, //, :: GTM+7

Ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng: Tất cả trong tầm tay

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Việt Nam là một nước nhiệt đới có nhiều rừng. Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc vào năm 2022 là 42,02%. Theo Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL ngày 14/6/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, diện tích rừng toàn quốc năm 2022 bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075 hecta. Trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757 hecta và rừng trồng là 4.573.444 hecta.

Cũng theo Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL, Bộ NN&PTNT giao Cục Kiểm lâm thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia theo quy định về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp; tổ chức quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng trên phạm vi toàn quốc.

Song hành cùng những nỗ lực trồng mới rừng là tình trạng rừng bị mất diễn ra xuyên suốt những năm qua. Có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích rừng, như cháy rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án xây dựng, tệ hại là nạn phá rừng. Theo số liệu của ngành Lâm nghiệp, chỉ trong hơn 5 năm (2012 - 2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. 

Nạn phá rừng vẫn là một vấn nạn lâu năm đe dọa thảm thực vật của Việt Nam. Không kể nạn chặt phá rừng bột phát của người dân, nạn phá rừng có tổ chức và quy mô lớn của những lâm tặc luôn gây nhiều tác hại.

Trong số các giải pháp bảo vệ rừng, giới chuyên môn nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đem lại nhiều kết quả. Giải pháp công nghệ sẽ giúp lực lượng bảo vệ rừng có thể giám sát bao trùm, tận các khu vực khó tiếp cận bằng con người, có thể thu thập dữ liệu ngay lập tức theo thời gian thực. Đặc biệt đây là giải pháp hữu dụng trong tình hình lực lượng kiểm lâm còn mỏng. 

230925-Rainforest Connection -phone.png
Nguồn ảnh: Internet.

Hệ thống giám sát rừng cần được xây dựng rộng khắp và được kết nối về cơ quan hữu trách. Trong đó, biện pháp giám sát từ trên không trung bao gồm vệ tinh, máy bay và thiết bị bay không người lái (drone) được đánh giá rất hữu ích. 

Trên trang Space for Our Planet, ông Ryan Lynch, Nhà Sinh thái học Nhiệt đới ở Ecuador nhấn mạnh: “Các vệ tinh giúp chúng ta bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh học toàn cầu”. Trong vòng 50 năm, Ecuador đã mất khoảng 98% diện tích rừng nhiệt đới ven biển. Các nhà chuyên môn ở đây đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định các mảng rừng còn lại và tìm cách kết nối những mảng rừng biệt lập đó để các loài động vật có thể di chuyển và có diện tích lớn hơn để sinh sống. 

Ông Ryan Lynch cho biết rằng khi hợp tác với Ủy ban Quốc gia Liên minh Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) của Hà Lan, họ đã phát triển một công cụ cho phép kết hợp hình ảnh vệ tinh với các bộ dữ liệu sinh học và môi trường để xác định các khu vực quan trọng nhất đối với loài khỉ Capuchin mặt trắng ở Ecuador. Họ sử dụng hình ảnh vệ tinh và dữ liệu để xác định các khu vực cần được trợ giúp nhằm bảo vệ các loài bị đe dọa đồng thời lập bản đồ và theo dõi tác động của công việc bảo tồn. Thông qua các hoạt động trồng lại rừng, họ có thể xác định đường viền của một khu rừng. Khi nhóm của ông Lynch cùng cộng đồng địa phương nỗ lực trồng lại rừng ở một số khu vực nhất định, họ có thể khôi phục rừng dựa theo hình ảnh vệ tinh và bằng cách kết hợp dữ liệu này với dữ liệu trên mặt đất, họ có thể chứng minh sự thành công của hoạt động bảo tồn.

Tác giả Jon Heggie viết trên National Geographic: “Năm 2019, trên quỹ đạo cách Trái đất 500 dặm, vệ tinh NOAA-20 đã hướng camera về phía Nam Mỹ và ghi lại một cảnh tượng đáng lo ngại. Trong một hình ảnh trải dài từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, có thể nhìn thấy những đám khói xám lớn xếp lớp trên những thảm cỏ xanh tươi của Amazon - minh chứng của việc những khu rừng nhiệt đới rộng lớn đang bốc cháy. Nguyên nhân có thể là do khai hoang trái phép để làm nông nghiệp. Việc khói được nhìn thấy từ ngoài không gian cho thấy quy mô hủy diệt là rất lớn, đồng thời cũng là sự gợi ý về cách sử dụng công nghệ để ngăn chặn nạn phá rừng trong tương lai.

Bao quát một khu vực nhỏ hơn và cận cảnh hơn là những hình ảnh quan sát được từ máy bay chuyên dụng. Dữ liệu này được cập nhật nhanh hơn ảnh vệ tinh. Và thực tế nhất, thu thập dữ liệu ngay lập tức là hình ảnh từ các thiết bị drone. Tất nhiên hình ảnh từ drone chỉ có thể bao quát một khu vực nhỏ nhất định, nhưng nó rất rõ, rất gần và linh hoạt theo người điều khiển. 

Hệ thống giám sát rừng còn được bổ sung thêm những loại cảm biến và camera giám sát. Ngay từ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) khi đó là ông Lê Đình Chiến đã từng đề xuất giải pháp thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát rừng tại những vị trí trọng yếu, phức tạp trong huyện. Ông nói tại Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk năm 2021 rằng: “Nếu được lắp đặt khoảng 10 vị trí trọng yếu trên địa bàn phức tạp với chi phí không lớn, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản sẽ cơ bản được ngăn chặn”.

Cũng trong năm 2021, cơ quan Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã cho lắp đặt 4 camera quan sát để phát hiện cháy rừng tại 4 huyện Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh. Hình ảnh do camera thu được truyền qua Internet về máy chủ đặt tại các hạt kiểm lâm huyện có cán bộ túc trực 24/24, hoặc truyền về điện thoại thông minh của cán bộ, nhân viên kiểm lâm để theo dõi.

Chia sẻ với báo chí hồi tháng 5/2023, ông Phan Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc, đánh giá: “Camera giám sát liên tục cả ngày lẫn đêm với bán kính quan sát được từ 7 - 10km nên rất hiệu quả trong việc phát hiện sớm để kịp thời huy động lực lượng ứng cứu, dập lửa khi xảy ra cháy rừng”. Theo ông Tuấn, trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh có kế hoạch lắp đặt thêm 6 camera để giám sát phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Trước đó, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phối hợp với các địa phương khảo sát, thống nhất kiến nghị UBND tỉnh đầu tư kinh phí cho lắp đặt thêm 15 camera trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều đáng nói là hiện nay một số công ty của Việt Nam đã có thể sản xuất các loại camera giám sát, thậm chí được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Chẳng hạn như Công ty công nghệ Bkav hợp tác với Công ty Qualcomm (Mỹ) phát triển dòng camera an ninh thông minh AI View. 

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, đã kể về việc triển khai camera AI View để bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Phú Quốc hồi năm 2021. Đây là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi hiếm hoi vẫn còn giữ được thảm thực vật nguyên sinh quý giá. Ông nói: “Camera với trí tuệ nhân tạo được tích hợp sẵn, có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Lần này chúng tôi đã triển khai AI View thay thế cho những người gác rừng, bảo vệ những giá trị quý giá của quốc gia được hình thành trong hàng triệu năm trước”.

Hàng nghìn hình ảnh về khói, cháy được Bkav huấn luyện cho AI View sẽ giúp cho nó có thể phát hiện ngay lập tức một đám cháy rừng. Mỗi camera AI View có thể giám sát một khu vực rộng lớn bán kính lên đến vài kilomet. Con người có thể sơ suất, phải thay ca để nghỉ ngơi, còn camera AI thì hoạt động liên tục 24/7.

AI View cũng được trang bị thiết bị thu phát sóng 4G, để gửi cảnh báo cho đội cứu hộ rừng ngay khi phát hiện đám cháy. Vì lắp đặt giữa rừng, nên mỗi cột camera được trang bị hệ thống tích điện năng lượng mặt trời, để có thể tự động hoạt động ngày đêm.

Nếu có thể tranh thủ được sự hỗ trợ, cả về công nghệ thiết bị lẫn tài chính từ các nguồn lực quốc tế, bao gồm cả chính phủ lẫn các tổ chức, công tác bảo vệ rừng sẽ càng phát huy hiệu quả hơn. Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống, là một đại sự của toàn cầu, vì thế rất dễ để mời gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Miễn là ta có kế hoạch cụ thể, giàu sức thuyết phục. Nạn phá rừng bao năm nay vẫn là một nỗi nhức nhối toàn cầu. Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm có khoảng 130.000km2 rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Còn tính từ khi kết thúc kỷ băng hà cuối cùng, Trái đất đã mất đi 1/3 diện tích rừng. Trang National Geographic chia sẻ: nhiều khu rừng trên thế giới được bảo vệ không chỉ vì vẻ đẹp tự nhiên mà còn vì chúng là chìa khóa giải quyết hai cuộc khủng hoảng khác: mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Những thực tế này kết hợp lại làm nổi bật vấn đề toàn cầu về nạn phá rừng bất hợp pháp.

Câu chuyện về tổ chức phi lợi nhuận Rainforest Connection (RFCx), Kết nối Rừng mưa, truyền cảm hứng cho nhiều người. Năm 2011, trong một chuyến đi nghỉ tại Borneo, một đảo khổng lồ ở Đông Nam Á, kỹ sư người Mỹ Topher White đã chứng kiến nạn phá rừng trái phép. Về nước, anh thành lập tổ chức RFCx để bảo vệ các khu rừng mưa trên Hành tinh. 

Tổ chức RFCx đã dùng một số lượng lớn điện thoại di động cũ tái chế thành thiết bị giám sát âm thanh bằng năng lượng mặt trời có thể sử dụng được trong rừng nhiệt đới, bố trí nằm rải rác sâu trong rừng. Bằng cách này, bất kể trời mưa, nắng hay ẩm ướt cả ngày, một khi phát hiện âm thanh khai thác gỗ trái phép, chẳng hạn như tiếng cưa máy hoặc tiếng xe tải, thiết bị này sẽ cảnh báo cho lực lượng kiểm lâm địa phương về vị trí khai thác gỗ trái phép, giúp họ tìm kiếm nhanh chóng. Các điện thoại cũ của Huawei do có khả năng chịu môi trường khắc nghiệt đã được tổ chức sử dụng rộng rãi trong việc giám sát rừng mưa ở Costa Rica, giúp bảo vệ hơn 2.500km2 đất đai (khoảng 200.000 sân bóng đá).

Vào tháng 9/2023, Quỹ Cisco Foundation của Tập đoàn công nghệ và giải pháp mạng Cisco (Mỹ) đã cấp cho Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF của Úc 150.000 AUD để phát triển hệ thống giám sát nạn phá rừng trên toàn quốc nhằm giúp báo cáo tình trạng mất và tái sinh thực vật bản địa ở Úc một cách kịp thời và nhất quán trên toàn quốc.

Bảo vệ rừng là một công việc rất lớn và lâu dài, tốn nhiều nguồn lực và thời gian. Đó còn là trách nhiệm của cả xã hội, mà cụ thể là của người dân, đặc biệt là ở những nơi có rừng. Xã hội hóa công tác bảo vệ rừng là một cách để huy động nguồn lực cộng đồng tiếp sức cùng lực lượng chức năng.

Tất nhiên, bên cạnh việc đầy mạnh và thường xuyên công tác tuyên truyền rộng khắp cho mọi người về nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhà chức trách cũng cần phải nghiêm trị các hành vi phá rừng. 

Theo giới luật gia, Việt Nam đã có đủ các hành lang pháp lý để xử lý các hành vi phá rừng. Đối với hành vi phá rừng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan hữu trách có thể căn cứ Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nếu đủ yếu tố xử lý hình sự, có thể căn cứ Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù cao nhất cho hành vi hủy hoại rừng có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng; pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt đến 7 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 3 năm…

Trở lại chuyện ứng dụng công nghệ, Tổ chức National Geographic Society khẳng định rằng công nghệ có thể giúp cứu rừng của chúng ta. Trang National Geographic viết: “Từ vệ tinh trong không gian đến điện thoại thông minh trên mặt đất, công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống nạn phá rừng bất hợp pháp trên toàn thế giới. Mặc dù nó có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại, nhưng giải pháp lâu dài là giải quyết các nguyên nhân cơ bản, bao gồm cả việc tìm cách canh tác mà không cần phải phá rừng. Từ các cá nhân và tổ chức phi Chính phủ đến Chính phủ và các thương hiệu toàn cầu, cần tập trung vào việc thúc đẩy các phương pháp canh tác tốt hơn, chẳng hạn như nông nghiệp tái tạo, giúp đất đủ khỏe để canh tác nhiều lần trên cùng một vùng đất và đủ năng suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Những hành động được thực hiện ngay lúc này sẽ giúp chúng ta bảo tồn những khu rừng mà chúng ta có và phục hồi những khu rừng mà chúng ta đã mất - vì lợi ích của con người và hành tinh”! 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất