, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/04/2022, 06:00

Ùn ứ nông sản ở cửa khẩu: Phải nhớ để “điều trị”

ĐẶNG THÙY
Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc lại tiếp tục diễn ra.
 
 
 

Theo thống kê về bản đồ phương tiện do Tổng cục Hải quan cung cấp trên cổng thông tin một cửa quốc gia, đầu tháng 03/2022, tại Lạng Sơn, lượng xe chờ thông quan tại cửa khẩu Cốc Nam là hơn 1.888 xe, cửa khẩu Hữu Nghị 1.465 xe, cửa khẩu Tân Thanh 855 xe; tại Quảng Ninh, cửa khẩu Móng Cái 609 xe; tại Lào Cai, cửa khẩu Lào Cai có 1.097 xe; tại Cao Bằng, cửa khẩu Tà Lùng có 192 xe. 

Tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục diễn ra từ cuối năm 2021 đến nay khiến một số nhóm ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là rau quả, lao dốc. Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt 260 triệu USD, giảm tới gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên thị trường Trung Quốc rớt xuống dưới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Và cũng là lần đầu tiên mặt hàng rau quả không còn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc.

 

 

Tại một tọa đàm được tổ chức vào đầu tháng 03/2022 - tháng cao điểm ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc - khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng “cần phải xem lại chính chúng ta” khi cứ để tình trạng này kéo dài. Theo ông Hoan, cách đây khoảng 3 - 4 năm, khi nông sản bị tồn đọng tại các cửa khẩu, chúng ta đã từng đặt ra câu hỏi vì sao cứ phải lệ thuộc vào Trung Quốc mà không đa dạng hóa thị trường; vì sao không chú trọng phát triển thị trường nội địa 100 triệu dân; tại sao không tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm mà cứ xuất khẩu thô; tại sao không đầu tư hạ tầng logistics để trong trường hợp bị đứt gãy cung ứng chúng ta có thể lưu trữ hàng hóa, v.v và v.v… 

“Những câu hỏi này được nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm trước nhưng cứ mỗi lần giải phóng được cửa khẩu, chúng ta lại quên. Chúng ta đã không đeo đuổi, không kiên trì giải quyết rốt ráo để có thể đối phó với những trường hợp đứt gãy khác”, ông Hoan nói.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, thực tế cho thấy nếu không bị ùn ứ nông sản ở cửa khẩu thì nông sản Việt Nam cũng sẽ bị ùn ứ tại vườn bởi nguồn gốc của vấn đề nằm ở chỗ cả hệ thống chúng ta đang vận hành nền kinh tế nông nghiệp một cách rất mù mờ theo kiểu “đi buôn chuyến” nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu. “Đó là tư duy sản xuất nông nghiệp, chỉ chú ý đến việc tạo ra sản lượng mà chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
 

 
 

 

Xuất khẩu nông sản phải chuyển dịch từ tiểu ngạch sang chính ngạch, đó là giải pháp then chốt mà ai cũng đồng thuận. Giải pháp này luôn được nói đến mỗi khi việc xuất khẩu tiểu ngạch có vấn đề. Thế nhưng làm thế nào để thực hiện và bắt đầu thực hiện từ đâu thì vẫn chỉ là câu hỏi khó. 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cần phải mất thời gian dài mới thay đổi được cách thức kinh doanh từ tiểu ngạch sang chính ngạch, vì mỗi phương thức kinh doanh có một đối tượng riêng, chưa kể việc tiếp cận với thị trường chính ngạch là điều không đơn giản với nhiều doanh nghiệp. Do đó, cần phải có các biện pháp hỗ trợ và giải pháp cụ thể, tích cực hơn để doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường này. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà đề xuất: “Chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp cho mình. Các địa phương căn cứ vào lộ trình ấy rà soát lại các vùng trồng, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu nông sản để có thể cân đối giữa quy mô sản xuất với thị trường tiêu thụ”.

 
 
 
 

Thị trường Trung Quốc hiện nay đã không còn “dễ tính”. Các quy định về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhập khẩu - kể cả tiểu ngạch - cũng rất cao. Do đó, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan lưu ý các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng, uy tín hàng hóa hơn nữa để hướng tới làm ăn lớn hơn, bài bản hơn, trong đó, cần tính đến việc đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch để hàng nông sản có thể vào sâu trong nội địa Trung Quốc thay vì chỉ tập trung ở các địa phương giáp biên như hiện nay. 

Nhận định quá trình chuyển hướng xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ gặp không ít thách thức, song Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ còn khó khăn hơn”. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần tách bạch rõ ràng việc nào các Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào hiệp hội ngành nghề làm để có kế hoạch cụ thể, phân công cụ thể. “Trong tình thế “lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn mà xuất khẩu chính ngạch thì đang khó khăn” này, chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thật tích cực thì mới có sự chuyển đổi. Quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa của từng loại thị trường, từ thị trường trong nước, thị trường Trung Quốc đến thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

ĐẶNG THÙY

 
Tags

Bình luận


user-avt

Thanh Thuy

14:04, 15/04/2022

Bà con nông dân chỉ mong sao không còn cảnh giải cứu nông sản.

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất