, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/02/2023, 06:00

Viết ca dao bằng gỗ

MỘC MIÊN
Phía trước là con đường với những ngã ba ngã bảy. Ta dẫu đi lạc, thì… cứ lạc, bởi đó cũng là một cách cho ta hay người bài học trong hiện hữu khi giấc mơ đang dẫn dắt. Cánh chim nào cũng chở trên vai mù sương, chút bùn của nắng, giọt nước của mưa, ánh nhìn của mẹ cha tiên tổ... Cứ bay và đừng băn khoăn chốn đậu, và sẽ là may cho bạn, nếu được như Duy…

TRẦN DUY, SINH NĂM 1997, SINH SỐNG TẠI QUẢNG NAM.
HIỆN ĐANG DẠY NGHỀ Ở BHUTAN

TIKTOK: @DUYAULAC - 312K NGƯỜI THEO DÕI,

YOUTUBE: NGHỆ NHÂN ÂU LẠC - 1,05 TRIỆU NGƯỜI THEO DÕI.

Dòng tiểu sử thời @ của thế hệ Z bây giờ hình như được... người khác viết mới làm nên giá trị, nghĩa là họ không còn là của riêng họ nữa.

Tôi đi tìm Duy mà không gặp, nhưng gặp lại kỷ niệm cũ. Đó là bộ 9 linh phẩm của Công ty gỗ nghệ thuật Âu Lạc ở Điện Phong - Điện Bàn - Quảng Nam sau 12 năm, khi anh Trần Thu (ba của Duy) và cộng sự đưa đi triển lãm với sự đón nhận nồng nhiệt. Tôi nhớ nhất tác phẩm Đồng Bào. Nó lạ. Quả trứng lớn với 100 chiếc lỗ hình elip, với mã nghệ thuật cài ở đó, hiểu giản đơn rằng, những chiếc lỗ đó là con mắt thứ 3 khi con người ta đã chứng ngộ lẽ đất trời. Tôi định nói rằng, Trần Duy đã bước một bước ra thế giới ở một chiều kích khác, hơn cha mình.

Cái tên Trần Duy gắn với sự bùng nổ về điêu khắc gỗ những nhân vật hoạt hình trên youtube, khiến giới trẻ ồ lên như… say sóng kể từ năm 2019 đến nay. Duy đang ở Bhutan theo lời mời của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Bhutan, để dạy nâng cao tay nghề cho những lớp học điêu khắc gỗ ở đất nước mệnh danh hạnh phúc nhất thế giới.

Duy… biết vẽ trước khi biết cầm bút viết chữ. Anh Thu lưu trữ hết thảy những bức vẽ đầu đời của các con với những nét ban sơ nguệch ngoạc. Triết lý từ anh, rằng với nghệ thuật, là “hãy để tự nhiên cất tiếng”, cũng chính là lời gan ruột dành cho con trai khi Duy vào đại học mỹ thuật Huế.

“Tôi nghĩ với khả năng tự học, Duy có thể không nhất định phải vô đại học mà nên chọn con đường tự học. Học những gì mình thích, mình thấy cần thiết cho mục tiêu phía trước. Điều quan trọng nhất là trau dồi ngoại ngữ, đọc sách, luyện kỹ năng mềm bên cạnh học điêu khắc. Rồi du lịch đây đó để trau dồi kỹ năng tiếng Anh, tiếp thu các nền văn hóa khác, tạo góc nhìn mới về cuộc sống. Nhưng tôi rất thoải mái, để con tự do. Duy nói bỏ đại học thì tiếc quá. Học được một tháng, Duy điện thoại về là con thôi đại học nghe ba? Tôi mừng quá, đồng thuận ngay”.

Bắt đầu những ngày Duy tập cầm đục, hít bụi gỗ dẫu không muốn như cậu từng trải lòng. Cũng có thể từ đây “phong vận kỳ oan ngã tự cư” (án phong trần khách tự mang) như Nguyễn Du từng thán, đến với Duy. Năm 2019, khoảnh khắc Duy đăng tượng Goku (nhân vật hoạt hình của Nhật Bản) lên Youtube thì câu chuyện bùng nổ. Các kênh nước ngoài ào ạt chia sẻ. Trong vòng vài tuần có tới 5 - 6 triệu lượt like. Lập tức công ty Điền Quân trong TP.HCM liên hệ ký hợp đồng bật nút trên Youtube. Từ đó, hễ các tượng hoạt hình của Duy làm đăng lên, là chiếm sóng. Gần 3 năm sau, Duy có được nút vàng Youtube.

Ai cũng vẽ được, làm được, nhưng thiên hạ cả rừng nên không thấy cây. Chỉ có trời thương… chấm chọn mới nảy nòi ra ai đó. Tôi nghĩ Duy yêu thích, nhưng có cái nền khá tốt và thuận lợi là công xưởng gia đình. Anh Thu nói: “Tôi nghĩ, phần quan trọng là Duy có vốn tiếng Anh, ham đọc sách, có kiến thức và nắm được xu thế. Ví dụ để chọn tạc một pho tượng hoạt hình, anh có thể đăng lên, nhưng không được yêu thích nhiều, bởi nó không đánh trúng sở thích của đại đa số giới trẻ. Vậy, Duy phải tìm cách để biết nhân vật nào, phim vào đang hot để chọn điêu khắc. Bởi nếu xác định điểm rơi sai, mất cả tháng công. Duy phân tích, đánh giá xu thế đam mê của giới trẻ”.

Tôi nhìn anh, rồi ngó ra xưởng. Người ta có thể bằng lòng với điều đang có, cũng chẳng ai bắt mình khác đi. Nhưng đời sống, nhất là nghệ thuật luôn là những kêu đòi tha thiết, là cơn vặn mình như suối qua đại ngàn, chắt lọc từng giọt để có thể thành sông, từ đó mới có biển, chứ nếu chỉ thấm cây rừng thì lấy đâu ra những đăng đối núi - sông, rừng - biển. Đời sống cần điều đó. Nghệ thuật là đơn độc, là đánh đổi. Có người thân yêu cạnh mình là khuyến tấn, đồng điệu thì đó là hạnh phúc, bởi kẻ làm nghệ thuật luôn ở bờ vực cô đơn… 

Nếu Duy chỉ dừng lại việc điêu khắc những nhân vật hoạt hình đã và đang làm, chỉ làm công việc của một người thợ, thì có lẽ câu chuyện sẽ đến hồi kết. Sự nhàm chán sẽ đến, nếu cứ ăn mãi một món… phiên bản. Bạn phải đi một bước nữa, mà đây sẽ là ván cờ sinh – tử định danh bạn không giống ai, đó là chạm đến nghệ thuật, bởi có cái sáng tạo mà không nghệ thuật và ngược lại những lấp lánh nghệ thuật bao giờ cũng hàm chứa bão tố của phát tiết tinh hoa riêng có và nhiệm màu. Lúc đó, một cái tên không lẫn vào đâu sẽ được xướng lên, và thời gian sẽ nhớ…

Khu trưng bày không thiếu những tượng mà Duy đã làm. Tôi lặn lội trong ánh nhìn, giọng nói, những cử động chớp nhoáng, biến hóa từ thế giới hoạt hình. Duy làm tượng này đâu phải ở tuổi 20, mà nó đã mọc mầm trong cái hồn nhiên trẻ thơ, đánh đu theo năm tháng, chờ hoài thai mà không hề bị phụ rẫy. Đeo đẳng một khối tình.

Anh Thu nói: “Tôi cho anh xem pho tượng này của Duy”. Tượng đặt ở phòng khách. Đó là hai nhân vật hoạt hình. Tôi hỏi: “Tên nhân vật là chi?”. Anh lắc đầu chịu thua. Lúc về, tôi đành… tham vấn thằng con trai đang học lớp 8, nó nói ba đưa viết đây, rồi viết cái ào chớp mắt: Phim JUJUTSU KEISEN, hai nhân vật là Gojo Satoru và Jogo.

Anh Thu nói: “Cái khó của bức này là bố cục. Hai nhân vật trong tư thế đấu võ, rất khó thể hiện”. Vậy đó. Để nó như thật, như bay, như đứng tấn, như rùng mình, từ nét vẽ ở giấy, lên gỗ, thoát thai thành hình, là cuộc… lật đảo không kém phần ngoạn mục, thắng - thua là khoảnh khắc, nếu không có tài, thì bó tay.

Trần Duy (thứ 2 từ phải qua), với bạn trẻ Bhutan.

Làng nghề truyền thống chết mòn, chòi đạp trong cơn bĩ cực quá lâu rồi, khi công nghệ thay thế phần lớn. Bức tranh ám màu đó khiến ai đau đáu với nghề thấy mình có lỗi tiền nhân, nên đừng ngạc nhiên khi các xưởng thợ vắng bóng người trẻ. Nhưng, anh Thu nói khác, rằng nếu biết vận dụng công nghệ thì lắm điều hay. Duy đang ở Bhutan thị phạm cho thợ nước bạn, thì bàn tay và nguyên liệu cũng đâu có khác, bởi hồn - thần Việt ở đó, cảm xúc theo mạch gỗ, theo mách bảo xa xăm thì máy móc nào thay được? Công nghệ rút ngắn thời gian và nhân bản, nhưng nó phải chiều ý mình mà cất tiếng.

Trần Duy đang hướng dẫn những người thợ ở Bhutan học nghề.

Còn điều gì nữa mà cậu con trai mơ nước nữa không, để câu chuyện trao truyền thế hệ càng quãng, nhịp hân hoan? “Duy đang hướng tới trải nghiệm nghề truyền thống điêu khắc trong du lịch, bởi chúng tôi đang nhen nhóm nơi đây thành điểm tham quan. Với thời gian 2,5 tiếng là khách có một sản phẩm du lịch. Đây cũng là điểm thu hút học sinh các trường đào tạo theo chương trình giáo dục Âu Mỹ đóng tại địa bàn Đà Nẵng – Quảng Nam… Họ rất cần môi trường trải nghiệm chứ không phải là học suông lý thuyết. Đó cũng là cách để truyền bá nghề truyền thống…”

Ở cổng của ngôi nhà này có slogan “Viết ca dao bằng gỗ”, mặc nhiên định phận trên thớ gỗ thấm đẫm câu chuyện sông nước núi non xứ sở… Cánh cò trong ca dao không cần phải ngóng, dẫu nó có đi tam đảo ngũ hồ thì cũng mang khẩu quyết như thần chú hộ thân mà an nhiên qua biển lớn…

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất