, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/11/2022, 15:00

Vị thế mới của trái bưởi da xanh sau "tấm vé" xuất khẩu vào Mỹ

HUỲNH TRỌNG
(phunuonline.com.vn)
Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây cho phép trái bưởi tươi vào thị trường nước này đã mở thêm triển vọng mới cho bưởi da xanh. Những năm qua, bưởi da xanh của vùng đồng bằng sông Cửu Long được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và thị trường Trung Quốc.

Khẳng định chỗ đứng trên thị trường 

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất với khoảng 9.000ha, tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm và TP Bến Tre. Bưởi da xanh cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh. 

Chị Đặng Thị Phương Ánh - ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - kể, nhà chị có 8 công đất chuyên trồng nhãn, dừa, ca cao nhưng làm mãi mà không khá được bởi giá cả bấp bênh. Khoảng năm 2005, gia đình chị chuyển đổi toàn bộ đất vườn sang trồng bưởi da xanh. 

Sau 3 - 4 năm chăm sóc, bưởi da xanh bắt đầu cho trái và năng suất tăng dần, bình quân khoảng 12 - 14 tấn/ha/năm. Giá bưởi da xanh cũng tăng dần từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, có lúc 30.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí 50.000 đồng/kg. “Nhờ bưởi da xanh được giá, gia đình tôi thu được bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với khi trồng các loại cây khác” - chị Ánh nói.

Bưởi da xanh là loại trái cây cho thu nhập cao, được trồng nhiều ở tỉnh Bến Tre - Ảnh: H.T.

Ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ ở huyện Kế Sách cũng khấm khá lên nhờ trồng bưởi da xanh. Vợ chồng ông Đặng Văn Nám và bà Hồ Thị Bê (xã Kế Thành) có khoảng 3,3ha đất. Trước đây, họ chuyên trồng lúa, hoa màu, chỉ đủ ăn. Năm 2009, nghe tin ở tỉnh Bến Tre có giống bưởi da xanh ngon, bán được giá, họ đi tìm cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh. Những năm bưởi trúng mùa, trúng giá, ông bà thu được khoảng 2,5 - 3 tỉ đồng/năm, nhờ đó mà xây được biệt thự khang trang và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Thấy vậy, nhiều nông dân ở huyện Kế Sách làm theo, từ đó hình thành vùng trồng bưởi da xanh chủ lực của tỉnh. 

Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây, tỉnh Bến Tre - được cho là người có công nâng tầm giá trị của trái bưởi da xanh. Mấy chục năm trước, ông Hưng đi thu mua cam, tình cờ thấy bưởi da xanh rải rác trong các vườn dừa, vườn cam. Ông lượm những trái bưởi rụng ăn thử, thấy ngon, múi bưởi khô, màu hồng khá đẹp. Ông liền chuyển sang thu mua bưởi da xanh, chở đến TP.HCM và TP Hà Nội bán.

Ban đầu, người tiêu dùng thấy trái bưởi này có vỏ xanh lè, sợ bị chua. Ông Hưng cho mọi người ăn thử, dần dần bán được và lượng tiêu thụ ngày càng nhiều, giá cả cũng tăng lên. 

Tín hiệu lạc quan từ thị trường Mỹ 

Hiện nay, Hương Miền Tây được xem là doanh nghiệp thu mua bưởi da xanh hàng đầu ở khu vực ĐBSCL với hơn 15.000 tấn mỗi năm. Ngoài thị trường tiêu thụ chủ lực là TPHCM và các tỉnh, thành phía Bắc, bưởi da xanh còn được xuất khẩu sang một số nước châu Âu, châu Á, châu Úc và Bắc Mỹ nhưng thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Trung Quốc.

“Bưởi da xanh cũng giống như một số loại nông sản khác, khi thị trường Trung Quốc ăn hàng mạnh thì xuất khẩu thuận lợi, giá tăng còn khi phía Trung Quốc giảm nhập khẩu thì giá giảm mạnh và khó bán hơn” - ông Hưng nói. 

Trước thực trạng trên, mấy năm qua, Hương Miền Tây và các doanh nghiệp kinh doanh trái cây khác đã nỗ lực tìm thêm những thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Giữa tháng 10/2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu bưởi tươi của Việt Nam vào nước này. 

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - để đưa trái bưởi vào được thị trường Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải mất khoảng 5 năm đàm phán với phía Mỹ. Theo quy định của phía Mỹ, trái bưởi tươi của Việt Nam phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở xử lý phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). 

Cụ thể, trái bưởi không được nhiễm ruồi, nấm và phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; các lô hàng bưởi tươi phải được chiếu xạ, đóng gói tại cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS đồng ý. Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, bưởi da xanh và bưởi Năm Roi - 2 giống bưởi được trồng nhiều nhất ở ĐBSCL - sẽ được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới. 

Ông Đàm Văn Hưng cho rằng, việc ngành chức năng Mỹ đồng ý cho nhập khẩu bưởi tươi của Việt Nam là tín hiệu tích cực, giúp bưởi da xanh của ĐBSCL có cơ hội vươn xa hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào một vài thị trường, hướng tới sự đa dạng về thị trường xuất khẩu, trong đó có những thị trường lớn với giá trị mang lại cao hơn. 

Tuy nhiên, để chính thức thâm nhập thị trường Mỹ, trái bưởi Việt Nam phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Vì vậy, Hương Miền Tây đang đầu tư thêm kho lạnh bảo quản đạt tiêu chuẩn, phối hợp với các hợp tác xã quy hoạch vùng trồng bưởi da xanh chất lượng cao, tuân thủ quy trình trồng bưởi an toàn.

“Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi sẽ thử nghiệm và đăng ký mã số vùng trồng khoảng hơn 50ha để mời các cơ quan chức năng của Mỹ sang kiểm tra, thẩm định, nếu đạt yêu cầu thì sẽ mở rộng diện tích. Doanh nghiệp chúng tôi xác định, đây là cơ hội tốt cần nắm bắt, nhưng cách làm phải chặt chẽ, từng bước, đặt chất lượng lên hàng đầu” - ông Đàm Văn Hưng nói. 

Bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tỉnh Bến Tre - cũng nhìn nhận: “Mỹ là thị trường lớn, đầy triển vọng cho bưởi da xanh và các loại trái cây khác. Vấn đề là chúng ta phải đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn”. 

Hiện, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng vùng trồng bưởi da xanh chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhằm đưa được trái bưởi da xanh vào thị trường Mỹ. 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có khoảng 105.400ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn/năm với nhiều giống bưởi khác nhau. Riêng vùng ĐBSCL có khoảng 32.000ha bưởi, sản lượng khoảng 370.000 tấn/năm, phần nhiều là bưởi da xanh. Các năm qua, bưởi da xanh ở ĐBSCL cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng giá cả vẫn không ổn định, lên xuống thất thường theo nhu cầu của thị trường Trung Quốc. 

Hiện nay, giá bưởi da xanh dao động khoảng 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại, dự báo tăng lên khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg trong dịp tết Quý Mão 2023. Nếu bưởi da xanh vào được thị trường Mỹ, giá bưởi được dự báo sẽ ổn định ở mức cao.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất