, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 11/02/2024, 10:00

Về thăm làng cổ Tiên Châu

MAI HỒNG LÂM
Là một ngôi làng nhỏ thuộc thôn Châu Khê (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), làng Tiên Châu có lịch sử hình thành trên dưới 400 năm, gắn liền với quá trình khẩn hoang, khai phá, lập ấp, dựng làng của các bậc tiền nhân, cha ông đi trước. Làng tuy có quy mô tuy nhỏ nhưng hàm chứa nhiều giá trị lịch sử - văn hóa với ba di tích cấp tỉnh và ba cây thị được công nhận cây Di sản Việt Nam…
Mộ Tiền hiền làng Tiên Châu.

400 năm lịch sử

Theo tài liệu về nguồn gốc hình thành và gia phả tộc Châu/Chu cũng như các tộc phái khác còn lưu giữ tại làng Tiên Châu, vào khoảng đầu thế kỷ thứ 16, tổ tiên Chu Công Đình, vị thủy tổ của tộc Châu/Chu, quê ở xã Cổ Đạm (nay là xã Cương Giáng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), được phái chỉ của triều đình nhà Lê vào Nam mở rộng bờ cõi vùng đất phương Nam. Cùng với các chư tộc anh em, vị thủy tổ Châu/Chu tộc Chu Công Đình đã đến vùng đất mới khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, dựng nên làng xã và đặt tên làng là Tiên Châu, thuộc trấn Quảng Nam, phủ Thăng Hoa (huyện Thăng Bình ngày nay).

Theo một bản văn khế cổ còn giữ được ở làng Tiên Châu và dựa vào gia phả của các tộc họ, vào năm Quang Hưng thứ 14 (tức năm 1591, thời vua Lê Thế Tông), Tướng thần Trần Ngự ở làng Tiên Đóa đã bán nhượng một phần đất canh tác cho Thủy tổ các tộc ở làng Tiên Châu. Như vậy, làng Tiên Châu có lịch sử hình thành cách đây khoảng trên dưới 400 năm. Điều này cũng phù hợp với gia phả 16 - 17 đời của các chư tộc họ tại làng Tiên Châu hiện nay.

Ngôi làng có ba di tích lịch sử cấp tỉnh

Khi vị Thủy tổ Châu tộc là Chu Công Đình mất, nhân dân trong làng an táng tại một khu đất bằng phẳng, rộng và cao ở làng Tiên Châu. Tưởng nhớ công lao của ông trong việc khai cơ lập ấp, lập làng Tiên Châu, toàn thể nhân dân và các chư tộc họ trong làng đồng lòng suy tôn vị Thủy tổ của làng là ông Chu Công Đình. Sau đó, ông được vua ban sắc phong là vị Tiền hiền của làng Tiên Châu.

Khu lăng mộ của Tiền hiền Chu Công Đình được xây dựng theo lối kiến trúc cổ với những câu đối bằng chữ Hán – Nôm trông rất bề thế và cổ kính. Trước ngôi mộ có bức tường thành cổ kính với cách bố trí các hệ thống trụ cột liên hoàn kiên cố, trang trí hoa văn đẹp mắt. Bức tường phía trước bố trí 6 cây trụ, trong đó 4 cây trụ gắn 4 bông hoa sen trên đỉnh cột tượng trưng cho sự linh thiêng, cao quý. Hai bên tả hữu của bức bình phong cũng được bố trí các linh vật trấn giữ, nằm sau bức bình phong là gian hậu tẩm… Ngôi mộ đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 16/7/2020.

Nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu - nơi có ba cây thị được công nhận cây Di sản.

Nằm cách khu lăng mộ Tiền hiền không xa là di tích Nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu – nơi thờ tự những bậc tiền nhân, tiền hiền, hậu hiền các chư tộc họ có công trong việc khai phá, lập nên vùng đất này.

Theo các vị cao niên, trước đây nhà thờ Tiền hiền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ “bát vầng” với khung sườn nhà bằng gỗ mít, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí đề án “lưỡng long tranh châu”, các bờ chái trang trí tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Hiện nay nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu được nhân dân trong làng tu bổ lại theo lối kiến trúc xưa đặc trưng của vùng đất Quảng Nam với kiểu dáng 3 gian 2 mái. Đặc biệt, mặt dưới của cây đòn đông hạ (xà cò) trong nhà thờ còn lưu dòng chữ Hán ghi lại năm xây cất ngôi đình là vào năm Tự Đức thứ 2 (tức năm Quý Dậu – 1872).

Trong những năm kháng chiến, nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng, nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của xã Bình San nói riêng và huyện Thăng Bình nói chung… Ngày 18/2/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích Nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu.

Cách mộ Tiền hiền hơn 500m về phía Bắc và cách nhà thờ Tiền hiền khoảng 1.000m về phía Tây là di tích Nghĩa trũng tự - địa điểm vừa mới được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 24/11/2023.

Theo lời kể của các bậc cao niên làng Tiên Châu, việc thờ cúng âm linh, nghĩa sĩ, nghĩa dân bỏ mình vì nước, những mồ mả vô chủ là việc có từ lâu đời, đồng hành cùng quá trình hình thành, xây dựng làng xóm, song buổi đầu chỉ là lễ cúng tế hàng năm được tổ chức tại sân đình làng, chứ chưa có nơi thờ. Mãi đến năm Quý Hợi 1923, khi điều kiện cho phép, dân làng mới xây dựng nơi thờ cúng cố định.

Theo đó, các bậc hương chức, trưởng lão trong làng đã chọn địa danh động Cây Mâm để dựng nên Nghĩa trũng tự. Năm 1973, Nghĩa trũng tự được trùng tu, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên mẫu gốc cho đến ngày hôm nay.

Nghĩa trũng tự làng Tiên Châu.

…và ba cây Di sản

Bên cạnh ba di tích đã được công nhận di tích cấp tỉnh, tại làng Tiên Châu còn có quần thể ba cây thị có tuổi đời hàng trăm năm, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây Di sản Việt Nam vào ngày 30/12/2016. Ba cây thị này nằm trong khuôn viên của nhà thờ Tiền hiền và là chứng nhân lịch sử, gắn liền với quá trình xây dựng và tồn tại của nhà thờ từ xưa đến nay.

Theo Hồ sơ công nhận cây Di sản, quần thể di sản 3 cây thị ở nhà thờ Tiền Hiền ở làng Tiên Châu là 3 cây cổ thụ lớn nhất trong vùng. Theo phương pháp đếm vòng sinh trưởng và đo đạc thực tế: cây thị số 1 có độ tuổi 243 năm, chu vi 3,73m, đường kính 0,81m, cao 18m; cây thị số 2 có độ tuổi 173 năm, chu vi 2,64m, đường kính 0,84m, cao 18m; cây thị số 3 có độ tuổi 218 năm, chu vi 2,75m, đường kính 1,05m, cao 20m.

Cây thị có tuổi đời 243 năm được công nhận cây Di sản.

Đối với nhân dân làng Tiên Châu, việc 3 cây thị được công nhận cây Di sản Việt Nam là niềm tự hào và thể hiện sự trân trọng, tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập ấp, xây dựng quê hương.

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử cùng với sự tác động của chiến tranh, thiên tai bão lụt nhưng những thiết chế văn hoá mang tính cộng đồng làng xã, nơi thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của bao thế hệ dân làng Tiên Châu vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất