, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/09/2021, 14:11

Vàng son một thuở nghề quỳ vàng

ANH PHƯƠNG

Thế là đã hai năm rồi, làng Kiêu Kỵ (một làng cổ thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) không được tổ chức lễ khai tràng vì phải phòng tránh dịch Covid-19. Ngày 12 tháng Giêng Tân Sửu, chính hội, ngoài tiếng trò chuyện khe khẽ của chúng tôi với ông thủ từ, chỉ còn tiếng lá bồ đề rơi xạc xào trong nắng trên mái đình xưa. 

Đền, đình Kiêu Kỵ đã được cấp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Nghề làm vàng quỳ xuất hiện ở Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm. Chuyện kể rằng dưới thời vua Lê Cảnh Hưng, vị quan chánh sứ tên Nguyễn Quý Trị trong một lần được phái sang Trung Quốc đã học được nghề dát dập vàng bạc và mang về truyền lại cho dân làng Kiêu Kỵ. Rồi ngày 17/08 âm lịch một năm nọ, ông bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Dân làng Kiêu Kỵ suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề làm vàng quỳ và lấy ngày ông ra đi làm ngày giỗ hàng năm. Ngoài ngày giỗ Tổ nghề, làng còn duy trì tục lệ khai tràng (lễ khai búa đập quỳ) vào ngày 12 tháng Giêng. Trước hôm lễ khai tràng 1 - 2 ngày, các gia đình theo nghề mang lễ vật đến cúng Tổ nghề tại nhà tràng. Đúng ngày, làng mở hội, sau đó nhà nào về nhà đó làm nghi thức “khai tràng”, chính thức bắt đầu một năm sản xuất kinh doanh. 

Không như nhiều nghề khác tồn tại ở nhiều nơi, nghề làm vàng quỳ cho đến nay vẫn chỉ là “độc quyền tự nhiên” của làng Kiêu Kỵ. Tương truyền Tổ nghề Nguyễn Quý Trị đã có lời dặn không truyền nghề ra ngoài. Cũng có thể do đây là nghề liên quan đến kim loại quý; cần đến hàng loạt nguyên vật liệu và dụng cụ đặc thù, nhiều công đoạn phức tạp, nên có muốn học theo cũng chẳng dễ gì. Theo nghệ nhân Lê Bá Chung, bậc thầy của nhiều thế hệ làm nghề trong làng, làm vàng quỳ, nhất là loại quỳ cựu (làm từ vàng/bạc thật, khác với quỳ tân được làm từ kim loại màu khác, chủ yếu là thiếc) là khó nhất. Để tạo ra sản phẩm, khoảng 40 công đoạn phải được thực hiện theo thứ tự rất nghiêm ngặt, không khác gì thợ kim hoàn. Nhưng quả là “nhất nghệ tinh”, hầu hết các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài khắp cả nước; các dự án phục hồi di sản văn hoá, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đều phải tìm đến Kiêu Kỵ để đặt mua, đặt làm vàng quỳ.

Do phải phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên nhà tràng năm nay vắng vẻ lạ thường trong ngày chính hội.

Trong các loại quỳ vàng, bạc làm theo lối cựu, lối tân thì quy trình làm quỳ cựu phức tạp hơn cả. Đầu tiên là phải làm lá quỳ. Kén loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, “lướt” nhiều lần bằng mực (chế bằng bồ hóng, trộn với keo da trâu), giúp cho giấy bền chắc. Cắt thành miếng vuông, đem hong trên lá vả khô. Những tờ giấy này lại được xếp vào thành từng quỳ 500 tờ, rồi lấy đai buộc chặt lại và tiến hành đập một hồi lâu. Sau đó lại dỡ ra từng lá và lại lướt mực lên, rồi phơi lên lá vả cho khô… Làm 3 lần như vậy mới được giấy quỳ giống.

Dùng những thỏi vàng thật, đập thành những dải dài và mỏng (gọi là đập diệp), cắt thành những hình vuông nhỏ (gọi là cắt dòng) rồi đặt xen kẽ vào lá quỳ, gói lại bằng vải dường bâu Nam Định, đặt lên đe bằng đá. Dùng loại búa chuyên dụng đập đều, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Thợ giỏi có thể dàn mỏng một chỉ vàng thành 980 lá, có tổng diện tích hơn 1m2. Thợ lành nghề cũng phải đập trên 400 nhát búa (trong khoảng 1 tiếng đồng hồ) liên tục cho một quỳ vàng. Đây cũng là công việc khó nhất, đòi hỏi cả kỹ năng và sức khoẻ.

Công đoạn cuối cùng là nhẹ nhàng gỡ các lá vàng bạc mỏng dính ra, rồi lần lượt kẹp vào giữa các miếng giấy bản nhỏ có quỳ vuông 5cm2, cho đến khi đủ một quỳ (500 lá) thì niêm phong thành gói. Người thợ dùng bay mỏng, làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang, xoa phấn rôm vào tay. Ngày trước, nhà xưởng chưa thật kín, thợ phải ngồi trong màn, vì lá quỳ sau khi hoàn tất là một tấm vàng mỏng, nhẹ bay như hơi thở, bóp nhẹ trên tay sẽ tan thành bụi. 

Tượng tổ nghề Nguyễn Quý Kỵ.

Thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một. Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là từ khi mở cửa hội nhập, các công trình văn hóa, các di tích lịch sử, thậm chí các công trình của tư nhân được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, bạc quỳ. Nhờ đó, nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ hồi sinh và phát triển khá tốt. Hiện tại đây có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng, bạc quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất