, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 08/11/2022, 10:35

Vấn nạn rác thải nhựa ở Ấn Độ: Cần một “cơn sóng thần” để tạo ra sự thay đổi

MINH TRÍ
(theo Deutsche Welle)
Rác thải nhựa là một nguồn ô nhiễm đáng kể tại Ấn Độ, nhưng nước này lại chật vật trong việc tìm nguồn thay thế nhựa sử dụng một lần và một hệ thống xử lý rác thải hiệu quả.

Cách đây 3 tháng, chính quyền Ấn Độ ra lệnh cấm 21 sản phẩm làm bằng nhựa sử dụng một lần (SUP) như dĩa, chén, cốc nước, dao, ống hút, bao bì đóng gói và vỏ ngoài bao thuốc lá.

Đây là một biện pháp xử lý tình trạng rác thải nhựa ngày càng cao và tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhưng rác thải nhựa vẫn tràn lan khắp Ấn Độ. 

“Vấn đề là dù chính phủ trung ương ra lệnh cấm, việc tuân thủ lệnh này hay không còn tùy thuộc chính quyền cấp bang và ủy ban kiểm soát ô nhiễm của mỗi bang”, theo ông  Ravi Agarwal, chủ nhiệm tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ Toxics Link. 

Ấn Độ sử dụng khoảng 14 triệu tấn nhựa/năm, không hề có ý kiến gì để chặn việc sử dụng SUP và không có biện pháp xử phạt nào tiếp sau lệnh cấm. Các sản phẩm SUP vẫn tiếp tục lưu thông. 

Trong một thông báo, ông Tanmay Kumar, chủ tịch Hội đồng Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương (CPCB) cho biết, bất chấp lệnh cấm, việc sử dụng SUP - nhất là túi đựng hàng hóa mỏng - vẫn tiếp tục chưa giảm hạ trong nền kinh tế quốc gia. 

“Chúng tôi đã chỉ đạo phải tuân thủ lệnh cấm thật nghiêm ngặt, chú ý đến người bán hàng rong, các chợ rau quả và các chợ địa phương, đồng thời kiểm tra- rà soát ở các vùng biên giới cùng các ngành công nghiệp liên quan”, theo một quan chức cấp cao ở CPCB nói với báo Đức Deutsche Welle (DW).

Sản phẩm nhựa sử dụng một lần quá nhiều - Ảnh: Reuters

Cần có các giải pháp thay thế ít tốn kém

Hồi năm 2021, một ủy ban chính phủ đã xác định danh mục SUP bị cấm, căn cứ theo chỉ số tiện ích thấp của chúng trong khi mức độ tác động xấu đến môi trường lại cao. Mảng nhựa dùng cho các sản phẩm bằng SUP này chỉ chiếm chưa tới 2% trong tổng lượng rác thải nhựa ở Ấn Độ. 

Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố chính phủ của ông sẽ tích cực hướng tới việc loại bỏ nhựa. 

Nhưng theo DW, các chuyên gia cảnh báo “đấy sẽ không là một nhiệm vụ dễ dàng”, vì tính ra mỗi ngày có gần 26.000 tấn rác thải nhựa trên toàn Ấn Độ, trong đó có hơn 11.000 tấn không được thu hồi để xử lý.

Ông Agarwal của tổ chức Toxics Link nhấn mạnh rằng một thách thức cấp thiết là chính phủ cần phải có các giải pháp rẻ tiền để thay thế những sản phẩm SUP.

Ông Bharati Chaturvedi, người lập và làm chủ tiệm Nhóm Nghiên cứu Môi trường và Hành Động Chintan, đề cập việc không có những khoản đầu tư thích đáng để người dân thôi dùng sản phẩm SUP và chuyển đổi sang việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. 

Ông nói thêm: “Vào lúc rác thải nhựa tràn lan đi cùng thế lực của ngành nhựa, thì cần phải có một cơn sóng thần để tạo ra sự thay đổi. 

Rác thải nhựa ném xuống hồ gây ô nhiễm - Ảnh: AP

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động nhiều nhất

Hiện tại, mức tiêu thụ nhựa mỗi đầu người/năm ở Ấn Độ là 11kg, vẫn còn thấp nhất so với thế giới: mức sử dụng nhựa trung bình của toàn cầu hiện là 28 kg/năm.

Từ năm 2020 - 2021, Ấn Độ sản xuất khoảng gần 3,5 triệu tấn nhựa, theo các số liệu chính phủ tổng hợp từ số liệu của 28 bang và 8 vùng lãnh thổ. 

Theo đó, bang Maharashtra đứng đầu bảng khi chiếm 13% trong tổng số nhựa được sản xuất trong thời gian vừa nêu. Tiếp đến là hai bang Tamil Nadu và Punjab đều chiếm 12% mỗi bang. 

Trong khi đó, khả năng tái chế nhựa của Ấn Độ là 1,56 triệu tấn/năm, tức chỉ bằng một nửa so với tổng số nhựa được sản xuất. 

Theo DW, Ấn Độ thiếu một hệ thống xử lý rác thải nhựa hiệu quả, hậu quả là rác thải bừa bãi khắp nơi, với chai, túi nhựa... được đưa vào bãi rác hoặc bị ném xuống sông, xuống biển, đe dọa sự sống của các loài tự nhiên. 

Nghiêm trọng hơn, lệnh cấm SUP tác động xấu đến các mảng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong ngành nhựa, và rủi ro mất việc làm hàng loạt cũng đã bị bỏ mặc. 

Để lệnh cấm SUP đạt hiệu quả, các chuyên gia trong ngành đang kêu gọi chính phủ Ấn Độ phân tích thấu đáo về hai mặt lợi và hại về kinh tế và môi trường, để sau đó có thể lập ra một kế hoạch giải quyết các tác động về xã hội và kinh tế. 

“Chúng tôi muốn một Ấn Độ sạch và sẵn sàng chuyển đổi. Nhưng tại sao không chú ý đến cội rễ của vấn đề là rác thải nhựa. Chúng tôi cần cải thiện khâu phân loại rác thải và tăng số cơ sở hạ tầng tái chế”, là nhận định của ông Deepak Ballani, tổng giám đốc Hiệp hội các Nhà sản xuất Nhựa Toàn Ấn (AIPMA).

AIPMA, là một trong những tổ chức thương mại lớn nhất đại diện ngành nhựa, đã kiến nghị chính phủ Ấn Độ lùi thời hạn chót loại bỏ SUP trong năm 2022 sang năm 2023, do các công ty sản xuất đang phải đối mặt tình trạng kiệt quệ kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. 

Nhưng tất cả các bên liên quan - nhà sản xuất nguyên liệu, nhà sản xuất nhựa, các công ty hàng tiêu dùng - đều phải có vai trò giúp lệnh cấm SUP đạt thành công. 

“Đó là các thách thức. Còn có những kháng cự chính trị tại vài bang và cũng vì chính quyền các bang không nỗ lực tuân thủ lệnh cấm”, là nhận định của chủ nhiệm chương trình Atin Biswas của Trung tâm vì Khoa học và Môi trường Ấn Độ.

Bà Chandra Bhushan, tổng giám đốc Diễn đàn Quốc tế vì Môi trường, Bền vững và Công nghệ, tỏ ý nghi ngờ lệnh cấm SUP của Ấn Độ vẫn chưa đủ để loại bỏ các sản phẩm SUP.

Bà nói: “Cần có những giải pháp thay thế dễ thực hiện, cũng như cần có các cải thiện ở khâu xử lý rác thải nhằm đạt được kết quả”. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất