
Giai thoại Cai việc Trần Văn Hạc cứu chúa
Cù lao Đất (còn gọi là Cù lao An Bình) nằm giữa sông Hàm Luông thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách đất liền khoảng 15 phút đi phà. Với tổng diện tích 220 hecta, cù lao hiện có 247 hộ dân với hơn 1.100 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu bằng nghề nuôi tôm công nghiệp. Nơi đây như một ốc đảo, tách biệt với cuộc sống nhộn nhịp bên ngoài.
Một ngày giữa mùa hè có dịp đến với Cù lao Đất, chúng tôi được nghe về giai thoại Cai việc Trần Văn Hạc cứu Chúa Nguyễn Ánh. Đây là câu chuyện mà cư dân Cù lao Đất đã lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Cuộc chiến giữa Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn diễn ra trên chiến trường Nam Bộ thuở xưa đã trở thành chất liệu phong phú cho sự hình thành mảng truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng đất này. Đó là những chuyện được kể và lưu truyền ở Nam Bộ, các chuyện kể ngắn gọn về một tình tiết có thật hoặc được thêu dệt. Không ít tác giả đã gọi đây là "những giai thoại kỳ lạ" về cuộc đời Gia Long - Nguyễn Ánh.
Theo ông Trần Văn Trai (69 tuổi, hậu duệ đời thứ 4 của cụ Trần Văn Hạc) kể, vào năm 1787, khi cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn đang diễn ra quyết liệt, Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Bến Tre, trú tại nhà Cai việc Trần Văn Hạc, bên rạch Ụ, gần mé sông Hàm Luông.

Mỗi ngày, khi trời vừa rạng sáng, Cai việc Hạc phải đưa Nguyễn Ánh đến trú ẩn ở cồn Đất. Cồn này sình lầy nên Cai việc Hạc phải cõng Nguyễn Ánh trên lưng. Chiều xuống, Cai việc Hạc lại cõng Nguyễn Ánh từ cồn Đất sang ven sông để về nhà.
Khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, đã ban cho Cai việc Hạc tấm kim bài có khắc hai chữ "Miễn tử" và cho hưởng huê lợi từ các cù lao trên sông Cái, từ đồn Hàm Luông đến cửa biển.
Câu chuyện về Cai việc Trần Văn Hạc (Ông già Ba Tri thứ hai) cứu Chúa cũng được tác giả Nguyễn Duy Oanh ghi chép lại trong quyển "Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam từ năm 1757 đến năm 1945" (NXB Tổng hợp TP.HCM năm 1971). Giai thoại trên đến nay vẫn chưa có căn cứ lịch sử nào xác thực và chưa được nhiều người biết đến.
Trùng tu mộ cụ Hạc góp phần phát triển du lịch Cù lao Đất
Khi nhắc đến danh xưng "Ông già Ba Tri", người ta thường nghĩ ngay đến ông Thái Hữu Kiểm (người đi bộ từ huyện Ba Tri, Bến Tre ra tới Kinh thành Huế để nộp đơn kiện lên vua Minh Mạng, đòi lại công bằng cho người dân), còn cụ Trần Văn Hạc thì ít người biết đến.
“Sắp tới đây, theo thông báo, chính quyền sẽ cho trùng tu lại phần mộ và xây dựng khu di tích để tưởng niệm cụ Hạc. Tôi mong lúc đó sẽ có nhiều người biết đến cụ hơn". - ông Trần Văn Trai chia sẻ.

Việc trùng tu và xây dựng khu di tích tưởng niệm Cai việc Trần Văn Hạc nằm trong đề án xây dựng và phát triển du lịch Cù lao Đất. Đề án chia ra thành 2 giai đoạn chính: giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030.
Ông Trương Trung Tính, chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết hiện tại, địa phương đang phát triển du lịch Cù lao Đất theo hướng du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa. Bên cạnh việc nâng cấp các địa điểm tham quan, các tuyến đường giao thông tại đây, UBND xã còn tập trung tu bổ các công trình văn hóa, lịch sử như mộ Cai việc Trần Văn Hạc, miếu thờ Lang lại đại tướng quân...
“Chúng tôi đã mua lại khu đất gần 1.000m2 để phục vụ cho việc xây dựng khu mộ và di tích Cai việc Trần Văn Hạc. Tuy nhiên, vì ngân sách địa phương chưa đủ khả năng xây dựng nên chúng tôi đang kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa". - Ông Tính nói.
Giai thoại về cây thủy liễu trên sông Hàm Luông
Lúc ở Cù lao Đất, một hôm, Nguyễn Ánh ngỏ ý với ông Hạc muốn dùng bữa cơm thật sự đạm bạc như một người địa phương. Ông Cai việc Hạc đã đích thân vào bếp lấy mắm sống và ra bờ sông hái một thứ trái chua chua chát chát về thết đãi khách.
Sau khi ăn xong, Nguyễn Ánh vô cùng thích thú liền hỏi tên của loài trái này. Cai việc Hạc đáp đây là trái bần. Nguyễn Ánh suy nghĩ chốc lát, nói: “Trong lúc chạy nạn, ta mới biết hương vị của trái cây nầy. Nó không thua gì chanh, cam, quýt. Ta phải đặt cho nó một tên khác tốt hơn”. Suy nghĩ hồi lâu, Nguyễn Ánh bỗng cười lên: “Từ nay, chúng ta sẽ gọi cây bần là cây thủy liễu, tức là cây liễu mọc dưới nước”.
Từ đó, vùng Ba Tri thường gọi cây bần là cây thủy liễu. Và cũng từ đó, không biết sự huyền bí nào, bần ở ven sông Hàm Luông ngon hơn bần ở các nơi khác trong tỉnh.