, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 11/08/2018, 09:48

Về cù lao Tân Lộc thăm ngôi nhà cổ

Từ trung tâm thành phố Cần Thơ theo quốc lộ 91B xuôi về hướng Long Xuyên (An Giang), khoảng 40 cây số hơn, du khách sẽ đến trung tâm của huyện Thốt Nốt, xuồng phà, bênh bồng trên sông Hậu một thời gian ngắn sẽ sang đến cù lao Tân Lộc. Cù lao này đã nổi lên mặt nước cách nay trên dưới 400 năm do sự bồi lắng của phù sa cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về.
 
Khí hậu mát mẻ, sông nước trong lành, cây trái quanh năm tươi tốt..., Tân Lộc trở thành nơi “đất lành chim đậu”, và từ hàng trăm năm trước vùng đất giữa bốn bề sông nước này đã thu hút đông đảo cư dân về đây sinh sống. Đặc biệt, có nhiều quan chức, địa chủ giàu có ở Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc tìm đến mua đất đai, xây dựng nhà cửa để an dưỡng,...
 
Ngôi nhà cổ nổi tiếng của ông Hội đồng Trần Thiên Thoại (khu vực Tân An) tọa lạc trên diện tích 10.000m2 do chính ông đứng ra xây dựng năm 1935. Được sự bảo dưỡng của con cháu qua các thế hệ, ngôi nhà hiện vẫn còn giữ được kiến trúc, từ màu nước vôi quét tường đến nội thất.

 

Toàn cảnh ngôi nhà xưa của cụ Sáu Thế
Toàn cảnh ngôi nhà xưa của cụ Sáu Thế
 
Hiện ông Trần Bá Thế  (Sáu Thế, con trai thứ 6 của ông Thoại) trông giữ ngôi nhà này. Năm nay 96 tuổi, nhưng ông Sáu Thế vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Là cháu đời thứ 7 của tổ tiên từ miền Trung vào đây lập nghiệp, ông Sáu Thế kể lại:
 
Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) bôn tẩu Tây Sơn, trú quân ở Bảo Tiền, Bảo Hậu (nay là Lai Vung, Đồng Tháp). Một lần, vua tôi sang thôn Tân Lộc, chúa Nguyễn Ánh thấy phong cảnh đẹp nên để lại một số thuộc hạ vừa làm tai mắt dò xét đường đi nước bước của Tây Sơn, vừa khai hoang lập ấp. Trong số những người định cư có ông Võ Văn Huấn - một viên quan của chúa Nguyễn Ánh đổi họ là Trần Văn Huấn - chính là ông tổ 7 đời của ông Trần Bá Thế...
 
Vừa vào cổng người tham quan sẽ thấy ngay những gốc cổ thụ lớn, mà theo cụ Sáu Thế thì nó còn có trước cả ngôi nhà này. 4 gốc lớn đáng kể nhất là gốc khế, gốc cà văm, gốc vừng (lá non cây này ăn bánh xèo được) và gốc sộp.
 
Hàng cột phía trước chống đỡ mái với hoa văn tinh xảo. Vách tường nhà nhà xây tường 20 (2 lớp gạch tiểu xưa), giữa trét bột ô dước. Nhà được xây dựng theo lối ba gian, hai chái. Hiện ba gian nhà đều có bàn thờ gia tiên, thờ hai ông bà thân sinh của cụ Sáu Thế (dân gian quen gọi là Hội đồng Hộ).
 
Trên 2 cánh cửa mặt trước chiếc tủ khảm xà cừ có hai bài thơ chữ Hán trích trong khúc “Thanh bình điệu” của Tiên thi Lý Bạch (701 - 762) - nhà thơ lỗi lạc thời Đường (Trung Quốc)... Trên vách cũng còn cặp sừng động vật rất đáng chú ý, dù chưa xác định là sừng dê, linh dương hay sừng của loài thú nào đó. Theo ông Sáu Thế, xây ngôi nhà tốn 7.000 đồng Đông Dương - số tiền có thể mua hàng ngàn con trâu thời bấy giờ.

 

 
Phía trước nhà là chiếc bàn tròn cẩn xà cừ, những chiếc tủi đứng, những cái ghế, cái tủ đều có tuổi tương đương với căn nhà này, … Nền nhà lát gạch bông loại nhỏ đến nay vẫn còn nguyên vẹn cả sắc màu lẫn độ bền chắc.
 
Một lần đến nơi này để thấy được dáng dấp người xưa. Hơn nữa, sự niềm nở của cụ ông sống gần trọn thế kỷ phần nào giúp chúng ta hiểu được tính cách thẳng thắn mà cỡi mở trọng tình, trọng nghĩa, quý khách của người dân miệt sông nước Cửu Long giang.
 
Tửu Hoàng

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất