, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/11/2021, 11:07

Vải lanh Lùng Tám

BẢO HƯỚNG
Trải qua 41 công đoạn hoàn toàn thủ công, hết sức tỉ mỉ và kiên nhẫn, tấm vải lanh thổ cẩm Lùng Tám mới thành hình nên dáng...
Vải lanh được đem phơi sau khi nhuộm.

Đối với người Mông sinh sống nơi cổng trời Quản Bạ - Hà Giang, sợi lanh là sợi kết nối với thế giới tâm linh và nguồn cội. Khi một người sang thế giới bên kia mà không có một bộ quần áo lanh thì cả làng và dòng họ sẽ không làm ma cho, người chết sẽ không tìm được đường về với tổ tiên và tổ tiên cũng không tìm được người chết. Người phụ nữ Mông đi lấy chồng phải có bộ quần áo lanh trong người, để khi bước vào cửa nhà chồng tổ tiên mới nhận và đi làm dâu mới không bị ốm đau.

Sản phẩm của sự kiên trì và tỉ mỉ

Từ thuở nhỏ, con gái Mông đã bắt đầu theo mẹ, theo bà học se sợi, dệt lanh, thêu thùa. Người Mông đánh giá tài năng và đức hạnh người phụ nữ qua khả năng thêu và dệt, thể hiện trên những bộ váy áo truyền thống mà họ mặc trong ngày hội. Các chàng trai Mông thường để ý xem gia đình cô gái có se lanh, dệt vải không, vì nếu có, người con gái ắt hẳn rất khéo tay và chịu khó. Lệ thường, trước khi gả đi, cô gái Mông nào cũng tự tay dệt nên trang phục cho chính mình để làm của hồi môn.

Tước sợi

Sinh sống nơi non cao khắc nghiệt, đá nối đá một màu xám trắng và cái lạnh như cắt da cắt thịt, không lạ khi người Mông xem trọng cây lanh trong đời sống thường nhật vì nó không khó trồng và cho ra chất liệu vải độc đáo: ấm áp vào đông, thoáng mát lúc hè.

Mùa trồng ngô cũng là mùa gieo hạt lanh, và khi thu hoạch ngô thì cây lanh cũng đủ già để xếp từng bó mang về. Ngày nắng mang phơi, ngày mưa cất trên gác bếp. Khi vỏ lanh khô, săn lại là đến lúc tước sợi. Sợi tước ra gộp thành từng nắm, cuộn lại cho vào cối giã hoặc dùng chân dẫm để tróc lớp màng bám trên vỏ, đến khi nào sợi lanh mềm và sạch thì lấy ra se sợi.

Việc se sợi được làm mọi lúc mọi nơi trong thời gian nhàn rỗi nên phụ nữ hoặc các bé gái người Mông luôn mang theo sợi lanh bên mình. Để se sợi chắc hơn, người Mông chế một dụng cụ phối hợp nhịp chân và tay, cùng lúc se được nhiều sợi lanh. Sợi lanh se xong được bó thành từng bó đem ngâm và luộc trong nước tro bếp vài lần để sợi mềm và trắng dần trước khi cho thêm sáp ong vào luộc lần cuối cho sợi mềm và trơn. Các bó sợi sau đó tiếp tục được đặt trên một khúc gỗ tròn, trên đè một tấm đá phẳng. Người phụ nữ đứng trên tấm đá này, nhún nhảy hai chân để tấm đá lăn trên khúc gỗ có bó sợi cho đến khi sợi lanh mềm hẳn và sáng trắng rồi mới đưa vào khung dệt.

Công đoạn dệt kéo dài hàng tháng trời, vì việc dệt vải thường chỉ được làm khi đã xong việc đồng áng, bếp núc. Vải dệt xong tiếp tục luộc với nước tro vài lần, giặt sạch, phơi khô rồi lại đặt giữa khúc gỗ tròn và tấm đá lăn cho đến khi mềm và phẳng.

Công cụ nhuộm màu

Để làm nên những hoa văn rất riêng trên vải, người Mông dùng bộ bút vẽ (được chế tạo một cách thủ công) chấm vào sáp ong nấu chảy và kẻ lên vải, ban đầu là đường thẳng, rồi đến hình tam giác, trôn ốc, hình đồng tiền, chữ thập, chân chim… Đây là những họa tiết biểu hiện cho thế giới vũ trụ của người Mông.

Vải lanh được nhuộm chàm bằng kỹ thuật độc đáo của người Mông. Thường tấm vải sẽ được nhuộm nhiều lần để cho ra màu ưng ý nhất. Màu vải lanh không rực rỡ nhưng nền nã và khác biệt. Người Mông cũng sử dụng một số loại lá, gỗ, rễ cây, củ… để cho ra các màu sắc khác, hoàn toàn tự nhiên và bền bỉ theo thời gian. Dưới đôi tay khéo léo của phụ nữ Mông, tấm vải còn được tạo điểm nhấn với những họa tiết sống động tượng trưng cho con người, tình bạn, vợ chồng hay vai trò của người phụ nữ trong gia đình bằng kỹ thuật thêu đắp chỉ.

Vẽ họa tiết.

Kỳ công là thế, một bộ váy áo truyền thống của người Mông có khi phải mất cả năm trời mới hoàn tất nên cũng không lạ khi ngày nay, kỹ thuật se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ họa tiết kiểu truyền thống ngày càng ít thu hút những người Mông trẻ chuộng nhịp sống hiện đại.

Lùng Tám và ước mơ của Vàng Thị Mai

Nói đến vải lanh thổ cẩm Mông nổi tiếng với cái thương hiệu Lùng Tám hiện nay, phải nói đến Vàng Thị Mai và cơ duyên của hơn 20 năm trước. Khi ấy, Vàng Thị Mai được mẹ truyền nghề từ thuở 13 đang ngồi dệt vải bên hiên nhà. Có vị khách ngoại quốc đi du lịch ngang qua, do tò mò nên dừng lại quan sát. Rồi người khách thuyết phục cô bán lại tấm vải cô đang dệt...

Biết rõ sự mai một của nghề dệt vải lanh tại bản làng nhưng cũng nhìn thấy cơ hội từ nó sau lần gặp gỡ vô tình với người khách lạ, Vàng Thị Mai nuôi ước mơ khôi phục lại nghề. Cô thuyết phục chồng đứng ra vận động bà con thành lập Hợp tác xã Vải lanh truyền thống tại thôn Hợp Tiến xã Lùng Tám để cùng nhau hợp tác mưu sinh. Cô cũng tìm đến các nghệ nhân cao tuổi xin các cụ truyền dạy thêm về nghề. Cô vẫn còn nhớ những ngày đầu đi vận động gia đình các xã viên dành đất trồng lanh để có nguồn nguyên liệu dồi dào hơn đã bị phản ứng gay gắt ra sao, bởi người Mông giờ chỉ muốn trồng ngô để có cái ăn trước mắt, trồng lanh chỉ là làm thêm khi nông nhàn. Rồi chồng cô chẳng may bị tai nạn… Nhưng cô không bỏ cuộc, vừa lo cho gia đình, cho chồng, Vàng Thị Mai vừa kiên trì, nhẫn nại xoay xở từng đồng vốn ít ỏi để gầy dựng nghề.

Cô tìm đường xuống Hà Nội, rảo bộ khắp phố phường để giới thiệu vải lanh của dân tộc mình. Ngày nối ngày, năm nối năm, sau mỗi chuyến đi, cô lại có thêm bạn, rồi được bạn bè giúp đỡ giới thiệu với khách nước ngoài. Không ít du khách trân trọng nghị lực của người phụ nữ dân tộc và thích thú với qui trình làm vải thủ công quá sơ khai mà tỉ mỉ; lại thêm màu sắc, hoa văn độc đáo của vải lanh thổ cẩm thu hút nên đã mua và giới thiệu sản phẩm của cô với nhiều bạn bè tại quê nhà họ. Thông qua Mai, những vị khách khó tính đến từ nhiều nơi trên thế giới đã bị chinh phục bởi qui trình thủ công và nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên của vải lanh Lùng Tám.

Thành phẩm

Tiếng lành đồn xa, Vàng Thị Mai và vải lanh thổ cẩm truyền thống của người Mông được nhiều chương trình xã hội trong, ngoài nước chú ý, trong đó, có Dự án “Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống” trong Chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển”. Vậy là vải lanh Lùng Tám có thêm điều kiện để tiếp cận thị trường và phát triển.

Sản phẩm làm ra bán được, người dệt vải và may thêu trên vải có thu nhập, hợp tác xã được mở rộng; thậm chí, thành viên hợp tác xã không chỉ có lao động nữ mà còn có lao động nam lo việc sửa chữa, vận chuyển. Các sản phẩm thủ công như vỏ gối, túi, khăn trải bàn đã đến Pháp, Anh, Thụy Sĩ và các nước phương Tây. Từ 10 thành viên trong những năm đầu thành lập với mức thu nhập khoảng 600.000 đồng/người/tháng, đến nay đã có hơn 100 thành viên với thu nhập hàng tháng khoảng 3 - 4 triệu đồng/người. Con số này tuy không lớn nhưng rất ý nghĩa với cuộc sống của người Mông nơi đây…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất