, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 26/05/2023, 20:00

Vietnam Napro: "Mã gen" văn hóa và đường đi của ngô vàng xứ Lạng

DU NGUYÊN
Lần đầu đến với mì ngô Vietnam Napro, khách thường hỏi Hoàng Phượng (tên đầy đủ: Hoàng Thị Bích Phượng): “Mì ngô có mùi thơm đậm của ngô không”? Cô gái xứ Lạng trả lời với họ rất thật, rằng chỉ có mùi thơm nhẹ từ ngô vàng già, thậm chí nếu ngửi không kĩ, còn chẳng kịp cảm nhận ra một cách rõ ràng. Tuy nhiên trong lúc luộc mì, sẽ có một thứ mùi đặc trưng từ ngô vàng bản địa đọng lại nơi cánh mũi.
Những món ăn từ mì ngô hấp dẫn chẳng kém loại mì nào trên thế giới.

Về đi trên cánh đồng cũ

“Thứ mùi đặc trưng đó ra sao, để một diễn viên đang sải rộng cánh với nghiệp diễn, lại có một cú lội ngược dòng, trở về khởi nghiệp trên thửa ruộng quê hương”, tôi hỏi Hoàng Phượng. Xin mở ngoặc, Hoàng Phượng từng đoạt giải Diễn viên quốc tế xuất sắc nhất tại LHP Paris 2021 với vai y tá Hoa trong bộ phim Invisible love (Tình yêu vô hình). Cô gái tìm đúng chữ nghĩa để diễn giải thứ mùi vị đã “thức tỉnh” bản thân: Không thơm ngậy như ngô nếp hay đậm mùi như ngô ngọt luộc. Cũng không nồng như các mùi thực phẩm khác từ ngô khi thêm hương liệu... Nhưng bù lại sợi mì mềm dai và phảng phất mùi ngô như khi chúng ta ăn một bắp ngô vàng cổ, rất ngon miệng và tốt cho sức khỏe.

Trong một tháng sang Nhật đóng phim, Hoàng Phượng thực sự bị ấn tượng mạnh về cuộc sống và nền kinh tế của đất nước này, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Lúc đó, cô gái trẻ đã thấp thoáng ao ước một ngày mình cũng có thể làm được một điều gì đó cho quê hương. “Em nhớ khi đó, em nói với chị gái rằng: Biết đâu sau này em về làm cô nông dân thì thế nào nhỉ? Một năm sau, không ngờ điều đó lại thành sự thật”, Phượng nhớ lại.

Phượng quay về hẻm gió Hữu Lũng, cách thành phố Lạng Sơn 80km, cách xa Hà Nội phồn hoa, xa luồng ánh sáng chói gắt, rực rỡ của điện ảnh, đi lại từng bước chân trên cánh đồng cũ của mẹ cha, ông bà từng đi. 9x này muốn tự mình mở ra cho bản thân một con đường mới – một lĩnh vực tưởng chừng mới nhưng nó là nghề nuôi sống gia đình cô bao đời nay: làm nông nghiệp. Và ở đó, trên mảnh đất thân thuộc, có một luồng ánh sáng khác tỏa ra cũng rực rỡ chẳng kém. “Không chỉ là thứ nuôi chị em em ăn học mà cây ngô còn đi cùng những kí ức có phần thiếu thốn nhưng thật ấm áp và hạnh phúc với những món quà quê dân dã như bánh ngô, bỏng ngô, cơm độn ngô... Cả nhà ngồi ăn quây quần bên nhau”.

Hai chị em Phượng (chị gái Phượng tên Hoàng Thị Minh Hồng) bắt đầu cùng nhau đi sâu để “hiểu” cây ngô. Tại châu Âu, dòng mì pasta được làm từ ngô - được canh tác tự nhiên - là một loại mì cực kì cao cấp. Bởi trong ngô không có gluten – một chất mà người ăn uống healthy đang cố tránh. Ngô không biến đổi gen và được trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Phượng và Hồng thực sự “cảm thấy có tương lai”. Không còn ngần ngại gì nữa, một hợp tác xã mang tên Vietnam Napro đã ra đời chính thức vào tháng 8/2021. Và mì ngô Vietnam Napro là sản phẩm đầu tiên đánh dấu ước mơ của hai cô gái người Nùng này. “Chúng tôi muốn làm ra những sợi mì sạch, được làm từ những bắp ngô không biến đổi gen, làm nên một thương hiệu, một sản phẩm có dấu ấn riêng biệt từ cây ngô bản địa Việt Nam”, Hoàng Phượng nói.

Hai chị em Hoàng Phượng – Minh Hồng.

Hành trình mì ngô

Hành trình của mì ngô Vietnam Napro là một hành trình đầy khó khăn của gia đình Phượng. Là những ngày thử đi thử lại vẫn không sao ăn được vì vón cục, cứng, đứt gãy, bết dính. Thậm chí cho vào máy vẫn không thể ra được sợi. Hàng tấn ngô bỏ đi. Phượng kể về cuốn sổ ghi chép kín cả, mà sợi dây kinh nghiệm rút mãi chưa hết. Gia đình liên tục mâu thuẫn vì công việc không thành. Những người thân liên tục gặp tai nạn nghề nghiệp. Rồi dịch Covid-19 bùng phát… Cả chuyện sản phẩm bị một đơn vị khác sao chép, “đạo” công thức mì ngô Vietnam Napro nhưng chất lượng không giống. Đủ thứ trên đời dưới đất. Có những giọt máu và giọt nước mắt đã rơi xuống…

Ai khởi nghiệp mà chẳng phải đi qua một đoạn đường gồ ghề như thế? Hai chị em tự vực nhau dậy. May mắn là tất cả mọi thành viên đều yêu thương nương tựa nhau để vượt qua khó khăn, dù có trải qua bao thất bại, mâu thuẫn nhưng cả nhà vẫn kiên trì và nỗ lực để làm. Phượng nói, đó là một sự may mắn tuyệt vời nhất trên con đường trở về quê khởi nghiệp nông nghiệp.

Vietnam Napro thu mua ngô vàng từ bà con trong tổ hợp tác trồng ngô trên chính mảnh đất quê hương. Hiện, danh sách các hộ dân đăng kí tham gia dự án trồng ngô bản địa - cùng Vietnam Napro phục tráng lại một giống ngô tự hào ngô bản địa Việt Nam từ ngàn đời nay - đã lên đến con số hơn 40 hộ, trải rộng trên địa bàn các xã và huyện lân cận Quyết Thắng, Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Để hôm nay, cầm trên tay những sợi mì ngô Vietnam Napro dai ngon mềm mịn, có hương thơm đặc trưng, được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thuần chay, không chứa gluten, không muối, không phụ gia, không hương thơm nhân tạo và không chất bảo quản, hai chị em mới thở phào. Vietnam Napro nhận được nhiều phản hồi của khách.

Có người hỏi, mì ngô có mùi thơm đậm của ngô không? Mì ngô Vietnam Napro có nhiều đường không? Có phù hợp cho người tiểu đường? Lẽ dĩ nhiên, Phượng có thể nói lấy nói để, để sản phẩm của mình trở nên “lung linh” hơn như bao lời quảng cáo trên đời. Nhưng cô gái không thần thánh hóa, cường điệu hóa sản phẩm của mình: “Mì của tụi em không thơm đậm, chỉ có mùi thơm nhẹ từ ngô vàng già”, “Mì có đường nhưng lượng đường ở mức thấp, chỉ chiếm 2,73% (kết quả đã được kiểm định)”.

Trong một cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam, ông có đề cập tới xu hướng tiêu dùng của thế giới đang chuyển dịch từ lương thực sang dinh dưỡng, theo đó cơ cấu bữa ăn hằng ngày cũng sẽ thay đổi. Ông chỉ ra tái cơ cấu nông nghiệp hoặc những mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp phải nhìn hướng đó để định hình tái cơ cấu sản phẩm. Phải sản xuất ra cái thị trường cần. Cũng có thể vẫn là nông sản đó nhưng sẽ phải là một sản phẩm cùng loại khác. Ông ví dụ, giờ người ta ít ăn ngô luộc. Tới đây, người ta sẽ ăn tinh chế từ hạt ngô nhiều hơn. Nhu cầu tiếp cận dinh dưỡng sẽ đi bằng nhiều con đường, thay vì lương thực, ngũ cốc như trước.

Con đường mà chị em Hoàng Phượng – Minh Hồng đang đi nằm trong cái mạch đi tới của nền kinh tế nông nghiệp ấy. Tinh bột trong ngô vàng của mì ngô Vietnam Napro là một loại tinh bột chưa qua tách chiết lọc, là loại tinh bột nguyên hạt chứa nhiều dinh dưỡng, vitamin, chất chống oxy hóa, và đặc biệt nó là loại carb chuyển hóa chậm, làm tăng cảm giác no lâu, giảm cơn đói, giữ đường huyết ở mức ổn định. Mỗi người chỉ cần 50 - 70gr mì mỗi bữa là đủ, tương đương 171,5 calo trong một bữa đủ no, đủ chất. Hiện, mì ngô Vietnam Napro đã có mặt tại hệ thống siêu thị hàng thực phẩm hữu cơ uy tín là Organica và Nam An market tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Sản phẩm được các bà nội trợ có lối sống xanh, yêu thích các sản phẩm tự nhiên tin dùng. Hoàng Phượng nói, hai chị em cô mong muốn sản phẩm Việt được phục vụ chính người Việt chứ không phải là những đối tượng khách hàng xa vời nào.

Để làm mì ngô, việc làm chủ vùng nguyên liệu là vô cùng quan trọng. Vì thế, về quê khởi nghiệp cũng là về với một cuộc đối thoại cùng với xóm giềng, bà con. Hoàng Phượng kể khi đặt vấn đề kết hợp cùng bà con trồng ngô vàng bản địa, bên cạnh sự phấn khởi thì hiện diện nỗi canh cánh e ngại. Bởi ngô vàng bản địa ngày càng mai một, năng suất lại thấp hơn ngô lai nhiều. Chưa kể nhiều người chọn bỏ ruộng để đi làm thuê xứ khác, làng còn lại chủ yếu người già và trẻ nhỏ… Nhưng cũng trong cuộc trở về đó, con đường đi của người trẻ tuổi được cộng hưởng từ bao cái nắm tay nhiệt thành của những người có lòng với ruộng mạ, quê hương. Phượng kể về Giám đốc Viện nghiên cứu nông nghiệp và nghe anh giãi bày niềm mong mỏi khôi phục giống ngô bản địa Việt Nam. Phượng nhớ những cuộc nói chuyện với bà con, nhìn thấy trong mắt họ là tương lai của mình.

- “Các cháu làm cô nhớ về kí ức ngày xưa quá, những ngày còn ăn mèn mén, bánh chông chênh từ ngô thay cơm”.

- “Lâu lắm rồi, cô chả còn được ăn loại ngô này. Giờ nếu có đầu ra ổn định, vừa được giá, tụi cô sẽ ủng hộ hết mình”.

Có thế thôi, mà công cuộc trở về trở nên dài rộng và ấm lòng. Để một sáng bình minh, tỉnh dậy, thấy quê mình rợp khói mây. Những dải sương giăng quấn quanh núi. Mưa mùa xuân rải khắp cánh đồng, làng mạc. Nước về rồi, bà con chuẩn bị bước vào những ngày tất bật ngâm giống, chuẩn bị lên luống trồng ngô… Một vụ ngô mới của bà con, cũng là một vụ mì ngô Vietnam Napro của chị em Hoàng Phượng.

Mì ngô Vietnam Napro được làm hoàn toàn từ loại ngô vàng giống cổ.

Một - đi - tới

Nghe chuyện mì Vietnam Napro, lại nhớ ông Tư Việt (tên thật: Lê Quốc Việt), lão nông “hồi sinh” hạt gạo lúa mùa ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Có lần về thăm trang trại của ông, ông nói bây giờ dân mình “nghiện” thứ gạo cao sản, ăn có vị ngọt sực mà quên mất hạt gạo lúa mùa của ông cha. Tôi hỏi ông, vị đó ra sao? Hạt gạo không trơn lẳn mà thô mộc, thậm chí xấu xí, mới đầu nhai thì khô rạc, phải nhai cho kĩ thì mới thấy vị ngọt hậu nơi cuống họng. “Ngay cả việc ăn uống, giờ đây, con người cũng trở nên vội vàng và sốt ruột thì phải?”. Ông Tư Việt hỏi, rồi buông cái thở dài dài thòng khiến tôi nghĩ ngợi mãi. Cho tới khi tôi nghe chuyện của chị em Phượng và việc khôi phục giống ngô vàng bản địa của họ.

Trong cuốn Thức ăn, gen và văn hóa - Ẩm thực về với cội nguồn, tác giả, nhà sinh thái học nông nghiệp Gary Paul Nabhan đã viết rằng: “Chúng ta là kết quả những gì tổ tiên ta đã ăn và uống. Trong chuyến du hành gắn với ẩm thực và tiến hóa này, quê cha đất tổ của chúng ta không hề là một nơi xa xôi thăm thẳm nào cả. Thay vào đó, nó nằm ẩn trong các gen và cách lựa chọn thức ăn có liên quan đến văn hóa của chúng ta. Nói cách khác, có mối tương quan hết sức năng động giữa món ăn chúng ta ưa thích, các gen, chế độ ăn uống của tổ tiên chúng ta và nơi mà các nền văn hóa trước đây gọi là quê nhà trong một thời gian rất dài”. Gary Paul Nabhan được xem là người tiên phong trong phong trào ăn thức ăn địa phương và khuynh hướng giữ gìn những loại cây trồng truyền thống.

Tôi không thích lắm cách người ta gọi đây là “phong trào”; bởi hai chữ này dễ gợi cảm giác “ăn xổi ở thì” và mang tính khuếch trương, cổ động quá. Có lẽ, đây là quan điểm sống vững chãi, chẳng cần chiêng trống ầm ĩ gì thì đúng hơn. Một quan điểm cho một cuộc trở về, hay nói một cách khác, là cuộc đi tới của văn hóa, văn minh loài người; mà ở đó, lịch sử văn hóa loài người được mã hóa trong cơ thể thông qua cách chúng ta ăn và uống.

Ở Việt Nam, càng ngày càng có nhiều người về/ đi như vậy. Nhất là những người trẻ. Trong đó, tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng của hai cô gái Hoàng Phượng và Minh Hồng trên cánh đồng ngô xứ Lạng của họ. Hoàng Phượng nói, em có một cô con gái nhỏ, tên ở nhà gọi là Thị Bắp. Tên con gái của Minh Hồng là Bắp Em. Bắp chính là Ngô, là tình yêu nông sản cùng cây ngô của người mẹ. Tình yêu đó, họ dành cho con gái của mình.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất