, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 01/04/2021, 22:25

Vì sao thế giới phải trồng thêm nhiều cây xanh?

Theo KIM LONG (nongnghiep.vn)

Nói về cây xanh, ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước và thời điểm tốt thứ hai chính là hôm nay”.

 

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo biến đổi khí hậu đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo biến đổi khí hậu đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty.

Những con số biết nói

Hãy thử làm một phép so sánh, chỉ tính riêng rừng mưa nhiệt đới Amazon ở Nam Mỹ đã lớn hơn già nửa diện tích của các cánh rừng nhiệt đới còn lại của Trái đất và là nơi sinh sống của khoảng 390 tỷ cây xanh, hay tương đương 13% mật số cây xanh thế giới.

Nếu chỉ nhìn vào những con số nói trên thì có vẻ như Trái đất đã đầy rẫy cây cối nhưng trên thực tế theo số liệu của tổ chức One Tree Planted, nhân loại đã mất tới 80% diện tích cây xây do nạn khai thác, đốt phá, và suy thoái môi trường nhiều năm qua.

Theo các chuyên gia, cây xanh nói chung và rừng nói riêng đóng một vai trò thiết yếu để hỗ trợ sự sống trên Trái đất. Và dưới đây là một vài con số minh chứng cho tầm quan trọng của rừng.

-80% hệ động thực vật trên thế giới sống trong rừng và phụ thuộc vào rừng để tồn tại.

-Cứ 5 người trên Trái đất thì có 1 người sống phụ thuộc vào rừng.

-20% lượng phát thải khí nhà kính trong khí quyển là hệ quả của việc tàn phá rừng nhiệt đới.

Ngoài ra, cây xanh còn là yếu tố cần thiết cho một chu trình tái tạo nguồn nước lành mạnh: Chúng hấp thụ nước qua bộ rễ và sau đó trả lại vào khí quyển, qua đó giúp cho hành tinh không bị khô.

Các nghiên cứu khoa học môi trường gần đây cho biết, nhân loại phải trồng khoảng 500 tỷ cây xanh mới có thể giúp giảm 25% lượng carbon trong khí quyển, qua đó làm giảm tác động của vấn đề biến đổi khí hậu.

Do rừng đặc biệt quan trọng để duy trì sự sống trên Trái đất nên một số sáng kiến ​​mới đã và đang được triển khai để giúp đỡ và thúc đẩy mọi người dân trên thế giới trồng thêm nhiều cây hơn. Một trong những chương trình khởi động cho đề án này là Chiến dịch Tỷ cây xanh, do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy) phát động và Quỹ phi lợi nhuận Plant for the Planet quản lý.

Trước đó, ngay từ năm 2007 tổ chức toàn cầu này đã lồng ghép giáo dục và truyền cảm hứng cho mọi người dân trồng nhiều cây hơn trên khắp thế giới bằng các sáng kiến như chia sẻ hình ảnh cây vừa trồng, quà tặng cây xanh, hay phát động các cuộc thi trồng cây xanh trong các tổ chức, trường học và cá nhân...

Nghiên cứu mới nhất cho biết, nếu nhân loại trồng được một nghìn tỷ cây xanh thì có thể loại bỏ được lượng khí thải CO2 do con người gây ra trong suốt 10 năm qua và cô lập được 160 tỷ tấn carbon từ khí quyển.

Trồng cây xanh để làm gì?

Tháng 9 năm 2019, Liên Hợp quốc đã công bố kế hoạch trồng rừng ở các đô thị châu Á và châu Phi với tổng diện tích khoảng 1.100 km vuông, tức lớn hơn diện tích của Hồng Kông để đối phó vấn đề biến đổi khí hậu.

Người dân Ethiopia tham gia chương trình trồng cây xanh chống biến đổi khí hậu năm 2019. Ảnh: BBC.
Người dân Ethiopia tham gia chương trình trồng cây xanh chống biến đổi khí hậu năm 2019. Ảnh: BBC.

Cơ sở cho kế hoạch này dựa trên số người dân di cư ra các đô thị đang ngày một tăng, góp phần trầm trọng thêm các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và xu hướng này vẫn sẽ tăng lên trong 30 năm tới.

Theo các chuyên gia, việc trồng thêm cây xanh sẽ giúp chúng hấp thụ carbon dioxide, ngăn chặn nhiệt độ tăng lên trên toàn thế giới, đồng thời giữ cho đất ẩm và giảm nguy cơ lũ lụt. Các nghiên cứu gần đây cũng cho rằng, trồng cây là giải pháp chống biến đổi khí hậu tốt nhất hiện nay.

Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Khuất Đông Ngọc cho biết, kế hoạch ban đầu là tăng mật độ không gian xanh tại 90 thành phố ở 30 quốc gia châu Phi và châu Á lên khoảng 500.000 ha.

Tính toán của FAO cho biết, đến năm 2050, tỷ lệ người dân sống ở các thành phố có thể tăng gần 70% - chủ yếu ở hai lục địa Á- Phi. Điều này có thể sẽ gây ra những tác động xấu đến môi trường một khi không có quy hoạch phù hợp.

Mặt khác, nếu kế hoạch này trở thành hiện thực sẽ có thể làm giảm nhiệt độ không khí đến 8 độ C, đồng thời cải thiện chất lượng không khí do cây xanh có cơ chế lọc bụi và chất ô nhiễm một cách tự nhiên.

Giáo viên và học sinh ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trồng cây hồi tháng 3/2019. Ảnh: Xinhua.
Giáo viên và học sinh ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trồng cây hồi tháng 3/2019. Ảnh: Xinhua.

Hiện bức tường cây xanh dài 8.000 km được ví như “Vạn Lý Trường Thành mới” vẫn đang được tiếp tục “xây dựng” và đi qua hơn 20 quốc gia bao gồm Senegal, Nigeria và Ethiopia ở châu Phi. Kể từ khi phát động chiến dịch, đến nay bức tường đã hoàn thành vài chục phần trăm tiến độ, tính riêng ở Senegal đã trồng mới được 11,4 triệu cây đến cuối năm ngoái. Còn ở Burkina Faso, Mali và Niger, người dân địa phương cũng xuống giống hơn 2 triệu gốc từ hơn 50 loài cây khác nhau. Sáng kiến này đã được chính phủ Na Uy tài trợ 150 triệu USD.

Những quốc gia nào trồng nhiều cây nhất

Thời gian qua với nhiều sáng kiến ​​trồng cây xanh được phát động trên khắp thế giới. Thành tựu này đã được Tổ chức World Tree Map công bố bảng xếp hạng 100 quốc gia trồng nhiều cây nhất chỉ trong năm 2019.

Bảng xếp hạng 15 quốc gia trồng được nhiều cây xanh nhất thế giới trong năm 2019. Nguồn: WTM.
Bảng xếp hạng 15 quốc gia trồng được nhiều cây xanh nhất thế giới trong năm 2019. Nguồn: WTM.

Theo bảng xếp hạng này, sở dĩ Trung Quốc- quốc gia rộng lớn và đông dân số nhất hành tinh xếp ở vị trí đầu tiên cũng không có gì khó lý giải bởi nước này đã phát triển kinh tế quá nóng trong vài chục năm vừa qua và đang phải trả giá bằng những thiệt hại còn lớn hơn cả tiền bạc.

Tính đến thời điểm trước khi nổ ra đại dịch Covid-19, với sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tốt đẹp, giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng: Chúng ta không thể viện cớ gì để môi trường suy thoái thêm nữa. Vì vậy, nếu bạn đã lĩnh hội được tinh thần của câu ngạn ngữ thì tốt nhất hãy bắt đầu gieo hạt ngay từ hôm nay”.

Và đến nay câu ngạn ngữ của người Trung Quốc là “Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước nhưng thời điểm tốt thứ hai chính là hôm nay” mới lại được phổ biến qua nhiều chiến dịch phát động trồng cây xanh.  

Vào ngày 29/7/2019, một kỷ lục thế giới về số cây được trồng nhiều nhất đã được Sách Guinness ghi nhận ở Ethiopia khi chính phủ và người dân quốc gia Đông Phi chính thức phá vỡ kỷ lục cũ với việc hoàn thành kế hoạch trồng 350 triệu cây xanh trong vòng 12 giờ đồng hồ.

Trước đó, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã khởi đầu một sáng kiến với tên gọi "Di sản Xanh" và nhiệm vụ của nó là khôi phục cảnh quan của đất nước cùng với việc bảo tồn những thiệt hại do nạn phá rừng cũng như biến đổi khí hậu gây ra.

Theo các quan chức Ethiopia, người dân đã trồng được 350 triệu cây xanh trên gần 1.000 địa điểm trải khắp đất nước, cao gần gấp đôi mục tiêu mà chính phủ đặt ra. Trong một tweet của Bộ trưởng Công nghệ và Phát minh Ethiopia loan báo, chiến dịch trồng cây xanh ủng hộ sáng kiến ​​lớn này của đất nước đã trồng tổng cộng 353.633.660 cây non trong vòng 12 giờ.

Những người tham gia vào sáng kiến ​​này là các nhà tài trợ, học sinh- sinh viên, các quan chức chính phủ và các nhà môi trường. Như vậy, kỷ lục này đã đánh bại kỷ lục trước đó là với 50 triệu cây tress ở Utter Pradesh, Ấn Độ vào năm 2016.

Sau khi trồng xong cây non đầu tiên, Thủ tướng Ethiopia tuyên bố, sáng kiến này không có điểm dừng và mục tiêu tiếp theo là trồng tổng cộng 1 tỷ cây xanh trong năm 2019 và ước tính đến nay đât nước 100 triệu dân này đã đạt mốc 2,6 tỷ cây xanh.

Hiện một phần ba diện tích của Ethiopia đã được bao phủ trong màu xanh của cây cối, trong khi Trung Quốc cũng có kế hoạch giành lại 23% độ che phủ rừng trong thập kỷ này.

Pakistan đã về đích trước thời hạn khi đạt mục tiêu trồng một tỷ cây xanh chống biến đổi khí hậu. Và đến cuối năm 2018, quốc gia này đã quyết định đưa ra mục tiêu mới - trồng 10 tỷ cây xanh trong vòng 5 năm tiếp theo.

Ấn Độ cũng được coi là quốc gia bùng nổ với phong trào trồng cây hưởng ứng Thỏa thuận Khí hậu Paris, khi cam kết tăng diện tích rừng lên 95 triệu ha vào năm 2030.

Trong khi chính phủ Anh cũng tuyên bố trồng hơn 10 triệu cây xanh trên khắp vương quốc và riêng Woodland Trust - tổ chức thiện nguyện bảo tồn rừng đang đặt mục tiêu trồng 64 triệu cây xanh trong 10 năm tới.

Theo KIM LONG (nongnghiep.vn)

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất