, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 25/01/2021, 11:10

Vẹn tròn vị mật thốt nốt Bảy Núi

NGỌC PHƯƠNG

“Em cứ ngồi đi, chị đang làm nốt mẻ đường thốt nốt bột để 10 giờ tối nay đi Sài Gòn”. Sợ vướng víu tay chân chị nên tôi cứ ngồi nguyên một chỗ dõi mắt theo từng bước đi của người con gái nhỏ nhắn ấy. Chị vừa di chuyển khắp căn phòng nhanh nhẹn như một chú chim sẻ vừa chuyện trò với tôi.

Chị Châu Ngọc Dịu và các sản phẩm mật thốt nốt Palmania.
Chị Châu Ngọc Dịu và các sản phẩm mật thốt nốt Palmania.

Là một chữ “duyên”

Chị là Chau Ngọc Dịu, người nổi danh trong cộng đồng khởi nghiệp với các sản phẩm mang thương hiệu Mật thốt nốt Palmania. Vừa trở về từ cuộc thi Ý tưởng sáng tạo Khởi nghiệp tỉnh An Giang lần IV năm 2020 với giải nhất trong tay, chị đã ngay lập tức chuẩn bị sản phẩm để tham dự tiếp cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel năm 2020 tại TP.HCM. Lúc gặp tôi, chị thoáng có nét mệt mỏi sau chuyến đi nhưng hoàn toàn phấn khởi.

“Sản phẩm của chị là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ làm khô bột đường thốt nốt mà không sử dụng chất phụ gia, không hóa chất, không chất kết dính”, chị nói đầy tự hào.

Tốt nghiệp ngành Tài chính Kế toán năm 2004, chị Dịu có hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính ở TP.HCM nhưng rồi ngoặt hẳn sang con đường khởi nghiệp từ sản phẩm đặc trưng ở nơi chị sinh ra và lớn lên - mật cây thốt nốt vùng An Giang. Lý giải cho cú rẽ ngang đầy táo bạo của mình, chị cho biết tuổi thơ chị gắn liền với cây thốt nốt, sau quãng thời gian xa nhà, khi về quê tình cờ được nếm lại vị đường thốt nốt nguyên chất ngày xưa của vùng Bảy Núi, chị đã mê mẩn bởi hương vị thơm ngọt đặc trưng không thể quên được ấy.

Ý định được thôi thúc khi chị tìm mỏi mắt trên thị trường vẫn không ra một thương hiệu đường thốt nốt An Giang nào có chất lượng như mong muốn, để làm quà tặng càng khó vì bao bì không đẹp, kém sang. Uy tín của đường thốt nốt truyền thống thì đang mất dần.

Chị bắt đầu tìm hiểu và phát hiện ra điều thú vị là cây thốt nốt của vùng Bảy Núi có các khoáng chất, amino acids, vitamin C, vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12 với hàm lượng rất cao, lên đến 28.2 μg trên 100gr sản phẩm (trung bình các nơi khác chỉ khoảng 20 μg/100gr sản phẩm). Vì thế, chị quyết tâm xây dựng một thương hiệu đường thốt nốt sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống với chất lượng cao, cũng là cách để lưu giữ nghề và tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2017, cùng một vài người bạn, chị thành lập Công ty Cổ phần Palmania.

“Nhiều mùa thương đau”

Trong vô vàn khó khăn những ngày khởi nghiệp, việc thuyết phục người dân sản xuất theo quy trình an toàn khiến Dịu và cộng sự mất “nhiều mùa thương đau” nhất, chị tếu táo nhắc lại.

Sản xuất theo phương thức truyền thống phải bỏ công sức rất nhiều. Nước thốt nốt có độ pH cao, dễ bị chua nên phải có một loại chất ức chế. Ngày trước người ta dùng gỗ sến nhưng chỉ giúp hạn chế lên men tối đa trong 8 tiếng, vì vậy một ngày phải lấy mật thốt nốt 2 lần và tiến hành nấu ngay khi lấy xuống. Ngày nay người ta có xu hướng sử dụng các chất phụ gia để chỉ phải đi lấy mật 1 lần trong ngày, rút ngắn thời gian nấu mật, và màu sắc đường cho ra cũng bắt mắt hơn.

Để thay đổi cách làm này, chị Dịu đã phải chuẩn bị sẵn quy trình, máy móc, thiết bị, thậm chí chuẩn bị đến từng chiếc xô inox để chứa mật thốt nốt… rồi đi đến tận nhà từng người dân để thuyết phục họ đổi quy trình, kèm theo cam kết thu mua với giá hợp lý. Có những căn nhà như ốc đảo giữa đồng ruộng, chị phải nhờ người chắc tay lái chở đi, mà “ngồi trên xe không dám thở mạnh sợ rớt xuống ruộng”, chị Dịu kể lại. Liếc mắt về phía mấy chiếc xô inox, chị tư lự: “Sắp vô mùa lấy mật rồi mà chị còn chưa có thời gian đem xô tới đưa cho mấy hộ mới, sau khi đi dự giải về phải làm gấp”.

Việc hoàn chỉnh sản phẩm và kết nối với người dân lấy mất của chị và cộng sự gần 3 năm (từ 2017 đến 2019). Năm 2020 là lúc Palmania chính thức ghi tên vào các cuộc thi, từ đó gặt hái được tới 14 giải thưởng/chứng nhận chất lượng trong nước và quốc tế. Liên tục tham gia các cuộc thi, chị như một chú chim miệt mài bay đi khắp mọi nơi để lan tỏa thương hiệu đường thốt nốt Bảy Núi. Có lẽ chính niềm đam mê, tình yêu đối với sản phẩm của quê hương Tri Tôn mới có thể đủ sức nâng cánh cho chị.

Đưa hương thốt nốt bay xa

Sau 3 năm hoạt động, mật thốt nốt Palmania đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước với hai dòng sản phẩm là mật thốt nốt sệt và mật thốt nốt bột; được phân phối ở 12 tỉnh, thành phố, với hơn 37 điểm bán hàng trên cả nước. Hiện công ty đang xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc.

Các sản phẩm mật thốt nốt Palmania được đầu tư bài bản về bao bì, thích hợp để làm quà tặng.
Các sản phẩm mật thốt nốt Palmania được đầu tư bài bản về bao bì, thích hợp để làm quà tặng.

Có hai điều ở sản phẩm của Palmania làm chị Dịu tự tin khi nghĩ đến xuất khẩu là giá cả và chất lượng. Giá đường thốt nốt xuất khẩu của Palmania trung bình là 1 bảng Anh/100gr, thấp hơn nhiều so với giá 2 - 3 bảng Anh/ 100gr của các sản phẩm cùng loại từ các nước khác. Về chất lượng, ngoài đặc điểm có hàm lượng vitamin B12 cao, sản phẩm mật thốt nốt bột Palmania vừa thắng giải thưởng Great Taste Awards 2020 2 sao được tổ chức ở Anh Quốc. Đây là giải thưởng về thực phẩm vô cùng danh giá, được xem như giải Oscar trong thế giới ẩm thực. Với giải thưởng này, sản phẩm mật thốt nốt bột Palmania trở thành thương hiệu mật thốt nốt bột thứ 3 trên thế giới (chưa có thương hiệu mật thốt nốt bột nào đạt được 3 sao giải thưởng này) cũng là thương hiệu mật thốt nốt bột đầu tiên ở Việt Nam đạt được chứng nhận 2 sao Great Taste Awards. Một bước đệm hoàn hảo để các sản phẩm mật thốt nốt của chị vươn tầm thế giới.

Trong năm 2021, Palmania sẽ tiếp tục chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm giảm bớt sức lao động, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; đồng thời mở rộng quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống cho 90% hộ nấu mật thốt nốt tại An Giang.

Về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Dịu chia sẻ rằng khởi nghiệp, đặc biệt là với một sản phẩm có cách sản xuất đi ngược với xu thế, nếu không có đam mê thì không thể nào duy trì được. Tuy vậy, ngoài đam mê còn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kiến thức và tài chính mới để có thể đi được đường dài.

Tháng 04/2020, sản phẩm mật thốt nốt sệt của Công ty Cổ phần Palmania đã được UBND tỉnh An Giang đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao giai đoạn 2019 - 2020. Tháng 05/2020, 2 sản phẩm mật thốt nốt sệt và mật thốt nốt bột của Công ty Cổ phần Palmania đã được UBND huyện Tri Tôn - An Giang công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2020. Hiện mật thốt nốt sệt đang được xét đạt tiêu chuẩn phân hạng OCOP 5 sao.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất