, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 25/01/2022, 06:10

Về Bình Lãng thăm làng trống Bình An

TUẤN ANH
Nằm cách TP.HCM khoảng 50km, làng trống Bình An (xã Bình Lãng huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vẫn âm thầm giữ lửa nghề truyền thống mặc bao thăng trầm của thời cuộc. Trải qua hơn 170 năm hình thành và phát triển, làng trống Bình An đã tạo nên thương hiệu vang danh khắp khu vực ĐBSCL và cả nước.
 
 
 

Tại đây, có nhiều dòng họ làm nghề trống với nhiều nghệ nhân nổi tiếng như ông Nguyễn Văn Lương (Út Lương), Đặng Văn Đặng (Tám Đặng), Nguyễn Văn Mến (Năm Mến), Ba Khía… nhưng nổi tiếng nhất là dòng họ Nguyễn Văn với việc nắm giữ kỹ thuật bịt trống mang đậm dấu ấn gia truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác… Tiêu biểu cho dòng họ Nguyễn Văn là ông Nguyễn Văn Mến chủ cơ sở bịt trống Năm Mến, cơ sở làm trống được thành lập đầu tiên ở làng nghề Bình An. Ông Nguyễn Văn Mến (sinh năm 1948) - một trong những người cao tuổi nhất làm nghề trống của dòng họ Nguyễn Văn (ấp Bình An, xã Bình Lãng) đã bắt đầu theo đuổi nghề trống từ năm 16 tuổi với sự hướng dẫn của cha mình là ông Nguyễn Văn Tình (1923 - 1987). Ông Tình cũng theo học nghề từ cha là ông Nguyễn Văn Tịnh, cha ông Tịnh là ông Nguyễn Văn Tuy - chính là người đầu tiên đưa nghề làm trống về Bình An. 

Theo gia đình kể lại thì ông Tuy trong một lần đi bán nước mắm ở Rạch Gầm - Xoài Mút (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay) thấy trong chợ có ông thợ đang làm trống nên lân la tìm hiểu. Về quê, ông thấy sau khi giết mổ trâu người ta bỏ da trâu đi, nhớ đến người thợ làm trống ở chợ, ông bèn nghĩ cách đóng cọc, làm trống. Để làm tốt hơn, ông đã khăn gói lên đường về Tiền Giang học làm trống, rồi từ đó theo nghiệp làm trống luôn. Ông đã truyền nghề cho nhiều thanh niên trai tráng trong làng, khiến Bình An từ một làng chuyên về nông nghiệp đã từng bước trở thành một làng nghề thủ công truyền thống. 

 
 
 
 

Cơ sở Năm Mến nổi tiếng về chế tác các loại trống ngoại cỡ, có đường kính rất lớn. Chiếc trống lớn nhất làng nghề từng làm có đường kính hơn 1,7m, chiều dài gần 3m. Còn chiếc trống trong chương trình Một thoáng Việt Nam tại Củ Chi thì có đường kính 1,5m, dài 2,7m. Đối với những chiếc trống có đường kính lớn như thế, nghệ nhân phải tìm được mảnh da trâu nguyên vẹn không tì vết rộng khoảng 2m2 mới bịt trống được. Tang trống dài, chu vi lớn nên phải ghép bằng những thanh gỗ lớn được bào mỏng và uốn cong bằng lửa (gọi là dăm) và phải làm chủ được nhiệt độ để khi ghép lại các thanh dằm phải đều, khít, không cong vênh. Đối với loại trống nhỏ hơn cỡ 1,2m thì người thợ sẽ sử dụng gỗ nguyên khối rồi bào rỗng ruột.

Ông Tám Đặng, người đã đeo đuổi nghề này hơn 40 năm cho biết thợ làm trống phải thật kiên nhẫn. Họ phải học cách sử dụng thành thạo hơn 50 loại dụng cụ khác nhau, để thực hiện 20 công đoạn lớn nhỏ trong quá trình làm trống. Có thể kể một vài công đoạn như: chính đục và bào dăm trống (tức thanh gỗ dài làm thân trống), niềng khuôn ghép thân trống, đóng môi dây mây (ghép các thanh gỗ - dăm lại thành hình khung trống và niềng lại bằng dây mây, căng da mặt trống)…Trong đó, công đoạn quan trọng nhất là làm thùng và bịt da trống. Để bịt trống, phải lựa chọn lớp da lớn, không có vết xước. Lớp da sau đó được căng đều và cố định bằng đinh tán. Sau khi thẩm âm, trống đạt chất lượng sẽ được nghệ nhân tạo hoa văn mặt trống bằng kỹ thuật mài dao trên da trâu. Mỗi loại trống vì vậy có mỗi hoa văn khác nhau, tùy thuộc cảm xúc, thẩm mỹ của người thợ. Hoa văn trống giá trị nằm ở chỗ độc bản.

 
 
 
 

Chiến tranh ly tán, vật đổi sao dời, cuộc sống khó khăn, nhiều người vì mưu sinh rời bỏ làng quê lên thành phố lập nghiệp, nghề làm trống đã từng có thời đứng trước ranh giới của lụi tàn. Những hộ làm nghề nhỏ lẻ ở Bình Lãng rơi rụng dần, khoảng 20 hộ làm nghề còn sót lại cũng long đong theo từng đơn hàng suốt một thời gian dài kể từ năm 1975 đến những năm 1990. Khi kinh tế dần ổn định, nhu cầu giải trí của người dân được chú ý hơn, thì làng nghề cũng ổn định hơn. Những chiếc trống được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề từ đó mới có điều kiện tỏa đi mọi miền đất nước. 

Hiện nay, lưu giữ nghề làm trống truyền thống đang là vấn đề “nóng hổi” bởi những người thợ lành nghề tuổi đã cao, lớp kế cận thì “quá mỏng”. Nghệ nhân Nguyễn Văn An (45 tuổi) chủ cơ sở làm trống Tư An là con trai của ông Năm Mến, cũng là đời thứ năm của dòng họ tiếp bước giữ lửa nghề này. Anh đã tạo ra các sản phẩm gây tiếng vang lớn, đạt được nhiều giải thưởng như chiếc trống lân màu xanh ngọc bích được Bộ Công thương công nhận là 1 trong những sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực của tỉnh Long An năm 2020 khu vực dự thi từ Bình Thuận đến Cà Mau. Anh cho biết anh rất mong có thể tiếp bước cha mình mở các địa điểm đào tạo nghề cho người dân địa phương. 

 
 
 
 

Thời kỳ hoàng kim, vào các dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu và năm mới, làng nghề cả ngày vang tiếng đục đẽo, tiếng trống cắc tùng. Trong nhà ngoài ngõ chộn rộn tiếng bạn hàng í ới, nhộn nhịp người xe bưng bê, vận chuyển ngược xuôi đưa trống đi tiêu thụ khắp nơi. Những loại trống thông dụng như trống Cái, trồng Chầu, trống Cơm… trống phục vụ nhạc lễ, tín ngưỡng tôn giáo đặt tại các đình chùa cho đến các loại trống dành cho các đoàn lân, các loại trống Trung thu được tiêu thụ rất mạnh. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không khí làng nghề khá trầm lắng. Tuy nhiên, anh vẫn có niềm tin tiếng trống sẽ trở lại rộn rã cùng với sự khởi sắc của làng nghề trong thời gian tới.

 

 
 

Bài viết: TUẤN ANH

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất