, //, :: GTM+7

Ưu tiên vốn tín dụng cho phục hồi kinh tế

MINH HUY
Chỉ trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã 9,35% trong khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 chỉ ở mức 14%. Hiện cơ quan điều hành vẫn kiên định không tăng room (hạn mức) tín dụng cho các ngân hàng, nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tín dụng đã tăng khá nóng từ đầu năm đến nay.

Ngóng nới room cho vay

Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm khiến nhiều ngân hàng thương mại đã gần như kín room tín dụng, như TPBank đã đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% trên hạn mức được giao cả năm là 11,5; MBBank chỉ trong quý 1/2022 đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 8,6%, sát với hạn mức 10,5% được cấp đầu năm; Techcombank 3 tháng đầu năm cũng có tăng trưởng tín dụng ở mức 6,76% trong khi room tín dụng cho cả năm là 12%; MSB hết quý 1 cũng có mức tăng trưởng tín dụng 9,5% trong khi hạn mức được giao hơn 10%...

Không chỉ các NHTM tư nhân hết room mà ngay cả các NHTM có vốn Nhà nước như BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank - vốn luôn được cấp mức tín dụng ở mức cao nhưng cũng đã sử dụng gần hết nên đồng loạt kiến nghị NHNN tăng thêm room tín dụng để có dư địa cho vay, nhất là khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng mạnh sau khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên đến nay, NHNN vẫn chưa nới room cho bất cứ ngân hàng nào.

Vì phải tập trung vốn dành cho các lĩnh vực ưu tiên nên nhiều NHTM đã ngưng cho vay bất động sản, kể cả vay mua nhà để ở. Cụ thể, Sacombank chỉ cho vay mua nhà đối với cán bộ công nhân viên. Ngay cả NHTM có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn như Techcombank cũng có thời điểm hạn chế cho vay bất động sản vì room tín dụng còn lại không nhiều. Nhiều NHTM chỉ cho vay mua nhà đối với những dự án có thanh khoản tốt và trị giá khoảng 3 tỷ đồng, đồng thời hạn chế dần đối với cho vay tiêu dùng để chờ NHNN nới room tín dụng.

Các đối tượng được vay gói hỗ trợ lãi suất 2%

Theo NHNN, các đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: Thứ nhất là thuộc các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Thứ 2 là nhóm thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ).

Không thiếu vốn cho vay hỗ trợ

Với diễn biến trên, các chuyên gia trong ngành nhận định, hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp thêm trong nửa cuối năm cho các ngân hàng có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt khoảng 15 - 16%. Tuy nhiên mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đưa thông điệp cho biết, tín dụng trong năm 2022 chỉ dừng ở mức 14% như định hướng đầu năm và không nới thêm.

Trong bối cảnh các ngân hàng không còn room tín dụng để cho vay mà phải thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN nên nhiều NHTM cho biết sẽ khó giải ngân nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về việc này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, dù Nghị định hướng dẫn gói hỗ trợ lãi suất mới được triển khai hơn một tháng, song lại áp dụng với các khoản vay từ đầu năm 2022, nên các ngân hàng không phải lo thiếu room hỗ trợ lãi suất, mà việc cần làm ngay bây giờ là hoàn thiện cơ chế cho vay nội bộ để triển khai hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Agribank cũng cho biết, hiện ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng 7% trên con số 8% NHNN giao cho Agribank trong năm 2022. Tuy nhiên, để thực hiện gói lãi suất 2%, NHNN phân bổ cho Agribank khoảng 5.000 tỷ đồng cho hai năm 2022 - 2023 nên trong năm nay số dư nợ hỗ trợ lãi suất chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng cho toàn hệ thống và Agribank sẽ không gặp áp lực thiếu vốn để cho vay. BIDV cũng cho biết đã rà soát và sàng lọc được khoảng hơn 10.000 khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất và ngân hàng đang hoàn tất hồ sơ để khách hàng được thụ hưởng chính sách. Ngoài các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV… thì các ngân hàng TMCP như: ABBank, Bản Việt, OCB, ACB… cũng đều đã đăng ký tham gia cho vay chương trình hỗ trợ này hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2022.

NHNN khẳng định sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên để giúp kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm. Không chỉ đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN cũng khẳng định, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn được NHNN coi là một trong những lĩnh vực ưu tiên và Chính phủ cũng như NHNN đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho lĩnh vực này.

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới đây kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ và tăng hạn mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất sau đại dịch; đồng thời có giải pháp để nông dân được vay vốn mà không cần có tài sản để đảm bảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn và chưa có lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như vậy. Các chính sách này đã trao quyền tự quyết cho các NHTM trong việc cho vay tín chấp hoặc thế chấp nên hiện các NHTM sẽ xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. 

Đặc biệt các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn thì các ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận được vốn. Ngay cả gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng ưu tiên vốn cho lĩnh vực này.

“Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp” - Phó Thống đốc cho hay.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất