, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/09/2020, 08:58

Vì sao doanh nghiệp ít xuất khẩu nông sản bằng đường sắt, hàng không?

THÙY DUNG

Chiều 08/09, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội nghị trực tuyến Kết nối doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không nhằm giới thiệu về phương thức vận tải hàng hóa nông sản bằng đường sắt, đường hàng không. Đồng thời tạo cầu nối liên kết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải trên.

 

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh Tổng công ty đường sắt Việt Nam, vận tải đường sắt có những ưu thế nhất định như chuyển được khối lượng lớn, có tuyến tàu liên vận quốc tế từ Việt Nam đi nhiều nước, lịch tàu ổn định, chi phí vận chuyển có tính cạnh tranh…

Thế nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020, khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng bằng đường đường sắt chỉ hơn 17.000 tấn, chiếm khoảng 1,8% tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu này.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T – một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây - cho biết doanh nghiệp này không lựa chọn xuất khẩu hàng hóa bằng đường sắt vì phải qua nhiều khâu trung chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trái cây lại là mặt hàng nhạy cảm, bị sốc nhiệt thì sẽ bị thiệt hại.

trong 6 tháng đầu năm 2020, khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng bằng đường đường sắt chiếm khoảng 1,8% tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu này.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng bằng đường đường sắt chiếm khoảng 1,8% tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu này.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air nhận định vận chuyển hàng không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường quốc tế dễ dàng hơn, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như hoa quả, rau củ, hoa cắt cành và thủy hải sản có thể tiếp cận nhanh với thị trường quốc tế.

Hiện vận tải hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên giá trị chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước. Thị trường này được dự báo sẽ đóng góp khoảng 3 tỷ USD bằng GDP của cả nước.

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho biết, theo thống kê, hiện mặt hàng nông sản chỉ chiếm 5% trong tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua đường hàng không. Nguyên nhân là do giá cước hàng không hiện quá cao. Bên cạnh đó, chúng ta còn đang thiếu những khu vực chuyên biệt cho hàng hóa nông sản ở các đầu sân bay.

“Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng thị trường vận tải hàng không Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng cho sự phát triển bền vững và lâu dài phục vụ cho việc sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam” – ông Đỗ Xuân Quang nhấn mạnh.

Đánh giá nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên chi phí logistics đang làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kỳ vọng trong thời gian tới việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh nhằm tăng tính kết nối, giảm chi phí trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa nông sản. 

THÙY DUNG

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất