, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 27/01/2023, 19:00

Vẫn còn đó một di sản Sài Gòn nhỏ nhoi

MINH TRIẾT
Đối diện cửa Tây chợ Bến Thành, số nhà 23 Phan Chu Trinh, tôi đang đứng lơ ngơ thì chị bán trái cây vỉa hè nói to: “Kiếm ai cưng, cầu thang mới là bên Visan, cầu thang cũ thì nhà người ta". Tôi thật tình không biết “người ta” là ai, chỉ biết mỗi cái tên tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên thì cả chị bán trái cây, anh bảo vệ đều chỉ lối lên cầu thang cũ. “Đó đó, nhưng đâu còn gì trển mà kiếm”.

Chút sót lại của tòa nhà theo kiến trúc tây nên trần nhà cao, cầu thang thoáng, uốn lượn theo bờ tường vững chãi, dù dọc theo lối đi đã bị “cải tạo” manh mún. Ngang qua lầu 2, tôi thoáng thấy một bàn nghi thức dành cho đại hội chi bộ cơ sở, “chắc là của cấp ủy khu vực hoặc Visan”, thêm một tầng là đụng nóc, cũng là căn phòng duy nhất của con gái ông chủ tiệm bánh Đông Hưng Viên có mặt ở Sài Gòn từ năm 1954.

Bà đã ngoài bảy mươi, sức khỏe yếu, bà không rành tiếng Việt, đứa con gái út định cư ở Singapore lại không rành tiếng Hoa nhưng khi chỉ vào bảng hiệu Đông Hưng Viên dựng trong góc thì mắt bà cứ sáng lên, nói liên tục, tôi nghe được con số “200 năm” mà cha của bà từ Hà Nội mang theo vào. Tức bánh trung thu Đông Hưng Viên đã thành công trước ở Hà Nội, đến Sài Gòn, ông chủ tiếp tục mở mang với nhãn Con công xanh, quảng cáo ba phi hành gia đáp xuống mặt trăng năm 1969… dân Sài Gòn - Chợ Lớn hồi ấy đều ưa chuộng hiệu bánh này.

Con gái ông chủ Đông Hưng Viên. Ảnh: H.T

Sau năm 1975, gia đình bà bỏ tiền mua để giữ lại cho bằng được một góc của tòa nhà này, cốt là giữ cái gốc để còn chưng cất mấy tấm bảng hiệu Đông Hưng Viên, hình họa con công… Con gái bà nói, tấm bảng đó có người trả bạc tỷ mà mẹ em không bán. Giờ thì nó đang được dựng cạnh mấy tấm di ảnh treo trên tường, trong số ấy có hình ông ngoại của cô, người từng là một vị tướng trong quân đội Tưởng Giới Thạch, năm 1948 thua trận đã chạy qua Móng Cái, lần về Hà Nội định cư, rồi vào Sài Gòn.

Không bị manh mún như số nhà 23 Phan Chu Trinh, căn nhà số 13 lại còn nguyên vẹn, cũng là căn duy nhất ở con đường “kim cương” này đóng kín cửa, không cho thuê. Tính từ thập niên 20 của thế kỷ trước khi khu phố Tàu hình thành quanh chợ Bến Thành, trạm xe thổ mộ trước trạm xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho thì tiệm trà Ô Tòng Ký này còn giữ nguyên bản trên 100 năm tuổi.

Một góc căn nhà số 13 Phan Chu Trinh.

Chủ nhà hầu như từ chối mọi lời chào, cuộc hầu chuyện. Tôi phải “vào vai” đi lạc, bất thần ghé ngang hỏi chuyện. Ông là cháu của bà Kha Luyên, chủ nhà. Chẳng biết ngọn gió nào chiều nay thổi ngang qua, nó khiến lớp bụi bám trên mấy thùng thiếc, chiếc cân, hộp trà bị phủi bay đi. Ông dù vẫn giữ nguyên khuôn mặt không vui không buồn nhưng đã ban cho tôi một đặc ân, là ngồi nghỉ chân trong tiệm trà Ô Tòng Ký. Nhiêu đó cũng đủ cảm kích bởi từ đây ngồi ngó ra, mái tháp đồng hồ chợ Bến Thành, chóp tòa nhà búp sen Bitexco hiện lên như một sự ký thác của dòng biến thiên Sài Gòn.

Người giữ tiệm trà Ô Tòng Ký. Ảnh: H.T

Cách đó mấy bước chân, ngay góc đường Nguyễn An Ninh (là Amiral Courbet xưa) - Phan Chu Trinh, vào những ngày cận Tết 1934, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cùng các bạn hữu của mình đã rao bán dầu cù là - một món hàng chẳng ăn nhập gì ngày Tết, nhưng mến mộ lòng yêu nước, người đấu tranh cho quyền của dân nước Nam nên bà con tứ xứ đổ về, xếp hàng kín cả mấy con đường.

Một góc căn nhà số 13 Phan Chu Trinh. Ảnh: H.T

Tôi thả bộ từ đó, ngang qua dãy nhà 31 - 33 - 35 Nguyễn An Ninh, những năm 1922 là Đỗ Bính khách lầu (sau đổi thành Nam Châu khách lầu) nơi tụ hội của tao nhân mặc khách, mời cả ban đờn ca tài tử, ca ra bộ đến giúp vui. Nay, thành dãy nhà hàng, nơi trú ngụ của nhóm du khách, cư dân người Mã Lai, theo đạo Hồi. Một thợ bán bánh nướng, người Chăm, gốc An Giang, anh đang đẩy xe dọc theo dãy khách sạn, bán dạo cho du khách Malaysia, có cả “bánh mì” Việt Nam, giờ đã là món khoái khẩu của mọi du khách khi đến Việt Nam - Sài Gòn.

Chỉ quanh khu vực chợ Bến Thành, cho đến ngày nay, dấu tích quần cư, sinh sống, mua bán của cộng đồng người Hoa, người Ấn, người Mã Lai vẫn còn khá đậm. Nhích về phía bờ sông, từ đó theo trục thẳng Đồng Khởi - Lê Lợi thì lại thuộc về ký ức của người Pháp. Ông chú tôi hàng năm về thăm nhà, thú vui mỗi sáng của ông là ngồi cà phê, đọc Le Courier, nhâm nhi mẩu bánh croissant ngay terrace khách sạn Continental. Ông nói, thời ấy, khu vực này chỉ dành cho sĩ quan Pháp, lính tây và người Việt đâu được vô đây ngồi. Giờ thì thích đâu ngồi đó, miễn có l’argent (tiền), mà Sài Gòn là số một.

Quành ra phía sau là đường Hai Bà Trưng, ngay góc Đông Du, Ân Nam Gourmet bọc lấy hai mặt tiền ngã tư, với từng quầy rượu vang được trưng bày chỉ khiến người ta muốn… say! Đây cũng là tiệm rượu chát đầu tiên tại Sài Gòn, do doanh nhân dòng dõi quý tộc Poujade de Ladeveze thành lập vào cuối thế kỷ XIX.

Từ khu phố cổ quanh chợ Bến Thành, vòng qua phố tây Bùi Viện, tôi tìm về căn nhà cũ của ông tôi, bên họ ngoại Hoàng Trọng ở đất Nguyệt Biều, Huế - nơi chuyên trồng thanh trà, dâu tiên để cung vua. Ông là Hoàng Trọng Quị, tức Thanh Nghị, người biên soạn từ điển, một người yêu nước đã rời Huế để vào Sài Gòn thỏa chí tang bồng. Ông cùng em trai là Hoàng Trọng Miên lập tờ báo Trong khuê phòng, Người mới năm 1940, là một trong những tờ báo đầu tiên in thơ Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Địch, Thúc Tề, Chế Lan Viên… Sau này, ông thoát ly vô cứ, là Thứ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhà đóng cửa. Cái im lặng hiếm hoi giữa khu phố tây đang hồi sinh trở lại sau đại dịch.

Sài Gòn - TP.HCM lúc nào cũng đông đúc, nhưng hay ở chỗ, nó vẫn có dư khoảng lặng, chỗ trống cho ai đó cần đến nó, ghé vào, ngồi lại và “mình ên” trong cõi riêng ấy. Cái ồn ào của khu trung tâm bỗng dưng như yên ắng hẳn, nhịp xe cũng chậm lại khi thả dọc theo con kênh Tàu Hủ. Bên này là Chương Dương, Hàm Tử; bên kia là Khánh Hội, Nhà Rồng, ngăn bởi Cầu Mống - vốn do kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế. Ông thiết kế tháp Eiffel năm 1889, còn cầu Mống đã hoàn thành năm 1882.

Nhà cô tôi ở ngay góc Hàm Tử - Nhiêu Tâm, ông già cô làm thầu khoán, là người xây đài ra đa ở Vũng Tàu, nhỏ học Jean Jacques Rouseau, rồi theo chồng qua Pháp, qua Anh, hồi mới về Việt Nam, tiếng Việt bập bẹ dữ lắm. Nhưng qua đại dịch, bà một hai đòi về Sài Gòn cho bằng được, về để qua cầu Mống mà bà đặt nó là “cầu tình”, chẳng cần khóa nhưng bà đã có một mối tình với người bên kia con kênh, giữ cho tới tận giờ…

Bảng Đông Hưng Viên 200 năm tuổi. Ảnh: H.T

Sài Gòn từ thuở Nguyễn Cửu Đàm xây lũy Bán Bích đã là nơi thương cảng, đô hội. Cho đến khi người Pháp đến và vẽ nên những modul đô thị ven sông, lấy lõi trung tâm là nội đô được bao bọc bởi con rạch Thị Nghè, con sông Bến Nghé. Giờ thì thành phố “ngã ba sông” đang tiếp tục lưu chuyển. Cái còn cái mất cứ đan xen, bù đắp lẫn nhau, chỉ tiếc những dấu tích di sản còn sót lại, ngày một nhỏ nhoi bên phố xá, lặng khuất sau những đổi dời, rồi sẽ biến mất nếu cứ mãi thờ ơ, hời hợt mà bước qua nhanh, lạc mất những vùng ký ức thế hệ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất