, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/09/2020, 07:46

Vì sao cán bộ cơ khí nông nghiệp trở thành của hiếm?

THÙY DUNG

Theo các chuyên gia, nếu muốn phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, Việt Nam phải thực hiện cơ giới hóa ngành nông nghiệp. Thế nhưng hiện nay chúng ta lại đang thiếu trầm trọng nhân lực trong lĩnh vực này.

Hình minh họa

 

24 năm không có học viên!

TS Nguyễn Văn Khải, Giảng viên Khoa Công nghệ - Đại học Cần Thơ cho biết trước đây, hai cơ quan đào tạo nguồn nhân lực chính phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước - là khoa Cơ khí Nông nghiệp thuộc Đại học Cần Thơ, đào tạo trình độ kỹ sư Cơ khí nông nghiệp; và trường Công nhân Cơ khí Nông nghiệp 2 Trung ương ở Ô Môn (nay là trường Cao đẳng Cơ điện và Nông thôn Nam bộ), đào tạo công nhân Sử dụng cơ khí nông nghiệp. Ngoài ra, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng đào tạo hỗ trợ nguồn nhân lực kỹ sư Cơ khí nông nghiệp cho các địa phương trong vùng.

Theo thống kê, từ năm 1979 đến năm 1995, trường Công nhân cơ khí nông nghiệp 2 Trung ương mỗi năm đào tạo trung bình 150 học viên ngành Sử dụng cơ khí nông nghiệp, nhưng từ năm 1996 đến nay đã 24 năm không có học viên theo học. Khoa Cơ khí Nông nghiệp của Đại học Cần Thơ cũng đã chuyển thành khoa Công nghệ, và cũng hơn 20 năm nay không có sinh viên theo học ngành Cơ khí Nông nghiệp thuộc khoa này. Ở các vùng miền khác, số lượng sinh viên theo cơ khí nông nghiệp cũng đang giảm dần.

Nếu như cả nước từng có 5 trường đại học đào tạo cơ khí nông nghiệp thì đến nay chỉ duy nhất khoa Cơ khí - Công nghệ của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM còn giữ ngành này. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ - Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, hằng năm ngành Cơ khí Nông nghiệp của khoa cũng chỉ tuyển sinh được từ 60 - 80 sinh viên. Theo ông Nguyễn Huy Bích, nguyên nhân ngành học này ít hấp dẫn là vì nhiều người vẫn giữ quan điểm cơ khí nông nghiệp là ngành “học thì vất vả, đi làm thì cực nhọc”.

Thiếu cán bộ kỹ thuật, nông dân tự "bơi"

TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch nhấn mạnh: “Cơ giới hóa không thể bắt chước hay nhập khẩu máy móc thiết bị, bởi nó đòi hỏi phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm canh tác ở từng vùng miền của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải chủ động đầu tư phát triển cơ giới hóa”. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ làm việc này? Theo TS Phạm Văn Tấn, trong nhiều năm trước, do chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa có chiến lược cũng như chính sách hiệu quả để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nên nhiều trường đại học đã không còn duy trì đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp. Các viện nghiên cứu chuyên ngành đang thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các Sở NN&PTNT, các Trung tâm khuyến nông hay các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, nhất là ở các tỉnh phía Nam cũng vắng bóng cán bộ kỹ thuật về cơ khí nông nghiệp để giúp triển khai ứng dụng máy móc vào sản xuất. Đây chính là những rào cản trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất nông nghiệp. TS Nguyễn Văn Khải cũng lo ngại việc lực lượng lao động sử dụng thiết bị hiện nay chủ yếu chỉ học việc từ người làm lâu năm truyền nghề lại sẽ khiến vấn đề an toàn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp không được đảm bảo.

“Là một đất nước nông nghiệp nhưng chúng ta đang thiếu nhân lực trong cơ khí nông nghiệp, dẫn đến tình trạng nông dân phải tự “bơi” ở ngoài đồng” – TS Phan Hiếu Hiền phản ánh và nêu thực tế có rất nhiều nông dân học vấn chỉ lớp 3, lớp 6 đã sáng chế ra được các loại máy nông nghiệp. Theo ông, dù thiết kế chế tạo tập trung nhưng máy móc nông nghiệp lại phải thích ứng với điều kiện sử dụng đa dạng nên sự tham gia cải tiến của nông dân tuy cần thiết và đáng trân trọng, nhưng việc tự mày mò này khiến mất rất nhiều thời gian.

Một điều đáng buồn nữa là hiện nay phần lớn kỹ sư cơ khí nông nghiệp đã được đào tạo trước đây không còn hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn mà đã chuyển sang làm công việc khác. Ước tính trong hơn 10.000 kỹ sư cơ khí nông nghiệp có lẽ không có quá 2% đang phục vụ đúng ngành đã học. Các kỹ sư này lại khá thành công trong các lĩnh vực cơ khí khác như cầu đường, dệt may, xây dựng, dầu khí…

Rất cần động lực để phát triển

Trước thực tế phần lớn người vận hành máy nông nghiệp hiện nay đều không qua đào tạo, GS Võ Tòng Xuân gợi ý chúng ta cần suy nghĩ đến việc quy định “lái máy cày cũng phải có bằng” vì theo ông, phải đưa ra tiêu chí thì mới có khuôn khổ để thực hiện. Còn theo TS Phan Hiếu Hiền, trong đào tạo nhân lực, không nên đào tạo kỹ thuật chung chung mà phải đi vào cụ thể là đào tạo chuyên về kỹ thuật cơ khí nông nghiệp để tránh tình trạng đào tạo lệch hướng.

Bên cạnh đó, cần phải có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các công ty tư nhân đi vào lĩnh vực cơ khí chế tạo thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp và thiết bị chế biến nông sản thực phẩm và ưu tiên phát triển nhân lực trong các công ty này, từ nghiên cứu thiết kế, sản xuất tại xưởng đến thực nghiệm thực tế. TS Phạm Văn Tấn đề xuất cần có sự hỗ trợ tương xứng cho các viện nghiên cứu chuyên ngành cơ giới hóa nông nghiệp, các khoa cơ khí nông nghiệp của một số trường đại học, các trung tâm hay trường nghề đào tạo cán bộ kỹ thuật cơ khí nông nghiệp, các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp và các nhóm dịch vụ cơ giới nông nghiệp… để đẩy mạnh một cách đồng bộ và mạnh mẽ việc đào tạo, nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp có thể chia thành 3 nhóm với những giải pháp cụ thể, gồm nhóm sử dụng, chăm sóc, sửa chữa máy nông nghiệp; nhóm chế tạo máy nông nghiệp và nhóm quy hoạch định hướng phát triển cơ giới hóa nông nghiệp cho các địa phương. Trước mắt, các địa phương nên cử người đi học về cơ khí nông nghiệp để về phục vụ tại địa phương. Về lâu dài, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích cũng như chế độ đãi ngộ như miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên ngành Cơ khí nông nghiệp, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp…

Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực cơ giới hóa trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng quan trọng nhất là phải tạo ra được môi trường hoạt động cho nguồn nhân lực. Có thị trường thì chắc chắn sẽ có người tham gia. Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 để trình Chính phủ. Trong đó, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong cơ giới hóa nông nghiệp trong thời gian tới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất