, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/06/2022, 18:36

Vị thế nông nghiệp Việt

CHÍ KIÊN
(hanoimoi.com.vn)
Nông nghiệp Việt Nam đang đi những bước vững chắc, thể hiện rõ vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế và an ninh lương thực; nông sản Việt đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/ TƯ ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, suốt nhiều năm qua, đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp nước ta được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của đất nước.

Điểm sáng là Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới. Năm 2021, dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt giá trị hơn 48 tỷ USD; trong 5 tháng đầu năm nay đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Một con số rất đáng chú ý là trong 5 tháng đầu năm 2022 đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm: Cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất. Không chỉ vậy, nông sản nước ta đã “đứng chân” ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường hàng đầu và “khó tính” với nhiều tiềm năng, như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong đó, trong 5 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất hiện tại của Việt Nam là Mỹ với gần 6,5 tỷ USD, chiếm 28% thị phần (tính trong 5 tháng đầu năm 2022). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 18% thị phần…

Phải khẳng định, ngành Nông nghiệp, với những thế mạnh vốn có đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu, vươn lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại.

Tuy vậy, để Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới, qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước thì ngành Nông nghiệp cần sớm hóa giải được những khó khăn, thách thức nội tại. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường…

Luôn quan tâm và trăn trở về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong phát biểu tại lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) Việt Nam năm 2022 tổ chức tối 28/5 vừa qua tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, chúng ta còn nhiều việc phải làm từ khâu quy hoạch, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để nông nghiệp Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa cho khu vực nông thôn”.

Để nông nghiệp có vị trí cao hơn trên trường quốc tế, nông sản được bạn bè quốc tế tìm mua, ưa chuộng, đánh giá cao, thì không có cách nào khác là chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm một cách chuyên nghiệp. Một mặt phát huy mạnh mẽ lợi thế vốn có về thổ nhưỡng, khí hậu, con người và giống cây trồng, vật nuôi…, nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phát triển hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, tận dụng hiệu quả quá trình hội nhập và toàn cầu hóa với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Khẳng định thương hiệu nông sản tốt cũng không thể thiếu được nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

Tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng hệ thống giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất đến xúc tiến thương mại sẽ giúp Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất