, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 05/10/2021, 17:04

Văn hóa biển gắn với làng nghề cá

PGS. TS NGUYỄN CHU HỒI (Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề Cá Việt Nam)
Biển nước ta trải dài theo hướng Bắc Nam và mở rộng từ bờ ra khơi xa, bao gồm vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa - là những ngư trường lớn ở Biển Đông.

Biển được xem là không gian sinh tồn, nên môi trường tự nhiên và các đặc trưng của biển đã tác động lên cuộc sống và hoạt động sáng tạo của con người, tạo nên các giá trị vật chất và tinh thần, nhận thức và thói quen trong các hoạt động: sinh kế, sinh hoạt, tâm linh, nghệ thuật, ứng xử sinh thái của người dân ven biển, trên các đảo và trên biển từ ngàn đời. Đây là nền tảng hình thành “Văn hóa biển” mang đặc thù của văn hóa nghề cá nhỏ với những khác biệt theo vùng miền.

Bắc bộ với nghề cá “đa loài”

Dù ba phần tư Tổ quốc ta là biển, đảo nhưng trong quá khứ, nghề cá nước ta phát triển mạnh ở khu vực Trung bộ. Ở Bắc bộ và Nam bộ kém phát triển hơn, có lẽ do người dân “bám” vào hai đồng bằng châu thổ màu mỡ để làm nông, có tâm lý “xa rừng, ngại biển”.

Theo một số nhà nghiên cứu, văn hóa biển khu vực Bắc bộ mang đậm nét “ven bờ”, có sự kết hợp hữu cơ giữa khai thác hải sản với canh tác nông nghiệp trên bờ, nên có tính “lưỡng nguyên”, thậm chí yếu tố biển không đậm nét trong văn hóa truyền thống, hoặc có văn hóa biển ở mức mờ nhạt nhất. Ngư trường phía Bắc gắn với vịnh Bắc Bộ, từ vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến ngang Thừa Thiên - Huế, nằm trong một miền khí hậu gió mùa có mùa đông lạnh, điều kiện thời tiết khí hậu và sinh thái biển khác hẳn miền Trung và Nam. Tính mùa vụ rõ hơn và tính vùng miền của nguồn lợi thủy sản cũng khác biệt, cả theo chiều dọc bờ biển, cả theo chiều ngang từ bờ ra khơi, chịu ảnh hưởng của các dòng dinh dưỡng từ châu thổ sông Hồng cùng với sự hiện diện của một số ngư trường tôm, mực ven bờ và các loài thủy đặc sản vùng triều. Vùng biển ven bờ Bắc bộ tập trung nhiều đảo (hơn 2.400 đảo lớn nhỏ), bờ biển khúc khuỷu nên có nhiều eo, vụng, tùng, áng... là nơi trú ngụ, sinh nở của nhiều thủy đặc sản như: bào ngư, ngao, ngán, cua, ghẹ, tu hài, sá sùng, cá rạn sạn hô... Đây là những tiền đề thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển ở Bắc bộ. Đặc biệt, các yếu tố “xuyên biên giới” trong nghề cá và môi trường ở vịnh Bắc Bộ biến tính theo mùa rất rõ nét.

Ngư dân phía Bắc, đa phần làm nghề cá nhỏ, khai thác ven bờ; khai thác và nuôi trồng thủy sản trên các bãi triều, trong các eo, vụng, vịnh nhỏ. Đánh bắt hải sản xa bờ chủ yếu ở ngư trường vịnh Bắc Bộ thuộc phía Việt Nam theo phân định biển năm 2000. Với cơ cấu nguồn lợi và quy mô nghề cá nhỏ, ra biển đánh cá dựa trên quan hệ “dòng tộc”, luôn đối mặt thiên tai, biến đổi khí hậu (hiện hữu gần đây) và đôi khi “nhân tai” nên ngư dân thường xuyên gặp rủi ro trong mỗi chuyến biển. Xưa kia tồn tại nhiều “vạn chài” hay làng chài ven biển gắn với các bến cá, nay các làng cá này đã được tổ chức lại thành các hợp tác xã, gồm cả ngư nghiệp, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ. Trong các thủy vực ven bờ (cửa sông, đầm hồ và phá), ví dụ gần đây ở phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), các làng chài hình thành các đơn vị cộng đồng ngư dân và tiến hành “đồng quản lý nguồn lợi thủy sản” mà thực chất là mô hình “nhà nước - nhân dân cùng làm, cùng hưởng”.

Gắn nghề cá với du lịch: tại sao không?

Từ xa xưa, ngư dân ven biển Bắc bộ được tổ chức thành các làng chài (vạn chài), điển hình ở những nơi không có thế mạnh phát triển nông nghiệp. Bản chất nghề cá của nước ta là nghề cá nhân dân, nghề cá nhỏ đan xen nghề cá thương mại với đặc trưng “nông dân đi đánh cá”, nên đa số ngư dân là thành tố của “nông hộ”, ít “ngư hộ” thuần túy. Ngày nay, mô hình tổ chức này phần lớn chuyển sang thành lập các hợp tác xã ngư nghiệp, nhưng tên gọi xưa vẫn còn, như 8 vạn chài rất điển hình (Vạn Sơn, Vạn Hương, Vạn Ngang...) ở quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Ở một số địa phương, như Thừa Thiên Huế, nghề cá nhỏ và ngư dân tiểu nghệ tồn tại từ bao đời, hình thành nên các “làng chài nổi” trên phá Tam Giang với hơn 10.000 “dân thủy diện”. Trong khi trên các eo, vụng, tùng, áng ở tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng có các “làng cá nổi” phát triển kế thừa từ các tổ hợp nuôi cá lồng bè, ngư dân sinh sống ở đây trong 3 - 4 đời (Cửa Vạn, Cống Đỏ, Đầu Bê...) Có thể nói, đó là các cộng đồng ngư dân (cộng đồng biển, đảo) có khả năng tự chủ, tự quản, tự điều chỉnh, tự ứng phó với thiên tai và nhân tai như bản chất gắn kết vốn có của các “vạn chài” xưa.

Người ngư dân khi bước chân xuống thuyền là “cột chặt” cuộc đời với cánh buồm và sẵn sàng đón nhận các rủi ro. Cuộc sống biển cả khắc nghiệt đã tạo cho ngư dân tố chất dám liều lĩnh, chấp nhận mạo hiểm, có bản lĩnh, dũng cảm và yêu biển quê hương, nên khi đối mặt với thử thách, các tố chất này chuyển thành “chất anh hùng”. Quốc gia biển phải có công dân biển, và trong bối cảnh “biển yên nhưng chưa ổn” thì ngư dân nước ta không chỉ là những “công dân biển” tiêu biểu, mà còn là lực lượng không thể thiếu trong bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta trên Biển Đông. Môi trường lao động “ăn sóng, nói gió” và quá trình mưu sinh của bao thế hệ ngư dân đã gắn họ với biển, dựa vào biển và bám biển, đối mặt với thiên tai và “nhân tai”, dần dần hình thành những nét văn hóa biển hòa quyện trên nền tảng của cộng đồng làng chài, của tâm thức trong sáng và tiếng nói “hồn cốt” của ngư dân. Nếu bảo tồn, khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa làng chài (cả giá trị vật chất và tinh thần), chúng ta hoàn toàn có thể biến chúng thành động lực phát triển, đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch biển, đảo, hướng tới tăng trưởng xanh.

Ở Bắc bộ, nhiều khu vực ven biển, đảo có các cảnh quan thiên nhiên đẹp. Dưới đáy biển, viền quanh các đảo là các rạn san hô tạo nên các cảnh quan ngầm kỳ thú. Nhiều giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo cần được bảo tồn, các giá trị lịch sử cần được tôn tạo và phát huy vai trò trong phát triển du lịch biển, đảo, như bến tàu “Không số”, các Đèn biển Long Châu, Hòn Dáu và Bạch Long Vĩ. Các giá trị khảo cổ học biển như văn hóa cổ Hạ Long, di chỉ tiền sử Cái Bèo, trận địa cọc Bạch Đằng... cũng gắn bó với hoạt động ngư nghiệp, đời sống và kinh nghiệm của ngư dân xưa. Ven biển Bắc bộ cũng có nhiều giá trị bảo tồn đã được quốc tế và quốc gia tôn vinh, công nhận và đang trở thành các điểm đến hấp dẫn của du khách, như: Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia ASEAN Bái Tử Long, Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô, Di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế...

Trong bối cảnh mới, cần chú trọng gắn phát triển nghề cá với du lịch biển đảo ngay trong các không gian văn hóa nói trên để tạo lợi ích “kép”. Trước mắt, chú ý gìn giữ và tôn tạo các “làng thủy cư” với nghề nuôi cá lồng bè, đăng xáo... để làm điểm đến tham quan của du khách; phát triển nghề cá giải trí (câu cá, đánh cá, nuôi cá, ngắm cá, du lịch lặn biển, xuất khẩu cá cảnh biển... phục vụ giải trí), xây dựng Công viên sinh thái biển tự nhiên và phát triển thủy sản sạch. Đó là các phương thức phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm theo hướng thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ngay trong các khu bảo tồn, các eo, vụng, tùng, áng nói trên. Thay vì đánh cá đi bán và nguồn lợi cạn kiệt, thì chỉ khai thác các giá trị “phi vật chất, giá trị chức năng” của các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, cá tôm còn nguyên.

Câu chuyện nghề cá giải trí ở Mỹ đã có từ lâu và thu nhập chỉ từ nghề cá này hằng năm bình quân là 20 tỷ USD. Ở nước ta, lặn biển ngắm cá rạn san hô đã bắt đầu từ 1994 ở vịnh Nha Trang, nhưng mãi gần đây mới mở ra một số địa điểm khác ở Côn Đảo, Phú Quốc. Chiến lược phát triển thủy sản đến 2020 được Chính phủ phê duyệt đã khuyến khích phát triển nghề cá giải trí, nhưng đến nay “phát nhưng chưa động” nên nghề cá giải trí vẫn chưa được phát triển và thị trường du lịch “lặn biển” chưa được hình thành theo đúng nghĩa của nó.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất