hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện chỉ có có 9 loại hoa quả của Việt Nam được phép đi chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại phải xuất khẩu tiểu ngạch. Có những mặt hàng muốn xuất khẩu chính ngạch cũng không được.
Xe ùn ứ tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Hữu Chánh

"Nếu sản xuất ra mà dư thừa, rồi quay lại hỗ trợ tiêu thụ, hay còn gọi là "giải cứu" thì rất phản cảm"

Phát biểu tại buổi họp báo chiều 12/01/2022, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, so với những năm gần đây giá trị gia tăng xuất khẩu vẫn chưa được như mong đợi.

Cùng với đó, tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm còn chậm, như mặt hàng rau quả. Nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của các thị trường.

Theo ông Hải, hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam được phép đi chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại phải xuất khẩu tiểu ngạch. Có những mặt hàng muốn xuất khẩu chính ngạch cũng không được. Ví dụ như thịt lợn, nguồn cung chúng ta rất nhiều, nhưng không được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hiện mới chỉ xuất khẩu sang được một vài thị trường.

Như vậy, nếu sản xuất ra mà dư thừa, rồi quay lại hỗ trợ tiêu thụ, hay còn gọi là "giải cứu" thì rất phản cảm. Sự đầu tư của nhiều người trồng vẫn chưa theo kịp, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước. Để giải quyết đầu ra cho nông sản, theo ông Đỗ Thắng Hải "đó là vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu". 

Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu về tình trạng ùn ứ hàng hoá, nông sản ở biên giới. Ảnh: HH
Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu về tình trạng ùn ứ hàng hoá, nông sản ở biên giới. Ảnh: HH

Cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản

Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, chỉ khi nào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn tham gia hình thành các chuỗi thì sẽ lo được khoản đầu tư. Chính các doanh nghiệp này sẽ tìm cách phối hợp người nông dân tạo ra sản phẩm có đầu ra đạt được tiêu chuẩn ở các thị trường xuất khẩu hướng tới. Lúc đó mới tiêu thụ bền vững.

Nói về giải pháp để tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho rằng, cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản; đa dạng hóa thị trường để khai thác tối đa các lợi thế của FTA đã ký kết.

Địa phương cần xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, giao thương giữa các bên như ở phía Bắc để tránh ùn tắc. Tiếp tục đàm phán về chất lượng và kiểm dịch để có nhiều loại quả hơn xuất sang Trung Quốc. 

"Đá bóng" trách nhiệm?

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương chưa làm tốt vai trò quản lý và điều tiết thị trường, khơi thông dòng chảy thương mại trong thời gian qua. Bởi, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới hầu như năm nào cũng lặp lại trên hầu hết các sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng trái cây như dưa hấu, thanh long...

Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế thương mại, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - cho rằng, qua công văn của Bộ Công Thương gửi Bộ NN&PTNT và UBND một số tỉnh có canh tác thanh long cho thấy có mấy vấn đề sau: Thứ nhất, nói về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong chức năng, nhiệm vụ Bộ Công Thương, Điều 13 (Nghị định số 98/NĐ-C) năm 2017 nêu rõ: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với bộ, ngành điều tiết lưu thông hàng hóa. Vậy mà trong văn bản của Bộ Công Thương nói Bộ NN&PTNT phải phối hợp để triển khai kết nối cung cầu, đẩy mạnh thu mua tiêu thụ trong nước.

Như vậy, quả bóng trách nhiệm được “đá” sang Bộ NN&PTNT và tỉnh có thanh long. Những nhiệm vụ thiết lập cơ sở hạ tầng thượng mại như logicstic, trung tâm giao dịch nông sản Bộ Công Thương đã không làm hàng chục năm nay, dẫn tới ách tắc cửa khẩu lớn như tháng qua đang phải giải quyết hậu quả...

Chính vì vậy Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, trong đó có Bộ Công Thương trong việc đã gây ách tắc, tổn thất lớn cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Bộ Công Thương phải đi sâu vào chức năng của mình để làm, không “chuyển” trách nhiệm cho địa phương và Bộ NN&PTNT như công văn “hỏa tốc” mà bộ đã gửi Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh như đã nói ở trên. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất