, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 07/11/2018, 10:03

Vấn đề quản lý giống lúa hiện nay

Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Qua hàng ngàn năm lịch sử, cây lúa đã gắn bó mật thiết với người nông dân Việt Nam. Từ xa xưa ông cha ta cũng đã đúc kết về nghề nông “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để nêu rõ các yếu tố quan trọng trong việc trồng trọt cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng.

Ngày nay, khi thủy lợi đã giải quyết cơ bản việc tưới tiêu, thì yếu tố giống lại hết sức quan trọng, vì quyết định đến năng suất, chất lượng, sản lượng các loại cây trồng. Nhiều ý kiến cho rằng bây giờ phải đưa giống lên vị trí hàng đầu: “nhất giống” rồi mới đến các yếu tố khác.

Trên thực tế, cuộc cách mạng giống lúa đã góp phần quyết định đưa sản lượng lương thực Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên đứng vào tốp nhất, nhì xuất khẩu lương thực của thế giới (4 - 8 triệu tấn/năm).

Các viện nghiên cứu, các tổ chức (doanh nghiệp, trung tâm, trạm, trại) và cá nhân đã đầu tư nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc, thuần hóa... nhiều giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thích nghi với các vùng sinh thái để đưa vào sản xuất, được nông dân chấp nhận gieo cấy trên diện tích lớn.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu và được cơ quan quản lý giống cho đưa ra sản xuất một số giống lúa có hiệu quả. Tập đoàn Lộc Trời với giống lúa AGPPS 103, là giống có chất lượng gạo ngon nhất thế giới, đã lọt vào tốp 3 trong cuộc thi gạo quốc tế (2015).

Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo từ nghiên cứu, ứng dụng đến chuyển giao và phối hợp với người dân sản xuất. Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình cũng đã nghiên cứu thành công, đưa vào sản xuất trên diện tích rộng giống lúa BC15, TBR225.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc nghiên cứu, sản xuất và quản lý giống lúa ở các địa phương và ngành nông nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để việc sản xuất lúa đạt hiệu quả cao hơn.

Trên đồng ruộng hiện nay, kết quả khảo sát cho thấy, nông dân dùng quá nhiều giống lúa: Vụ lúa xuân ở nhiều tỉnh miền Bắc có đến 50 - 55 giống, vụ hè thu 40 - 45 giống; các tỉnh Nam bộ tuy ít hơn nhưng cũng đến hàng chục giống. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến tháng 08.2016, cả nước có đến 577 giống lúa được công nhận cho phép đưa vào sản xuất, trong đó có 276 giống lúa lai và 21 giống lúa nếp. Nguyên nhân của tình trạng đó là do có quá nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh giống.

Các quy định về việc công nhận giống lúa của Bộ NN&PTNT rất chặt chẽ nhưng công tác “hậu kiểm” thì gần như bỏ ngỏ. Vì thế, có một số giống lúa sau nhiều vụ sản xuất đã thoái hóa, tính thích ứng giảm, dễ nhiễm sâu bệnh nhưng không được loại thải kịp thời khỏi bộ giống đã công nhận. Việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và tổ chức chặt chẽ “Pháp lệnh giống cây trồng” số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24.03.2004 cũng thiếu tích cực, không thường xuyên nên nhiều nội dung chưa đi vào cuộc sống.

Để góp phần khắc phục các hạn chế trên, chúng tôi đề nghị:

Một là, “Pháp lệnh giống cây trồng” đã thực hiện gần 15 năm nên cần sơ kết, đánh giá để sớm ra một văn bản pháp luật mới, tốt nhất là “Luật Giống cây trồng” hay “Luật Trồng trọt”, trong đó quy định chặt chẽ việc công nhận giống, quản lý giống, xuất nhập khẩu giống, quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân hoạt động về giống cây trồng.

Hai là, khi xét công nhận các giống lúa nên ưu tiên các giống có chất lượng gạo ngon, thích ứng rộng, có thị trường xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, định kỳ kiểm tra và công bố loại thải những giống đã thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp để tinh gọn hơn bộ giống lúa Việt Nam.

Ba là, Bộ NN&PTNT nên có định hướng nhóm giống lúa chủ lực cho từng vùng sinh thái cả nước để các địa phương chỉ đạo bộ giống lúa gọn hơn, hiệu quả hơn (tham khảo kinh nghiệm Thái Lan, họ chỉ đưa ra 2 nhóm giống: gạo đặc sản và gạo xuất khẩu. Mỗi nhóm gạo chỉ khoảng 3 giống và quy định giống gốc do quốc gia quản lý).

Bốn là, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu đầu tư nghiên cứu thuần hóa, chọn lọc, lai tạo giống lúa và chuyển giao cho người sản xuất gắn với tiêu thụ gạo trong nước và xuất khẩu.

Năm là, đề nghị chính quyền các cấp tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực giống cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng. Quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra việc chấp hành văn bản pháp luật về giống, nhất là về công nhận, kinh doanh, sản xuất hạt giống...

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất