, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 11/02/2017, 10:21

Về rằm

TRUNG TÂM
Một nghi thức giỗ Tổ của người Việt.
Một nghi thức giỗ Tổ của người Việt.

Thuở bé, cứ đến rằm tháng Giêng là tôi lại được cha tôi đưa ra nhà thờ họ để cúng tổ. Đúng ra, quê tôi có hai ngày cúng rằm: tháng Giêng và tháng 7. Tháng Giêng là cúng Tổ. Tháng 7 là cúng cô hồn. Tháng 7 thường chỉ cúng một lần vào buổi tối, lễ cúng đơn giản. Chúng tôi nhớ nhất là mâm trái cây với chuối, ổi thị và bánh kẹo… Tôi thường được chia phần một quả thị bỏ túi đem về. Tối ngủ vẫn để đầu giường ngửi cho thơm và cũng để không bị chuột tha mất. Rằm tháng Giêng thì cúng lớn hơn, có lễ yết vào buổi tối 14 và lễ đại vào trưa ngày rằm. Tôi không ấn tượng lắm với rằm tháng Giêng vì trời rét mướt, có khi còn mưa phùn, lũ trẻ chúng tôi thường được khuyên ở nhà. Nếu cố tình đi thì phải cắn răng chịu rét. Nhà thờ họ tôi hồi ấy rất nhỏ, chỉ đủ đặt một cái hương án, cũng nhỏ. Người xướng lễ phải quỳ ngoài thềm, chỗ đâu cho lũ trẻ con chúng tôi trú tránh mưa phùn gió bấc. Khi việc cúng kiếng xong, họ mạc thết tiệc, chỉ có người lớn mới được ngồi trong nhà hoặc ngoài thềm. Trẻ con thì ngồi ngoài sân. Thời ấy, cứ gần đến ngày rằm là bà Bác trưởng họ đến nhà tôi, thông báo và quyên góp. Có năm mẹ tôi góp tiền, có năm thì làm cỗ xôi con gà đem ra nhà thờ Tổ. Cha tôi là người đọc văn. Chủ tế là bác trưởng họ quỳ ở giữa. Cha tôi quỳ ở bên. Giọng ông lên trầm xuống bổng, đọc tên những vị đã mất theo thứ tự chi trưởng, chi thứ, đời thứ nhất, thứ hai… cho đến những người nhỏ nhất ở chi cuối, nghe vừa bi vừa hùng. Những người mất chưa mãn tang, sẽ thờ ở một bàn riêng và chưa được đọc tên.

Chiến tranh, quê tôi, với kênh nhà Lê - đường vận tải thủy chiến lược chạy dọc xã - là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Bom từ trên trời, pháo từ ngoài biển dội xuống bất kể ngày đêm. Không một ngôi nhà xây nào còn nguyên vẹn. Dân trong xã phải di chuyển tứ tán. Các nhà thờ họ, hoặc bị bom phá, hoặc bị bỏ hoang. Kết thúc chiến tranh, đất nước lại ngập chìm trong nghèo khó của thời kinh tế bao cấp. Người dân lo ăn còn chưa đủ, nên việc cúng Tổ, có nhớ cũng không thường xuyên. Hơn nữa cả xã có mấy nhà thờ họ còn nguyên vẹn? Đến đầu những năm 2000, khi kinh tế đất nước đã khởi sắc nhờ đổi mới, mở cửa, các dòng họ trong xã bắt đầu tập hợp bàn tính chuyện xây dựng hoặc trùng tu lại nhà thờ tổ và tổ chức cúng tổ thường niên. 

Từ khi có nhà thờ Tổ, con cháu ở làm ăn ở tận đẩu tận đâu cũng lần lượt tìm về. Có người, từ đời ông cố ông sơ di dân vào phương Nam, nay cũng tìm về nhận họ. Có người là con tư sinh mà ông cha đã mất, chỉ nghe mẹ kể lại câu chuyện của bố ngày xưa, cũng tìm về xưng tên nhận họ. Mà không chỉ người trong họ nhà tôi, cả xã, cả huyện, cả tỉnh đều vậy. Mấy năm nay, cứ đến ngày rằm tháng Giêng là những người thoát ly đi làm ăn tứ xứ như chúng tôi đều rủ nhau trở về. Có thế hệ đàn anh chúng tôi nay đã bảy tám mươi hơn, đã lưng còng tóc bạc, cũng tìm về, mặc dù ở quê chẳng còn bố mẹ hay anh em ruột nữa. Có lẽ, những người ấy, cũng như chúng tôi, về rằm, về nhà thờ cúng tổ là “hành hương”, là về với cội nguồn, thân tộc. Chim có cây, người có cội. Đã là con người ai cũng có cội nguồn và luôn nghĩ đến, tìm về cội nguồn nếu có điều kiện. Vua Hùng được coi là ông Tổ của người Việt từ thời thượng cổ, đến nay cả nước còn có một ngày để cúng giỗ, để cả vạn người hành hương về đất Tổ, nữa là ông Tổ của các dòng họ mà gia phả còn ghi rõ mất ngày nào, chôn ở đâu, những ai là con cháu và đến đời này là đời thứ mấy… 

Cứ đến tối 14 tháng Giêng, các ngõ xóm trong xã tôi đèn đuốc sáng trưng, trống chiêng nhộn nhịp. Con cháu trong họ tề tựu ở căn nhà phía trước nhà thờ, còn gọi là bái đường, để nghe đọc văn tế. Tất cả đều im lặng lắng nghe xem đã đọc đến tên ông bà cha mẹ (đã mất) của mình chưa, có đủ hay thiếu… Khi Trưởng họ, trong vai Chủ tế hành lễ xong, tất cả mọi người thứ tự theo từng chi trên dưới, tuổi tác vào thắp hương khấn Tổ, không khí thật trang nghiêm. Mỗi lần thắp hương trước bàn thờ Tổ lúc ấy, tôi như thấy các bậc tiên hiền của dòng họ, trong đó có cả ông bà cha mẹ tôi, đang tề tựu, đang lắng nghe, đang củ soát hành vi của con cháu, hoặc mỉm cười mãn nguyện, hoặc buồn bã đăm chiêu trước mỗi hành vi tốt xấu của những người đang sống...

Về rằm cúng Tổ đối với lớp người xa xứ như chúng tôi không chỉ là dịp hành hương, mà còn là dịp để giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ con cháu. Đứng trước bàn thờ Tổ, lắng nghe tiếng chiêng trống điểm trong lời khấn nguyện của người đọc văn tế, chúng sẽ hiểu ra trên gia đình còn có gia tộc. Chúng tôi lớn lên, trưởng thành, làm việc có ích cho đất nước, cho bản thân, gia đình cũng là góp phần làm rạng danh gia tộc. Thêm một tầng trách nhiệm, thêm một bậc vinh quang. Mỗi lần về rằm cúng Tổ, lớp người đi xa như chúng tôi mới có dịp gặp bạn bè thời thiếu nhi trống ếch. Có người năm sáu chục năm mới gặp lại, da mồi tóc bạc mà cứ mày tao tíu tít như thời trẻ trâu. Mỗi năm lại thêm vài ba người bạn cũ xuất hiện, găp là vui như trẻ lại. Có lẽ đó là lý do mà ngày rằm tháng Giêng mỗi năm ở quê tôi, những người đồng hương, đồng tộc làm ăn tứ xứ lại tìm về đông hơn, vui hơn…

Cứ qua ba ngày Tết, bạn bè đồng hương gặp nhau, trực tiếp hay trên điện thoại, là hỏi: Có về Rằm không?

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất