, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 04/06/2022, 21:23

Việt Nam, nước đầu tiên sản xuất thành công vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi

MẠNH TIẾN
Chiều 03/06/2022, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Lễ công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi (vắc-xin thương mại NAVET - ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất). Tới dự Lễ công bố có lãnh đạo một số Ủy ban Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các cơ quan truyền thông.
Lô vắc-xin thành phẩm.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh không lây sang người, chỉ xảy ra trên lợn, có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi giống lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường, đường truyền lây phức tạp. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi-rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh trên đàn lợn. 

Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông nghiệp, lương thực Liên hiệp quốc (FAO), bệnh DTLCP được coi là mối đe dọa phổ biến trên toàn cầu. Kể từ năm 2016 đến nay, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng, bùng phát bệnh DTLCP, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn tại các châu lục; ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái, môi trường, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị.

Hơn 100 năm qua kể từ khi bệnh DTLCP được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh DTLCP và phát triển vắc-xin được công bố trên thế giới; tuy nhiên, chưa có vắc-xin thương mại phòng bệnh DTLCP.

Tại Việt Nam, bệnh DTLCP lần đầu tiên xảy ra vào tháng 02/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020; đến nay, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. 

Ngay từ khi bệnh DTLCP xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống và nghiên cứu sản xuất vắc-xin. Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc-xin DTLCP.

Tháng 11/2019, ngay sau khi các nhà khoa học của Hoa Kỳ công bố nghiên cứu thành công chủng vi rút vắc xin DTLCP nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cử đại diện Cục Thú y sang Hoa Kỳ gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc-xin DTLCP.

Từ tháng 02/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y ký Thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu Nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện. Tháng 07/2020, Cục Thú y cho phép nhập khẩu chủng vi-rút vắc-xin DTLCP nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L để nghiên cứu, sản xuất vắc-xin tại Việt Nam. 

Đến nay, tại Việt Nam đã có 03 doanh nghiệp tiên phong, có đủ nguồn lực, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin DTLCP; bao gồm: Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty TNHH MTV AVAC và Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco.

Tại Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco:

 Thứ trưởng  Bộ NN&PTNT trao Giấy chứng nhận lưu hành vắc-xin bệnh DTLCP cho lãnh đạo Công ty Navetco.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng vi-rút vắc-xin ASFV - G - ∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 09/2020, Công ty đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 05 lần lặp lại trong phòng thí nghiệm và khảo nghiệm. Kết quả: (i) Vắc-xin bảo hộ 100% số lợn được công cường độc trong phòng thí nghiệm; (ii) Trong điều kiện sản xuất, vắc-xin bảo hộ trên 80% số lợn; (iii) Độ dài miễn dịch đạt 6 tháng đối với lợn thịt từ 8 - 10 tuần tuổi.

Bộ NN&PTNT đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và nhiều cuộc họp, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và công ty sản xuất vắc-xin thú y để đánh giá các kết quả nghiên cứu, sản xuất và hồ sơ đăng ký lưu hành vắc-xin DTLCP của Công ty Navetco.

Bộ chỉ đạo Cục Thú y thường xuyên trao đổi với các nhà khoa học Hoa Kỳ về quá trình tổ chức nghiên cứu, kết quả đánh giá chất lượng vắc-xin. Tháng 05/2022, đại diện các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã có văn bản khẳng định những kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng vắc-xin DTLCP của Công ty Navetco phù hợp, thống nhất với kết quả do nhà khoa học của Hoa Kỳ thực hiện.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Công ty Navetco.

Kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP của Công ty Navetco đã được công bố trên 2 Tạp chí khoa học uy tín của thế giới (Tạp chí Transboundary and Emerging Diseases và Tạp chí Viruses) và Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y của Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá, thẩm định Hồ sơ đăng ký lưu hành vắc-xin của Công ty Navetco theo đúng quy định của Luật Thú y, Bộ chỉ đạo: (i) Cấp Giấy chứng nhận lưu hành vắc-xin DTLCP NAVET - ASFVAC của Công ty Navetco theo quy định; (ii) Tổ chức giám sát chất lượng của 10 lô vắc-xin được sản xuất liên tiếp; (iii) Tổ chức giám sát việc sử dụng vắc-xin theo 02 giai đoạn (Giai đoạn 1: Sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành vi-rút vắc-xin và đáp ứng miễn dịch bảo hộ; Giai đoạn 2: Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vắc-xin, Bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng vắc-xin trên phạm vi toàn quốc).

Tại Công ty TNHH MTV AVAC: 

Từ năm 2020, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công tế bào dòng DMAC; tháng 01/2021, Công ty đã tiếp nhận chủng vi rút vắc-xin ASFV-G-∆MGF từ Hoa Kỳ và tổ chức nghiên cứu, đánh giá trong phòng thí nghiệm của 03 lô vắc-xin; đăng ký kiểm nghiệm, khảo nghiệm theo đúng quy định. Kết quả vắc-xin DTLCP AVAC ASF LIVE đạt tiêu chuẩn vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% số lợn thí nghiệm; độ dài miễn dịch đạt 4 tháng đối với lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên; Tháng 03/2022, Bộ đã chỉ đạo tổ chức đánh giá sử dụng vắc-xin DTLCP AVAC ASF LIVE trong điều kiện sản xuất, tại các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô khác nhau, kết quả bảo hộ đạt 95% số lợn tiêm vắc-xin; hiện nay Công ty đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành theo quy định.

Tại Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco: 

Tháng 09/2021, Công ty đã tiếp nhận chủng vi-rút vắc-xin DTLCP nhược độc ∆I177L/∆LVR và tế bào dòng PIPEC từ Hoa Kỳ; Công ty đã nghiên cứu, sản xuất được vắc-xin DTLCP nhược độc đông khô; từ tháng 03/2022 đến nay, vắc-xin DTLCP nhược độc đông khô DACOVAC-ASF2 đang được kiểm nghiệm đánh giá chất lượng theo quy định.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đánh giá chất lượng vắc-xin cho các đối tượng lợn khác nhau, độ ổn định của vắc-xin trong các điều kiện bảo quản, sử dụng; đánh giá các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả vắc-xin trong điều kiện sản xuất, chăn nuôi.

Nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi là sự kiện quan trọng, ghi nhận sự nỗ lực của Bộ NN&PTNT, ngành Thú y, các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam trong hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học trên thế giới, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi lợn phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, có khả năng xuất khẩu thực phẩm và vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất