, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/12/2021, 11:00

VAC - Một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và hiệu quả cao

VŨ TRỌNG KHẢI
VAC: VƯỜN, AO, CHUỒNG - một mô hình hệ sinh thái nông nghiệp mà giáo sư Từ Giấy (1921 - 2009) đã từng đề xuất và phát triển. Ông cũng đã khái quát hóa cao hơn và la tinh hóa hệ sinh thái VAC: V (Vegetation) chỉ ngành trồng trọt nói chung gồm cả trồng cây lấy gỗ, A (Aquaculture) chỉ ngành nuôi trồng thủy hải sản nói chung, C (Cage) chỉ ngành chăn nuôi nói chung.
VAC là một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững vì nó thoả mãn yêu cầu của hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn.

VAC và nông nghiệp Việt

VAC là một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững vì nó thỏa mãn yêu cầu của hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn. Đó cũng là một hệ nông nghiệp sinh thái phù hợp với kinh tế nông hộ đã tồn tại cả ngàn đời của nông dân Việt Nam, không chỉ trong nền kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp mà còn cả trong nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Từ ngàn đời, ông cha ta đã tổng kết kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp: Thứ nhất canh trì (nuôi cá), thứ nhì canh viên (làm vườn), thứ ba canh điền (làm ruộng lúa nước). 

Muốn thực hiện VAC, nông dân phải am hiểu kỹ thuật sản xuất, bảo quản và thị trường tiêu thụ của nhiều loại cây, con khác nhau. Đối tượng sản xuất nông nghiệp lại là sinh vật, nên để đạt hiệu quả cao, nhà nông phải thực hiện “nhất thì, nhì thục” (đúng lúc, đúng cách khi con người tác động vào cây trồng, vật nuôi). Chỉ có kinh tế nông hộ, mà thực chất là trang trại gia đình (farm household), mới đáp ứng được yêu cầu đó. Mặt khác, quy mô kinh tế nông hộ phù hợp với năng lực quản lý và kiểm soát (tầm hạn quản trị) của người nông dân đối với quá trình sinh trưởng của mỗi cây trồng, vật nuôi. 

Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nông phẩm không chỉ phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc, mà còn phải đảm bảo các yêu cầu chất lượng, thị hiếu của người tiêu dùng theo các tiêu chuẩn của mỗi vùng miền và đất nước khác nhau. 

Điều này đòi hỏi trách nhiệm rất cao của nhà nông trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Khi đó, nhà nông buộc phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, thông qua các HTX của mình, theo chuỗi giá trị và sản xuất theo hợp đồng (contract farming) của mỗi loại nông sản. Bởi vì, chỉ có doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản mới giải quyết được ba vấn đề mà từng hộ nông dân không thể giải quyết được: i) Thị trường và thương hiệu; ii) Cung ứng nguồn lực đầu vào, đặc biệt là giống cây con và công nghệ sản xuất hiện đại; iii) Vốn kinh doanh, thông qua liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm và sản xuất theo hợp đồng.

Việt Nam là nước có bình quân ruộng đất tính theo đầu người vào loại thấp nhất thế giới. Cho nên, chỉ tiêu hiệu quả kinh tế quan trọng nhất và trước hết, phải là giá trị thu nhập và số lượng sản phẩm dinh dưỡng thu được trên một đơn vị diện tích (hecta), rồi mới đến các chỉ tiêu năng suất lao động và hiệu suất sử dụng vốn. VAC là lời giải tốt nhất cho yêu cầu này. VAC còn là một hệ thống nông nghiệp sinh thái bền vững và hiệu quả cao, xét trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, mang đậm sắc thái văn hóa của dân tộc Việt với 54 sắc tộc khác nhau trên mỗi vùng miền đất nước.

VAC quy mô lớn, được không?

Do điều kiện kinh tế, tự nhiên và xã hội khác nhau, nhiều loại mô hình VAC được hình thành và phát triển. Ví dụ, ở đồng bằng Bắc bộ, do bình quân ruộng đất quá thấp, VAC có thể phát triển đầy đủ, phổ biến; còn ở ĐBSCL hệ sinh thái lúa - tôm đang được phát triển mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao… Một câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô sản xuất lớn có thể thực hiện VAC được không? Câu trả lời là có.

Nông trường Sông Hậu trước đây với thương hiệu SOHAFARM đã thực hiện VAC có hiệu quả rất cao trên 6.000ha đất nông nghiệp. Nông trường Sông Hậu đã quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi. VAC được thực hiện trung bình trên 2,5ha đất giao khoán cho 1 hộ gia đình. 2,5ha đất đó được quy hoạch sản xuất như sau: trồng lúa và nuôi cá, tôm trên ruộng lúa, xung quanh 2,5ha ruộng có mương nước để cá, tôm sinh sống khi tháo cạn nước trên ruộng lúa. 

Trên bờ ruộng, có chuồng chăn nuôi gà hoặc heo, trồng cây ăn trái và nấm rơm. Dọc kênh mương thủy lợi và đường giao thông được trồng cây lấy gỗ. Tất cả các khâu canh tác, nuôi trồng mang tính sinh học được giao khoán cho từng hộ gia đình và thu nhập của họ trực tiếp phụ thuộc vào kết quả sản xuất trên 2,5ha VAC. 

Nông trường Sông Hậu cung ứng dịch vụ đầu vào, trước hết là giống cây, con, tưới tiêu nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật cách tác, nuôi trồng cho mỗi hộ nhận khoán. Nông trường Sông Hậu chế biến tất cả các loại nông sản do các hộ nhận khoán làm ra bằng 17 nhà máy chế biến. Nông phẩm mang nhãn hiệu SOHAFARM được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Thực chất, các hộ nhận khoán chính là trang trại gia đình dự phần (affiliated farm household) trong lòng nông trường Sông Hậu (công ty dự phần hay trang trại dự phần được hiểu là một tổ chức gồm nhiều chủ thể cùng đầu tư vốn và lao động trên cùng một quá trình kinh doanh, nhưng không làm phát sinh một chủ thể pháp lý mới và quan hệ giữa các chủ thề này gần giống như các thành viên của một công ty, cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro).

Như vậy, SOHAFARM đã giải quyết được ba vấn đề mà từng hộ nhận khoán không làm được, đó là: i) thị trường tiêu thụ và thương hiệu; ii) cung ứng dịch vụ đầu vào và công nghệ sản xuất mới; iii) vốn sản xuất. SOHAFARM đã thực hiện vai trò lãnh đạo, tổ chức chuỗi giá trị nông phẩm và liên kết sản xuất theo hợp đồng (contract farming), khép kín trên quy mô 6.000ha đất nông nghiệp.

Mô hình nuôi cá thát lát ở huyện Đức Linh.

Trang trại Bình An ở Bình Thuận có quy mô 100ha canh tác, trong đó 80ha trồng thanh long, 20ha trồng nho và dưa lưới theo công nghệ Israel, sử dụng khoảng 200 công nhân. Trang trại có 8 kỹ thuật viên được phân công phụ trách theo khu vực sản xuất, quản lý trực tiếp một số công nhân tương ứng với quy mô diện tích canh tác và tính phức tạp về kỹ thuật của mỗi loại sản phẩm. Thu nhập của các kỹ thuật viên này, ngoài “lương cứng”, phần lớn thu nhập của họ phụ thuộc trực tiếp vào kết quả sản xuất cuối cùng trên diện tích canh tác do họ phụ trách. Như vậy, mỗi kỹ thuật viên của trang trại Bình An vừa có tinh thần trách nhiệm cao, vừa có đủ khả năng quản lý (tầm hạn quản trị) đối với số lượng công nhân và diện tích canh tác mà họ được giao. 

Thực tiễn đã chứng tỏ là trong doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, nếu thuê người quản lý thì rất khó thành công nếu không muốn nói là thất bại. Trang trại Bình An đảm bảo cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản (chủ yếu xuất khẩu). Theo đó, mỗi kỹ thuật viên với khu vực sản xuất mang tính sinh học do họ phụ trách là một trang trại dự phần. Trang trại Bình An là một doanh nghiệp trực tiếp tổ chức chuỗi giá trị nông sản trên 100ha canh tác và giải quyết cả ba vấn đề: i) thị trường và thương hiệu; ii) cung ứng dịch vụ đầu vào và công nghệ hiện đại; iii) cung ứng vốn sản xuất. Quan hệ giữa chủ trang trại Bình An và các kỹ thuật viên này có thể nói gần giống như quan hệ giữa các thành viên của một công ty, cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro trên một phạm vi nhất định.

Để phát triển VAC một cách phổ biến, cần đào tạo một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp thay thế cho “nông dân cha truyền con nối”, một đội ngũ “thanh nông tri điền” thay cho “lão nông tri điền”.

Tập đoàn Lộc Trời ở An Giang là một kiểu mô hình khác. Tập đoàn Lộc Trời liên kết với các hộ nông dân, thông qua các hợp tác xã của họ, để tạo ra vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn, phù hợp với công suất chế biến của các nhà máy chế biến lúa gạo theo công thức: “Liền đồng, Cùng trà giống, Khác chủ (là các hộ nông dân)”. Lộc Trời tạo thị trường và thương hiệu, cung ứng dịch vụ đầu vào, trước hết là giống và khuyến nông, cung ứng dịch vụ đầu ra là chế biến và tiêu thụ gạo trong và ngoài nước. Vì vậy, mỗi hộ nông dân sản xuất lúa nguyên liệu cho Lộc Trời vẫn hoàn toàn chủ động thực hiện VAC trên diện tích đất nông nghiệp của mình. 

Mô hình sản xuất lúa - tôm hay lúa - cá không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn buộc nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo “bốn đúng”, để không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm và cá. Phân bón cho lúa cũng tạo nguồn thức ăn cho tôm cá là các loài tảo, ngược lại chất thải của tôm, cá lại là nguồn phân hữu cơ cho cây lúa. Như vậy, Lộc Trời đã lãnh đạo được chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo bằng việc lập các nhà máy xay xát và tiêu thụ lúa gạo.

Doanh nghiệp Gạo Ông Thọ lại là mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong đó doanh nghiệp thương mại là tổ chức lãnh đạo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp này thông qua các HTX, ký kết hợp đồng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và quản lý sản xuất lúa theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các nông hộ, tạo ra vùng sản xuất lúa nguyên liệu tập trung cũng theo nguyên tắc “Liền đồng, Cùng trà giống, Khác chủ”. 

Doanh nghiệp Gạo Ông Thọ thỏa thuận giá mua lúa với nông dân canh tác theo mô hình lúa - tôm và trích hoa hồng cho hợp tác xã theo đầu tấn lúa. Họ mua lúa của nông dân, rồi thuê nhà máy sấy, xay sát, đóng bao gạo theo nhãn hiệu “Gạo Ông Thọ”. Như vậy, doanh nghiệp Gạo Ông Thọ chỉ thực hiện khâu tiêu thụ gạo thông qua các đại lý và đội ngũ vận chuyển (shipper) đến từng khách hàng mua gạo. Nông hộ vẫn có thể thực hiện mô hình VAC, cụ thể là hệ canh tác lúa tôm. Điều đó đảm bảo nông hộ không thể lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật vì điều đó có hại cho việc nuôi tôm. Mặt khác, chất thải và thức ăn dư thừa của tôm lại là nguồn phân hữu cơ cho cây lúa. Doanh nghiệp Gạo Ông Thọ đã sử dụng mô hình thuê ngoài (outsourcing), không cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo và tinh giản tối đa bộ máy của mình.

Xu hướng mới và những khó khăn

VAC hiện nay được coi là một trong cách thực hành nông nghiệp sinh thái hiện đại mà Việt nam cần hướng đến để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Các nước phát triển hiện nay cũng có xu hướng phát triển các mô hình canh tác rau - cá trong nhà kính, được kiểm soát các điều kiện canh tác và tuần hoàn nước (aquadroponic). Đây cũng có thể coi là VAC trong điều kiện ít đất của nông nghiệp đô thị. Một vấn đề nảy sinh khi các hộ nông dân thực hiện VAC với nhiều loại nông sản khác nhau thì họ phải liên kết với nhiều loại doanh nghiệp để tiêu thụ.

Ở những nơi có nhiều nông hộ, hay doanh nghiệp làm VAC hiệu quả, có thể phát triển du lịch nông thôn. Chủ hộ và doanh nghiệp VAC liên kết với công ty du lịch, tạo ra các tour du lịch VAC. Du khách được trải nghiệm hoạt động VAC như bắt tôm, cá; thu hoạch trái cây, rau, củ và thưởng thức ẩm thực được chế biến mang đậm văn hóa bản địa, kết hợp nghỉ dưỡng “homestay”. 

Để phát triển VAC một cách phổ biến, cần đào tạo một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp thay thế cho “nông dân cha truyền con nối”, một đội ngũ “thanh nông tri điền” thay cho “lão nông tri điền”. Đội ngũ nông dân chuyên nghiệp không những hiểu kỹ thuật canh tác và chăn nuôi các loại nông sản trong hệ VAC mà còn phải hiểu thị trường tiêu thụ những sản phẩm này, phải biết tổ chức quản lý các HTX của mình, chủ động liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và sản xuất theo hợp đồng. 

Bộ NN&PTNT cần có chương trình nghiên cứu khoa học phục tráng các giống cây, con bản địa có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao để cấu thành nên những mô hình VAC mang bản sắc văn hóa vùng miền, thu hút khách hàng tiêu thụ và du khách, như nếp Tú Lệ, gà Đông Tảo, lợn ỷ Móng Cái, vịt bầu Chợ Bờ, cá trắm cỏ Châu Giang (Hà Nam)…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất