, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/05/2024, 06:00

Ứng phó với nước biển dâng tại ĐBSCL: Giải pháp dựa trên tiêu chuẩn hóa

Nhìn từ nước ngoài

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu, khuyến cáo về các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2019, để thực hiện chính sách của Liên minh châu Âu về phát triển nông thôn, Rumani đã ban hành các quy định nhằm giảm phát thải khí nhà kính và amoniac từ các hoạt động nông nghiệp và thúc đẩy bảo tồn và cô lập carbon trong nông nghiệp. Các biện pháp này khuyến khích các phương thức thực hành nông nghiệp hữu cơ/sinh thái. Những biện pháp khác bao gồm việc sử dụng cây trồng có khả năng cố định nitơ trong đất, áp dụng các tiêu chuẩn thích hợp…

Dừa nước là hàng rào tự nhiên chống xâm nhập mặn. Ảnh: Vietnipa.

Một  số quốc gia có nhiều diện tích ven biển đã nghiên cứu để đưa ra các chính sách, chiến lược phù hợp nhằm ứng phó với tình trạng nước biển dâng. Việc mất đa dạng sinh học, chức năng hệ sinh thái và thảm thực vật ven biển đã góp phần làm tăng tính dễ bị tổn thương trước lũ lụt ven biển.

Ví dụ, 50% đầm lầy ngập mặn, 35% rừng ngập mặn, 30% rạn san hô và 29% thảm cỏ biển đã bị mất hoặc bị suy thoái trên toàn thế giới. Việc bảo vệ các rạn san hô nguyên vẹn có giá trị đáng kể bởi các rạn san hô được ước tính có thể bảo vệ hơn 100 triệu người khỏi lũ lụt do sóng gây ra. Ước tính mức giảm thiệt hại lũ lụt dự kiến hàng năm từ các rạn san hô đạt hơn 400 triệu USD chỉ riêng ở Cuba, Indonesia, Malaysia, Mexico và Philippines.

Năm 2019, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố một báo cáo đánh giá, cụ thể là các nghiên cứu điển hình tại Canada, Đức, New Zealand và Vương quốc Anh. Báo cáo này cung cấp các ví dụ về những thuận lợi và thách thức của chiến lược thích ứng ven biển trong các bối cảnh thể chế khác nhau.

OECD đưa ra bốn công cụ để thích ứng với vấn đề nước biển dâng, bao gồm: cung cấp các thông tin, công cụ và hướng dẫn, trong đó có các tiêu chuẩn; đảm bảo rằng luật pháp và công cụ kinh tế phải minh bạch và tránh bị lợi dụng; cân nhắc đến các rủi ro về khí hậu khi đưa ra quyết định giao dự toán ngân sách; giám sát và đánh giá hiệu lực của chính sách và điều chỉnh cho phù hợp.

Hạn hán ở Tiền Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên có đặc điểm là mô phỏng hoặc tăng cường tính tự nhiên, chẳng hạn như đảo chắn, cồn cát, vùng đất ngập nước ven biển, rừng ngập mặn. Môi trường sống ven biển làm giảm tính dễ bị tổn thương của cộng đồng thông qua việc giảm sóng, thu giữ trầm tích, bồi tụ theo chiều dọc, giảm xói mòn và giảm thiểu nước dâng do bão.

Một số ưu điểm chính khi sử dụng các giải pháp này bao gồm: hệ sinh thái có tính động cao để đáp ứng các thay đổi vật lý cũng như có thể phục hồi và tái sinh; các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể đem lại lợi ích đa bên từ các dịch vụ liên quan đến hệ sinh thái như du lịch, đánh bắt thủy sản tự nhiên và nuôi trồng thủy sản, giao thông, các di sản văn hóa.

Một báo cáo của Australia năm 2013 đã tổng kết 50 rào cản đối với ứng phó nước biển dâng, trong đó có việc thiếu các tiêu chuẩn và chính sách liên quan.

Khuyến nghị của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ

Một nghiên cứu năm 2015 đã kết hợp các đánh giá thủy văn, nông học và hành vi để xác định các chiến lược thích ứng hiệu quả dựa vào thay đổi mục đích sử dụng đất (các phương án mềm) và đầu tư vào cơ sở hạ tầng (các phương án cứng), theo đó một tập hợp các chính sách cứng và mềm có khả năng mang lại kết quả hiệu quả nhất cho sinh kế của người dân ở ĐBSCL. 

Lựa chọn đầu tư xây dựng các công trình đê, kè biển và hệ thống cống quy mô lớn để ngăn ngừa sự sạt lở, xói lở và hạn chế ảnh hưởng do nhiễm mặn, được gọi là các phương án chính sách cứng. Chiến lược sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất có thể được điều chỉnh bằng cách sử dụng các giống lúa và cây trồng chịu mặn, được gọi là các lựa chọn chính sách mềm. Đây không phải là những lựa chọn mới vì xâm nhập mặn là một vấn đề tái diễn và kéo dài, mặc dù mối đe dọa ngày càng tăng của mực nước biển dâng và những thay đổi ước tính đối với chế độ thủy văn đã thúc đẩy việc thực hiện các hành động liên quan. 

Cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều công trình kè và cống quy mô nhỏ đang được vận hành và các hộ gia đình ở nhiều cộng đồng ven biển đã chuyển sang nuôi tôm và các loại hình nuôi trồng thủy sản khác như một chiến lược thích ứng ở cấp hộ gia đình. Nghiên cứu này cho thấy chi phí liên quan đến các chính sách cứng ước tính gấp 83 lần so với chi phí ban đầu của cách tiếp cận chính sách mềm và khuyến nghị những thay đổi đối với hệ thống sản xuất nông nghiệp trên diện tích khoảng 180.000ha tại 9 tỉnh trung lưu và hạ nguồn sông Mê Kông. Các hệ thống nông nghiệp được điều chỉnh chủ yếu dựa vào việc thay đổi từ canh tác hai hoặc ba vụ lúa sang phương thức hỗn hợp trồng lúa và nuôi thủy sản hoặc canh tác cây trồng ít sử dụng nước.

Báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho thấy, tác động từ các chương trình thực hiện tại địa phương là không đủ rộng để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu nói chung. USAID khuyến cáo Việt Nam tích hợp các giải pháp dựa vào thiên nhiên vào tiêu chuẩn quốc gia về hạ tầng. USAID cũng khuyến cáo:

- Đối với việc quản lý sử dụng nước và đất: Việt Nam nên thành lập ủy ban quản lý nội vùng ĐBSCL về nguồn nước và đất; thiết lập hệ thống quan trắc nguồn nước bao gồm các chỉ tiêu sinh học, hóa học và vật lý; hỗ trợ việc lưu giữ nước mưa tại cộng đồng và thúc đẩy việc sử dụng nước mưa đảm bảo hiệu quả kinh tế.

- Đối với chuỗi giá trị nông nghiệp: Cần khuyến khích nông dân áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp trong đó giảm thiểu nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật hóa học; thúc đẩy sự tiếp cận của nông dân đối với việc dự báo thời tiết và công nghệ dịch vụ liên quan đến khí hậu; hỗ trợ xây dựng thị trường bền vững và các tiêu chuẩn chất lượng đối với chuỗi giá trị (gạo, tôm, trái cây); hỗ trợ công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phục tráng các giống cây trồng và vật nuôi bản địa; thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo tại các trang trại tôm.

- Đối với các giải pháp dựa vào thiên nhiên: Hỗ trợ việc trồng và bảo vệ dựa vào cộng đồng đối với rừng ngập mặn tại các vùng triều (đặc biệt là tại Sóc Trăng và Bạc Liêu); phối hợp với các cơ quan nhà nước các cấp để xây dựng chính sách trả tiền cho các dịch vụ môi trường đối với rừng ngập mặn; đánh giá tiềm năng lưu trữ carbon của rừng ngập mặn để chứng nhận carbon; liên kết cộng đồng và chuyên gia để áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên trong quản lý xói mòn; và tăng cường quản lý hoạt động nạo vét bùn để đảm bảo tính bền vững.

Mô hình tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khía cạnh tiêu chuẩn hóa: Những gợi mở cho Việt Nam 

Trên khía cạnh tiêu chuẩn hóa, một số nước trên thế giới như Trung Quốc đã có hướng dẫn kỹ thuật đánh giá rủi ro nước biển dâng và đánh giá khu vực dễ bị tổn thương do tác động của nước biển dâng; các tiêu chuẩn về hệ sinh thái rừng ngập mặn; tiêu chuẩn về giống cây trồng chịu mặn, tiêu chuẩn về mô hình nuôi trồng kết hợp lúa - thủy sản… hoặc Thái Lan có tiêu chuẩn về canh tác lúa bền vững. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) hiện đã xây dựng một số tiêu chuẩn về quản lý nước thích ứng với biến đổi khí hậu, tái sử dụng nước và sử dụng nước thải để tưới tiêu; công bố một số tiêu chuẩn về hành động phục hồi đối với tác động của khí hậu. 

Có thể thấy các tiêu chuẩn nước ngoài nêu trên đều phục vụ mục đích cụ thể trong hoàn cảnh của mỗi quốc gia; các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như ISO, ASTM cũng định hướng vào một số lĩnh vực cụ thể mà không đưa ra định hướng chung cho các quốc gia. Rõ ràng, việc nghiên cứu, xây dựng thiết lập được đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ứng phó với nước biển dâng vùng ĐBSCL là vấn đề cần thiết, cấp bách hiện nay.

Đối với phương án chính sách cứng, cụ thể là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (ví dụ: đê biển, các công trình giảm sóng, tạo bồi), hiện đã có một số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên quan về kết cấu bảo vệ bờ biển. Đối với phương án chính sách mềm, có một số TCVN có nội dung liên quan đến vấn đề ứng phó với nước biển dâng, ví dụ các tiêu chuẩn liên quan về trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển…

Tưới nước tiết kiệm ở vùng trồng rau màu tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc tăng độ mặn ở ĐBSCL khiến năng suất và sản lượng nông nghiệp giảm đáng kể, đặc biệt là cây lúa. Mô hình hồi quy bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS) đã được sử dụng để đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến năng suất cây trồng của vùng ĐBSCL. Kết quả cho thấy, khi nồng độ mặn tăng 1g/lít sẽ làm giảm năng suất khoai lang và năng suất lúa lần lượt là 2,809 tạ/ha và 0,197 tạ/ha. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa, ngô và khoai lang của vùng. Khi mực nước sông thấp nhất có xu hướng giảm, gây thiếu hụt nước nghiêm trọng cho hoạt động tưới tiêu, dẫn đến giảm năng suất lúa, cụ thể giảm 0,024 tạ/ha.

Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn trong số này cần được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Ví dụ đối với TCVN 12261:2018, một số nội dung chưa phù hợp như quy định chân kè được gia cố bằng cừ tràm, cừ bê-tông hoặc ống buy nhằm mục đích giữ chân kè không bị xói sâu có thể dẫn đến hư hỏng thân kè; chiều sâu đặt kết cấu chân kè cũng không thống nhất; kết cấu mảng thân kè đặt trên nền mềm, đặc biệt khu vực bờ biển cát mịn (Bến Tre, Trà Vinh) nhanh chóng bị phá hoại một khi cát nền bị kéo ra ngoài biển tạo ra những khoảng trống ngay dưới mảng cấu kiện tấm lát.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bổ sung một số tiêu chuẩn quốc gia về vật liệu mới để phục vụ xây dựng các công trình xây dựng và công trình dân dụng thích ứng điều kiện nhiễm mặn, về hệ thống cấp nước sinh hoạt, tái sử dụng nước, thực hành nuôi trồng thủy sản hữu cơ/sinh thái, tiêu chí đánh giá giống cây trồng (giống lúa) chịu mặn…

Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cập nhật, bổ sung một cách kịp thời sẽ góp phần quan trọng trong việc cung cấp công cụ, giải pháp kỹ thuật hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý, chính quyền địa phương có thể thích ứng tốt hơn để sinh tồn và phát triển trong điều kiện nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay.

Nhóm tác giả: Lê Thành Hưng, Bùi Bích Ngọc, Lê Thị Thanh Ngọc, Trần Văn Hòa, Triệu Việt Phương (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam)

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Vốn chỉ được tìm thấy bên trong thân cây cọ nhưng hiện nay, đuông cọ đã được người dân nhân giống, phát triển thành mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả cao.


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.
Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm




Bọn trẻ quê chúng tôi ngày ấy, nửa buổi đến trường, nửa buổi còn lại rủ nhau đem rổ, đem thau ra đồng nhặt ốc mang về.

Sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước tại bán đảo Sơn Trà đang là một trong những rào cản đối với công tác triển khai các dự án bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại đây

Ngày 6/8, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Lạt phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt bắt quả tang ông Nguyễn Đình Hùng (53 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đã cưa hạ 13 cây thông 3 lá cao khoảng 15 mét.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất