, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 14/02/2018, 08:18

Về Vĩnh Hưng, thăm chùa Nổi

TÂM LOAN
Trong dịp về huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) trong mùa nước nổi, phóng viên tạp chí Nông thôn Việt đã nghe câu chuyện có vẻ ly kỳ về một gò đất nổi cao, trên đó có ngôi chùa giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông. Trừ mặt Đông Bắc giáp sông Vàm Cỏ Tây, các phía còn lại được bao bọc bởi 11 gò nhỏ.

Điều kỳ lạ theo người dân ở đây, dù lũ cao hay thấp, chùa vẫn chưa bao giờ bị ngập. Có lẽ vì vậy mà giờ đây Chùa Nổi, tên dân gian đặt cho chùa Cổ Sơn, đã trở thành niềm tự hào của vùng đất Vĩnh Hưng. Nó đi vào ca dao, lưu truyền nhiều thế hệ: Ai về đất mẹ Vĩnh Hưng/ Viếng thăm chùa Nổi vang lừng tiếng thơm

Cổ Sơn - Chùa Nổi: Ngôi chùa gắn với nhiều giai thoại tâm linh huyền bí
Cổ Sơn - Chùa Nổi - Nơi gắn với nhiều giai thoại tâm linh huyền bí

Nổi tiếng với những giai thoại huyền bí

Theo nhiều tài liệu, chùa được xây dựng cách đây gần 200 năm, ban đầu có tên Bửu Sơn, sau đó đổi tên thành Cổ Sơn tự. Các sư thầy cho biết việc đổi tên này có nguyên nhân là gò đất - nơi chùa đang tọa lạc giống như ngọn núi thiêng, chứa đầy yếu tố tâm linh, huyền bí.

Ngoài ra, chùa còn có tên gọi khác, chùa Trôm (có thể do từ lúc xuất hiện, ngôi chùa đã có 3 cây trôm cổ thụ). Tuy nhiên, chùa Nổi vẫn là tên dân gian thường hay gọi và biết đến nhiều nhất. Tên gọi này xuất phát từ việc đỉnh gò - nơi chùa Cổ Sơn tọa lạc chưa bao giờ bị ngập lụt, kể cả những năm có lũ lớn tràn về. Dân gian còn cho rằng nước lên đến đâu thì chùa và gò sẽ nổi đến đó.

Ông Võ Huy Nguyên Vũ, Phó Trưởng phòng văn hóa huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Ngày xưa, vùng Đồng Tháp Mười này hoang vắng lắm. Cơn lũ năm 2000 là cơn lũ lớn nhất từ trước đến nay ở vùng đất này, cả vùng bị nhận chìm sâu trong nước, chỉ riêng chùa vẫn nổi. Từ Trung tâm Văn hóa huyện (cách chùa hơn 13km) có thể nhìn thấy chùa Nổi hiện ra giữa mênh mông biển nước”.

Sư thầy Thích An Phát, Trụ trì chùa Nổi, cũng khẳng định năm 2000, vùng Đồng Tháp Mười trắng xóa, nước dâng cao khoảng từ 4,5 đến 5m, trong khi Chùa Nổi chỉ cao so với mặt bằng xung quanh 3,3m, nhưng không hiểu sao nước chỉ mấp mé thềm chánh điện chứ không ngập.

Chùa Nổi chỉ cao so với mặt bằng xung quanh 3,3m
Chùa Nổi chỉ cao so với mặt bằng xung quanh 3,3m.

Thầy Thích An Phát còn kể thêm một giai thoại lưu truyền lại trong dân gian về chùa Nổi, 300 trăm năm trước, nơi đây chỉ là một gò đất. Lũ trẻ chăn trâu thường đến gò đất này nặn tượng và chơi đùa.

Một lần ham chơi đến nỗi quên cả bầy trâu nên cha mẹ chúng giận quá bèn quăng hết tượng đất xuống sông. Kỳ lạ thay, những tượng đất này không chìm mà nổi trên mặt nước. Người dân thấy vậy, cho đây là nơi linh thiêng nên lập am rồi sau đó xây chùa để quanh năm thờ phụng, cầu nguyện.

Bà con ở đây tôn kính chùa dữ lắm, không chỉ người dân địa phương, nhiều người từ nơi khác cũng tìm về cầu nguyện. Gần nhất có vợ chồng anh Long ở xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) vì hiếm muộn con cái nên đến chùa cầu xin. Thời gian sau về vợ có biểu hiện lạ, đi khám bác sĩ nói có thai. Họ trả lễ cặp tháp bằng gỗ đặt trên chánh điện của chùa.

Cách đây 5 - 6 năm cũng có cặp vợ chồng ở TPHCM cho biết họ đã có con gái, rất muốn con trai. Họ đã đến chùa cầu nguyện và đã được toại nguyện, dù kết quả siêu âm cho thấy người vợ đang mang thai con gái. Cũng có người cho biết họ bị ung thư máu đã chạy chữa khắp nơi không hết, nhưng đến đây cầu nguyện về thì hết bệnh.

Những câu chuyện như vậy không hiếm, cũng có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên, do tâm lý người bệnh khi có niềm tin nên bệnh khỏi…Thực hư không ai rõ nhưng với sự truyền miệng của người dân làm chùa Nổi thêm phần linh thiêng. 

Người dân ở đây còn kể câu chuyện khoảng năm 1959, có người chài cá tên Lê Văn Vẹo, ngụ tại ấp Đầu Sấu, xã Tuyên Bình Tây (Vĩnh Hưng, Long An) đến thả lưới khúc sông trước chùa. Khi lội xuống sông để gỡ lưới mới phát hiện có cái hang rất to, hướng đâm thẳng vào lòng chùa, lội vào xem thử thì đụng trúng rất nhiều ly, tách, chén dĩa…

Tò mò, ông vào sâu hơn nữa thì có cảm giác bị 2 con vật gì đó cản, đẩy ra hoài. Cuối cùng, ông đành lên bờ, rồi kể chuyện ấy cho nhiều người nghe. Nhưng kể đến đoạn thấy nhiều ly, tách, chén dĩa…ông liền bị câm, không nói được nữa. Sau đó, người thân phải đưa ông đến chùa khấn, hứa sẽ không nói điều gì về việc đó nữa, ông mới nói lại được.

Ngoài sự việc trên, người dân xung quanh vùng còn truyền miệng rằng, khúc sông gần chùa có 2 con cá sấu rất to. Điều lạ là chúng không làm hại đến ai nên mọi người gọi chúng là sấu tu. Hơn thế, cách đây không lâu người ta cũng thấy ở khúc sông này cũng có con rùa to nổi lên…

Là cơ sở cách mạng và làm việc thiện

Ông Trần Văn Trường, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình cho biết: “Tôi dân gốc ở đây, tham gia cách mạng thời chống Mỹ nên biết rõ chùa Nổi đóng góp rất nhiều cho cách mạng. Đặc biệt, vào năm 1972 - 1974, khi Tỉnh ủy tỉnh Kiến Tường về đóng tại xã Tuyên Bình, bên ta thường nhờ bà con mua gạo rồi vờ mang lên chùa cúng. Đợi đêm xuống, bên mình về đó lấy gạo nuôi quân”. 

Theo tài liệu của Bảo tàng Long An, chùa Nổi là cơ sở cách mạng đáng tin cậy dưới đời các Sư Trụ trì Lê Văn Lời, Nguyễn Văn Tới. Nơi đây tiếp nhận, chuyển giao trên 15 tấn gạo, 5 tấn muối, thực phẩm khác và thuốc men giúp cách mạng. Riêng các nhà sư của chùa Nổi đã đóng góp cho lực lượng cách mạng địa phương và du kích xã Tuyên Bình từ năm 1968 đến 1974 trên 10 tấn gạo, 3 tấn muối,…

Những năm 1977 - 1978, thời chiến tranh biên giới Tây Nam, chùa Nổi trở thành trận địa pháo phòng thủ của quân ta. “Mùa nước nổi năm 1978, trừ chùa Nổi, vùng này ngập hết. Vì vậy, ta quyết định lấy chùa làm căn cứ quân sự của tỉnh”, ông Trần Văn Trường cho biết thêm. Chùa Nổi đã góp phần giúp xã Tuyên Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 1992.

Từ khi tạo dựng lại đến nay, chùa cũng đã làm nhiều việc thiện, góp phần cải thiện đời sống người dân. Hơn 30 năm gần đây, tổng số tiền chùa đóng góp xây dựng cầu đường, nhà tình thương, ủng hộ đồng bào lũ lụt, khó khăn… lên đến gần 10 tỷ đồng. Tiêu biểu nhất là cây cầu Nổi bắc qua sông nối liền ấp Cả Bản với ấp rạch Mây, trị giá gần 1,4 tỷ đồng. 

Cây cầu Nổi bắc qua sông nối liền ấp Cả Bản với ấp rạch Mây, trị giá gần 1,4 tỷ đồng.
Cây cầu Nổi bắc qua sông nối liền ấp Cả Bản với ấp rạch Mây, trị giá gần 1,4 tỷ đồng.

Rời chùa khi tiếng chuông bắt đầu ngân lên từng hồi đều đặn rồi tan dần trong không gian chiều tĩnh mịch, khiến ai cũng xúc cảm với những vần thơ của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác:

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông

Di tích Gò Chùa Nổi được phát hiện năm 1996. Đây là một di chỉ cư trú lớn của cư dân cổ thời tiền sử được tiếp nối bởi một giai đoạn của văn hóa Óc Eo, chứa đựng nhiều hiện vật có giá trị khảo cổ, niên đại từ 2.500 đến 2.800 năm. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất