, //, :: GTM+7

'Vàng trắng' ở Sơn La – Bình minh bắt đầu bừng sáng!

MẠNH TIẾN - KIM CHÂU

Ở nước ta, cây cao su được mệnh danh là “vàng trắng” và được trồng nhiều nhất ở miền Đông Nam Bộ. Ngược rừng Tây Bắc, cao su về quê mới, giờ đã xanh trên đất Sơn La. Qua 14 năm vỡ đất trồng cây, qua mùa kiến thiết, qua những thăng trầm với tháng năm, đến nay năm 2021, Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đã có 3,9 nghìn hecta đi vào khai thác nhựa, dự kiến doanh thu trên 200 tỷ đồng, là năm đầu tiên “vàng trắng” Sơn La cho lợi nhuận.

Vườn cây cao su của Công ty CP cao su Sơn La.

Cao su - cây đa chức năng với công cuộc xóa đói giảm nghèo

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi trở lại Sơn La để chia vui với vùng thủ phủ cây trái miền Tây Bắc. Bên cạnh vườn cây ăn trái là những lô cây cao su xanh tốt nhấp nhô theo những triền đồi đẹp như một bức tranh. Nhớ lại, từ cuối những năm 2000, lãnh đạo tỉnh Sơn La và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã ấp ủ, mở hướng liên kết giữa Công ty CP Cao su Sơn La và người nông dân góp đất (đóng cổ phần) trồng và chế biến cao su, cây công nghiệp được mệnh danh là “vàng trắng”.

Dự án phát triển cây cao su tại tỉnh Sơn La nằm trong chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Ngày 3/6/2009Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số: 750/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 và trong đó nêu rõ 5 vùng trồng cao su, ở Tây Bắc dự kiến đạt 50.000ha. Như vậy,chính nhờ Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định việc đi trước đón đầu chủ trương lớn của Chính phủ về phát triển cao su ở các tỉnh Tây Bắc mà tỉnh Sơn La và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là đúng đắn chính xác.

Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La Trương MinhTuấn hướng dẫn công nhân cao mủ cao su.

Do nắm bắt chủ trương lớn trên nên ngày 21/12/2007 UBND tỉnh Sơn La ra Quyết định số: 3079 về định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu là đến năm 2020, Sơn La sẽ có 10.000ha. Bởi vì cây cao su được xác định là cây công nghiệp dài ngày đa mục tiêu: Giúp tăng độ che phủ rừng; đảm bảo hệ sinh thái, môi trường rừng, hạn chế tình trạng lũ ống, lũ quét; góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Ngày 27/7/2007, Công ty Cổ phần Cao su Sơn La được thành lập. Cổ đông của Công ty ngoài các thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, còn có hơn.6.000 hộ gia đình tại 123 bản thuộc 18 xã của 6 huyện trên địa bàn tỉnh là cổ đông góp 6.039ha đất trồng cao su.

Ước mơ lớn, nhưng khi thực hiện dự án Công ty CP cao su Sơn La cũng đã gặp nhiều khó khăn trở ngại. Phần do thời tiết khí hậu, phần do giống cây, phần vì thiếu vốn, phần thì không có đất vì phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Nhưng gian nan nhất là lòng người chưa vững tin, lại gặp khi thị trường rớt giá, càng làm cho dự án khó thành công với kế hoạch ban đầu 10.000ha. Những thăng trầm của cây cao su trên đất Sơn La 14 năm qua chính là lo âu của người dân, liệu cây cao su có trở thành “vàng trắng” như ước vọng?

Khi rừng cao su chưa qua “tuổi vị thành niên”

Ở Công ty CP cao su Sơn La, có nhiều thế hệ cán bộ công nhân của các tỉnh phía Nam được điều động về đây. Ông Trương Minh Tuấn hiện là Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc Công ty, cũng được Tập đoàn Cao su bổ nhiệm về Sơn La mới được 2 năm, gia đình vợ con ông hiện ở huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương. Ông tâm sự: “Còn mấy năm nữa đến tuổi nghỉ hưu cũng không muốn xa gia đình, nhưng tổ chức phân công thì mình phải hoàn thành nhiệm vụ.”

Là người lớn tuổi trong Ban lãnh đạo của Công ty, ông Tuấn cũng có thâm niên trong nghề hơn 39 năm . Ông chia sẻ: “Một đời cây cao su cũng gần bằng một đời người công tác. Phải mất tới 7 - 8 năm mới xong thời kỳ kiến thiết cơ bản, vườn cây cao su cho khai thác từ 20 - 25 năm, một đời vườn cây trên 30 năm thì có thể thanh lý gỗ”.

Câu chuyện về các thế hệ cán bộ công nhân Công ty Cao su CP Sơn La từ người Tổng Giám đốc đầu tiên Võ Nhật Duy, “đi mở đất” nối tiếp nhau gắn bó với mảnh đất này rất dài. Nhưng đời cây cao su ở Sơn La thì hãy còn trẻ lắm. Tổng Giám đốc Trương Minh Tuấn ví von cao su ở đây đang ở tuổi “vị thành niên, chưa dậy thì con gái”. Vậy phải làm thế nào để có hiệu quả cao khi vườn cây mới qua mùa kiến thiết, một số lô mới khai thác cách đây 3 - 4 năm, chưa phải lúc vườn cây “dậy thì” cho dòng “vàng trắng”?

Khi chưa có lợi nhuận từ việc khai thác mủ cao su, thì cuộc sống của người công nhân đã ổn định và nâng cao thu nhập gắn với thu nhập của Công ty, đồng thời được hưởng nhiều công trình phúc lợi, an sinh xã hội, từ chương trình trồng cao su mang lại. Chỉ tính từ năm 2007 đến năm 2018 chương trình cây cao su trên địa bàn Sơn La đã được đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Là chương trình nông nghiệp, nông thôn được đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh thời gian qua . Riêng ngân sách tỉnh Sơn La cũng đã chi trên 185 tỷ đồng hỗ trợ cho dự án cao su.

Trong những tháng năm chờ vườn cây khép tán, chưa vào mùa cạo mủ, công việc của người công nhân nhàn rỗi, Công ty chưa có doanh thu, nên mức lương bình quân của người lao động chỉ từ 2 - 2,4 triệu đông/ tháng. Để cải thiện đời sống cho công nhân, Công ty đã cho công nhân vay vốn mua 2.000 con bò để chăn nuôi và trồng được hàng trăm hecta cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Công ty đã hỗ trợ người dân trồng xen ngô trên đất cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản với tổng diện tích theo mùa vụ  lũy kế hàng năm hơn 14 nghìn ha cũng giúp người dân cải thiện đáng kể mức thu nhập. Ngoài ra, còn có không ít hộ gia đình ở Công ty đã nuôi ong dưới tán rừng cao su cũng cho thu nhập khá. Nhưng cũng còn không ít những gia đình công nhân , vì nhiều lý do mà cuộc sống còn khó khăn, họ không chờ đợi được đến mùa cây nhả nhựa.

Công nhân cạo mủ cao su.

“Vàng trắng” Sơn La -  mùa trút nhựa

Năm 2016, một dấu son đậm nét đến với Công ty CP Cao su Sơn La khi chính thức đưa diện tích 150ha cao su đầu tiên vào khai thác và đã đạt được sản lượng 300 tấn mủ đông, vượt 170% kế hoạch Tập đoàn cao su giao. Năm 2017, số diện tích cho khai thác đã tăng 914ha, sản lượng mủ đã đạt 1.500 tấn mủ đông, vượt 37,5% kế hoạch giao. Mức thu nhập bình quân của công nhân đạt 3,6 triệu đồng/tháng.

Nhưng niềm vui chưa kịp đến thì nỗi buồn đã ập xô khi cao su rớt giá, giá trị sản phẩm cho cổ đông chẳng được bao nhiêu. Cổ đông có người hiểu, nhưng có người chưa hiểu, trách nhiệm của Công ty không chỉ lo cho đời sống của người lao động, mà còn phải chắt chiu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su, để nâng giá trị cao su lên cao, không phải bán mủ thô, phụ thuộc vào sự lên xuống bấp bênh của thị trường.

Ngày 28/10/2018, Nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La đã được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư gần 74 tỷ đồng, tại xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, có công suất chế biến 6.000 tấn mủ/năm,đây là nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên ở khu vực Tây Bắc với thiết bị chủ yếu của Nhật và các nước EU, G7, xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh, nước thải ra cột A theo tiêu chuẩn QCVN:01-MT:2015 BTNMT.

Từ khi có nhà máy chế biến mủ đi vào hoạt động sản lượng mủ cao su không còn phải bán theo giá thô, sản phẩm cao su của Sơn la với chất lượng tốt có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ chế biến mủ cao su của Công ty, nhà máy còn là hổ trợ gia công sản phẩm cho các Công ty cao su của vùng Tây Bắc, giúp cho cây cao su bén rễ xanh tươi trụ vững miền biên cương Tổ quốc, giúp cho người công nhân cao su đến gần hơn với cơ hội đổi đời.

Cuối những câu chuyện buồn của cao su Sơn La theo những tháng năm dài, bây giờ chúng tôi trở lại nơi đây là lúc bình minh “vàng trắng” mùa cao su trút nhựa. Chuyện vui của cây cao su Sơn La để lại trong chúng tôi những con số biết nói, diện tích thu hoạch nhựa đã đạt 3,9 nghìn hecta trên toàn bộ diện tích 6.039ha. Năng suất mủ cao su bình quân 1,14tấn/ha, có những lô thu hoạch năm thứ 3, thứ 4 sản lượng mủ đã đạt 1,8 tấn/ha. Năm 2021, dự kiến sản lượng mủ cao su đạt 4.700 tấn (tăng 1500 tấn so với năm 2020), gia công chế biến cho các Công ty Tây Bắc 2.600 tấn mủ cao su, đưa sản lượng mủ cao su về nhà máy chế biến đạt 7.300 tấn vượt công suất thiết kế 1.300 tấn.

Không chỉ mùa cao su trút nhựa cho sản lượng nhiều hơn, cao su năm nay cũng được giá  từ 35 - 37 triệu đồng/tấn (tăng 7 - 10 triệu đồng/tấn so với năm 2020). Dự kiến doanh thu năm nay Công ty CP Cao su Sơn La đạt trên 200 tỷ đồng gấp 2 lần so với năm 2020. Cao su Sơn La dòng “vàng trắng” đang tuôn chảy, đây là năm đầu tiên sau 14 năm xây dựng, mang về dấu ấn Công ty Cao su Sơn La đã bắt đầu có lãi - như ánh bình minh xóa tan màn đêm mở ra ngày mới đầy hy vọng… Công ty có lãi thu nhập của người lao động cũng được nâng lên, dự kiến lương bình quân đạt 5 - 6 triệu đông/tháng, tăng khoảng 20 - 25 % so với mức lương năm 2020.

Bây giờ thì rừng cao su Sơn La đã bước vào tuổi 10 - 15 năm, như người thiếu nữ “tuổi dậy thì” khoe nét đẹp giữa núi rừng Tây Bắc. Dòng “vàng trắng” Sơn La đang tuôn chảy góp phần vào công cuộc xóa đói giảm ngèo, xây dựng Nông thôn mới!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất