, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/06/2022, 13:54

Vì con xứng đáng

THU ĐÌNH
- Hảo, con lấy cái xe đạp đó ở đâu vậy? Có phải con… Anh Bàn đang lúi húi dẫy đám cỏ nơi góc vườn, nghe tiếng xe lạch cạch, liền dừng cuốc nhìn về phía ngõ, ngạc nhiên khi thấy Hảo, con trai của anh về cùng với một chiếc xe đạp cũ.

Hảo đưa tay lên gãi đầu, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, giọng rụt rè:

- Không phải như ba nghĩ đâu ạ. Xe này… xe này bác Lý đầu làng cho con đó ạ. Bác ấy định đem bán sắt vụn vì xe đã cũ, vả lại nhà bác cũng không ai đi xe đạp nữa. Thấy con ngang qua, bác hỏi, và con… con muốn xin nên bác cho đó ạ. Bác bảo, xe này tuy hơi cũ nhưng bộ khung hãy còn tốt lắm. Mang về tân trang lại, kiểu gì cũng như xe mới. Ba... ba đem sửa chiếc xe này giúp con để con dùng đi học được không ba?

Ảnh minh họa.

- Ba…! Anh Bàn dựng cuốc bên gốc khế già, rảo bước về phía con trai, giọng chùng xuống ngậm ngùi. Ba… ba xin lỗi. Chỉ vì nhà mình nghèo… ba không lo cho con được bằng bạn bằng bè nên con mới phải chịu thiệt thòi như thế này. Trong kẽ mắt anh Bàn chực trào hai dòng nước mắt nóng hổi. Bấy nay, anh Bàn luôn nhủ lòng không được khóc, đặc biệt là khóc trước mặt con. Bởi nhà chỉ còn mỗi hai ba con. Nếu anh yếu đuối, sao có thể dạy con mạnh mẽ cho được. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, lúc này, anh lại chẳng thể cầm lòng. Không muốn con buồn theo, anh dặng hắng rồi gượng cười:

- Ôi, bác Lý tốt quá. Để mai ba ra cảm ơn bác ấy mới được. Thế là con trai của ba có xe đạp để đi học rồi. Để ba xem nào. Chà chà!… Phượng Hoàng đây mà… xe này tốt lắm, chắc chắn lắm đấy. Thôi để ba đem ra tiệm nhờ chú Thế sửa lại. Mai mốt là có xe đi ấy mà. Nói rồi, anh bảo con trai vào nhà lo cơm nước kẻo chiều muộn. Hảo vui vẻ nghe lời, trong lòng rộn vui khôn tả. Chân quay bước đi, nhưng nó vẫn ngoái đầu lại nhìn với dáng ba nó thui thủi dắt xe đạp ra ngõ, mồ hôi đầm đìa lưng áo bờ vai. 

Hảo biết, để có đủ đồ dùng học tập, quần áo, giày dép cho nó đến trường, ngoài số sách giáo khoa xin được, số vở được nhận thưởng cuối năm vừa rồi, ba đã phải nhận phơi lúa, phơi rơm cho nhà ông Bá trong làng cả tuần ròng rã. Nó muốn giúp ba nhiều hơn chứ không chỉ là nấu cơm, giặt giũ, quét tước cửa nhà…, thế nhưng với bộ dạng thấp bé, gầy còm như hiện tại, dù có muốn giúp thì ba nó cũng không để nó đụng tay vào mấy việc nặng nhọc nào. Ba nó từng bảo, ba chỉ có mỗi mình nó, và ba thương nó hơn chính bản thân ba, vậy nên nó chỉ mỗi việc khỏe mạnh và đi học, còn lại ba sẽ lo hết thảy. Mắt nó ngân ngấn, hai tay ôm chặt lấy ba nức nở khóc. Nó tự hứa với ba, sẽ nỗ lực học để mai này có thể thay đổi cuộc sống của hai ba con, cũng là cách đáp đền công lao của ba đã dành cả yêu thương cho nó.

- Cô ơi, cho tôi hỏi, phòng lớp 10A3 ở chỗ nào?

- Phòng thứ 3 trên lầu, phía bên trái đây anh. Anh là phụ huynh của em nào lớp 10A3 thế ạ?

- Tôi… tôi là ba của thằng cu Hảo.

- Dạ. Mai Văn Hảo ở tận Nhơn Thành đúng không anh? Ôi, có được người con như cu Hảo thì gia đình mình chắc tự hào và hãnh diện lắm. Em tuy không chủ nhiệm Hảo nhưng có dạy môn Văn của lớp em ấy. Em cũng nghe cô Tuyền chủ nhiệm và các em học sinh trong lớp kể rất nhiều về Hảo. Cậu bé Hảo thực sự có ý chí anh ạ. Em tin Hảo sau này sẽ thành công. Cô giáo Sen muốn trò chuyện để biết thêm nhiều điều Hảo, về gia đình anh Bàn nhưng vì cô cũng bận họp phụ huynh lớp chủ nhiệm nên sau khi dẫn anh Bàn đến trước cửa phòng lớp 10A3, cô chào anh rồi rảo bước về phòng lớp mình. Anh Bàn cảm ơn cô Sen, trong lòng khấp khởi mừng khi nghe được những lời tốt đẹp của thầy cô về con trai mình.

- Lớp 10A3 có rất nhiều em học sinh nỗ lực tiến bộ cả về học tập lẫn phong trào, đặc biệt phải kể đến em Mai Văn Hảo. Nhận xét về Hảo, cô Tuyền vừa xúc động vừa tự hào. Rồi câu chuyện về Hảo, về gia đình anh Bàn cũng được các phụ huynh biết đến qua chính lời giãi bày của anh Bàn. Nghe xong, ai nấy đều đồng cảm và khâm phục.

Anh Bàn và chị Tâm đều là người cùng làng, cùng chung cảnh mồ côi, nghèo khó. Hai người đến với nhau phần vì cái duyên cái số, cũng xem như là rổ rá cạp lại... Tiếng là cưới xin chứ thực ra chỉ là dọn về ở chung một nhà, bởi đâu có cheo cưới cũng chẳng sính lễ, hồi môn. Nhờ có xóm giềng thương giúp nên vợ chồng anh Bàn cũng có mâm cơm gọi là ra mắt, có lấy căn nhà lợp tạm ở cuối làng, giáp bìa rừng.

Tuy là nghèo nhưng ngôi nhà xiêu vẹo, lụp sụp giáp bìa rừng là nơi vợ chồng anh Bàn sống nghĩa tình, yêu thương, thấu hiểu, vui buồn, đau khổ đều chia sẻ với nhau. Ba năm chung sống, chị Tâm vẫn chưa có một mụn con. Nhiều đêm, vợ chồng nằm thủ thỉ, ước ao có lấy đứa con cho vui cửa vui nhà… nhưng rồi cứ ngóng trông lại càng vô vọng. Anh chị rủ nhau lên phố đi khám thử một chuyến mới hay anh Bàn không thể có con. Anh Bàn đau khổ lắm. Anh cảm thấy có lỗi với chị Tâm. Chị Tâm không những không trách anh mà còn an ủi chồng, biết đâu vợ chồng ăn ở phúc đức, trời Phật sẽ thương. Thương vợ, anh Bàn càng biết ơn, trân quý vợ nhiều hơn.

Chẳng biết có phải trời thương vợ chồng anh Bàn sống tử tế hay có ai đó hiểu được khát khao của anh chị muốn có một mụn con mà đem đứa trẻ mới vừa lọt lòng đến đặt trước cổng ngõ nhà anh chị vào một đêm thanh vắng. Bé trai kháu khỉnh nằm trong cái thúng con, mình được quấn một lớp khăn mỏng đang khóc ré lên vì đói lạnh. Chẳng có một lời nhắn gửi, ủy thác từ người thân, chỉ biết khi thấy đứa trẻ, tình thương dành cho con trẻ của vợ chồng anh Bàn át đi tất cả những tò mò, thắc mắc. Anh chị bế đứa trẻ vào nhà chăm sóc. Sau một tuần trình báo lên chính quyền địa phương nhưng không có ai đến nhận lại con, vợ chồng anh Bàn đã xin được nhận nuôi đứa trẻ và đặt tên cho nó là Hảo, mang họ anh Bàn.

Từ ngày có thằng bé Hảo, vợ chồng anh Bàn càng hạnh phúc hơn. Họ chia nhau lịch chăm con, hôm chồng đi làm, hôm vợ ở nhà với con. Hảo lớn hơn một chút, hôm thì được ba mẹ gửi chòm xóm trông, hôm thì nằm trên lưng ba mẹ ra đồng làm việc. Dù vất vả, khó nhọc nhưng có tiếng cười con trẻ, ngôi nhà giáp bìa rừng ấy bỗng trở nên ấp áp, rộn ràng hẳn lên.

Sau mấy năm chắt bóp dành dụm, vợ chồng anh Bàn cũng xây được ngôi nhà nhỏ. Nhưng chỉ sau đó một năm, chị Tâm lâm cơn đột quỵ, không qua khỏi, bỏ lại anh Bàn và thằng cu Hảo mới lên 6 tuổi chênh vênh, đau đớn khôn cùng. Những ngày đầu thiếu mẹ, Hảo thường ngồi bệt trên nền nhà, cạnh bàn thờ mẹ, nấc nghẹn, khóc đòi thảm thiết. Có khi nhớ mẹ quá, nó ôm tấm di ảnh của mẹ áp vào ngực rồi cứ thế nằm thiếp đi lúc nào không hay. Anh Bàn thấy thế càng thương con đứt ruột. 

Đã hơn 8 năm kể từ ngày vợ mất, anh Bàn cũng trở nên tiều tụy. Phần vì ngôi nhà thiếu vắng đi bóng dáng người vợ tảo tần, phần vì di chứng bệnh đau cột sống tái phát sau những lần làm thuê như bưng bê, khuân vác nặng. Đau ốm liên miên khiến sức khỏe anh giảm sút hẳn. Không đủ tiền trang trải chuyện học hành cho cu Hảo, người làng nhủ anh để thằng Hảo nghỉ học đi làm thuê, làm mướn để anh đỡ vất vả. Thế nhưng nhất quyết, dù khổ thế nào anh cũng phải cho con học hành đến nơi đến chốn. Anh không muốn đời con sẽ phải lặp lại đời ba mẹ nó, nên những gì tốt nhất, anh đều dành cho con hết thảy.

“Thằng Hảo, tuy không phải là con ruột của vợ chồng anh Bàn nhưng tình cảm anh chị ấy dành cho thằng bé còn hơn cả với con ruột. Kể ra thằng bé Hảo là đứa may mắn. Chứ nếu không thì… Ừ thì… Chuyện đó làng mình, ai mà chẳng biết…”... Hảo biết mình không phải là con ruột của anh Bàn đã từ rất lâu, dẫu anh Bàn có cố giấu, có tìm cách lảng tránh mỗi lần nó gặng hỏi vì tò mò. Nó không trách khi ba nó không muốn nói ra. Nó hiểu ba thương nó, vì nó mà suốt mấy năm qua, ba nó không hề nghĩ đến việc tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Nó cũng hiểu lòng ba, giả sử nó biết, nó muốn đi tìm ba mẹ ruột của nó, bỏ lại ba thì… ba sao có thể sống vui cho đặng. Nhưng cũng chưa bao giờ nó có ý định bỏ đi, bởi trong lòng nó mang ơn ba mẹ còn không hết nữa là…

Như một thói quen, sáng nào thức dậy, điều đầu tiên Hảo làm là đến bên bàn thờ mẹ, thắp cho mẹ một nén nhang, đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn mẹ qua bức di ảnh. Nó không quên chắp tay khấn xin mẹ ở thế giới bên kia hãy luôn dõi theo, phù hộ cho ba và nó được bình an. Thấy con trai ngày một lớn khôn, ngoan ngoãn, anh Bàn cảm thấy hạnh phúc vô ngần.

- Ba ơi ba, con đi dự lễ tổng kết về rồi!

Hảo xuống xe từ đầu ngõ, tay dắt bộ chiếc xe đạp được bác Lý tặng từ đầu năm, miệng không ngớt gọi ba nó. Vào đến sân, thằng bé tức thì dựng xe, tay ôm tập phần thưởng và giấy khen chạy đến bên ba hớn hở:

- Ba ơi, ba xem này… Đây là phần thưởng cuối năm của con... Nhờ có ba nên con mới có được kết quả như thế này. Con cảm ơn ba rất nhiều! Khuôn mặt khắc khổ thường ngày của anh Bàn bỗng giãn nở, thanh thoát với nụ cười hân hoan. Xoa đầu con trai, ánh mắt anh Bàn trìu mến yêu thương: 

- Không phải chỉ có ba… mà vì con cũng xứng đáng được như thế!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất