, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/08/2022, 07:44

Vĩnh Hưng nỗ lực giúp dân ổn định cuộc sống

ANH KHOA
Vĩnh Hưng là huyện biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Long An, có 46km đường biên - chiếm hơn 31% tổng chiều dài biên giới giáp với Campuchia - của tỉnh Long An.
Bộ đội biên phòng kiểm tra y tế cho người dân từ Campuchia trở về.

Là huyện thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, 80% kinh tế phụ thuộc nông nghiệp, Vĩnh Hưng chưa có các khu, cụm công nghiệp trong khi các cơ sở sản xuất cũng còn nhỏ lẻ nên tỷ lệ người dân chưa có việc làm hoặc làm thuê, làm mướn theo thời vụ khá cao, đời sống bấp bênh…

Giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản

Từ 2019 đến nay, việc đảm bảo an sinh xã hội được chính quyền huyện Vĩnh Hưng duy trì với 2 mục tiêu song song là phòng chống dịch và giữ vững an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế. Địa phương đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu này.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, từ nguồn ngân sách và các nguồn tài trợ xã hội hóa khác, Vĩnh Hưng đã chi hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 31 căn và sửa chữa 1 căn nhà tình nghĩa, xây dựng 1 căn nhà Đại đoàn kết, 20 căn nhà tình thương cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; hỗ trợ cho các gia đình bị sập nhà, tốc mái do thiên tai trên 220 triệu đồng; trao tặng 57 tấn gạo, trên 5.500 phần quà và nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng…

Ông Hà Văn Hưng - Trưởng phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Vĩnh Hưng, cho biết an sinh xã hội được xác định là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng kế hoạch cụ thể làm cơ sở triển khai biện pháp giảm nghèo hàng năm; phân công các ngành, các cấp, các hội đoàn thể hỗ trợ, theo dõi và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ sinh kế kịp thời giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Một trong những giải pháp được huyện Vĩnh Hưng thực hiện khá tốt là giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hàng năm, các xã, thị trấn nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và có kế hoạch đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho họ sau đào tạo. Tính đến nay, các phòng LĐTBXH, NN&PTNT phối hợp với các cơ sở dạy nghề đã mở được 4 lớp dạy nghề cho 120 học viên. Phần lớn học viên đều có việc làm sau khi được đào tạo. Mục tiêu của Vĩnh Hưng trong quý 3/2022 sẽ mở thêm 7 lớp và gia tăng số lớp đào tạo nghề hằng năm để đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%. Vĩnh Hưng cũng đang tích cực thực hiện đề án đưa người lao động địa phương đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng của UBND tỉnh Long An năm 2022.

Không chỉ nỗ lực đảm bảo các điều kiện sống cơ bản, thiết yếu cho người dân, việc nâng cao chất lượng sống với các hoạt động chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường cũng được huyện Vĩnh Hưng coi trọng.

Huyện đã đầu tư kinh phí lớn để xây dựng các đài trữ nước, hệ thống ống dẫn trên địa bàn các xã tuyến biên giới để đảm bảo người dân nơi đây có đủ nước sạch để dùng. Đặc biệt, ở 6 xã đã được công nhận xã Nông thôn mới (Khánh Hưng, Vĩnh Bình, Vĩnh Thuận, Vĩnh Trị, Tuyên Bình, Thái Bình Trung), hệ thống điện, đường, trường, trạm được cải thiện đáng kể.

Tiêu biểu như Thái Bình Trung, một xã vừa đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới năm 2019, hệ thống giao thông và kênh mương nội đồng đã được đầu tư đồng bộ. Các khu dân cư được quy hoạch bài bản, hệ thống trường lớp, trạm y tế được đầu tư đạt chuẩn theo quy định, cơ sở vật chất văn hóa và chợ được đầu tư khang trang... Hiện xã có 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia; có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng được xây dựng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân; 7/7 ấp có nhà văn hóa...

Bà Trần Thị Yến - Bí thư Đảng ủy xã Thái Bình Trung, chia sẻ: “Nguồn thu của xã hạn hẹp, chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp nên không được bao nhiêu. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên phải rất kiên trì trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng Nông thôn mới…”.

Giúp các gia đình hồi hương ổn định cuộc sống

Những hộ dân từ nước bạn Campuchia trở về quê hương sinh sống là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi do sống xa quê hương đã lâu, không có giấy tờ tùy thân, không có nghề nghiệp và nơi ăn chốn ở ổn định. Đây là những người cần sự trợ giúp lớn của xã hội.

Thăm hỏi người dân trong khu dân cư liền kề tuyến biên giới ở Thái Bình Trung.

Xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng) có đường biên giới 13,5km với Campuchia. Xã này có đến 50 hộ nghèo và 96 hộ cận nghèo, trong đó có 44 hộ với trên 140 nhân khẩu là di dân tự do từ khu vực Biển Hồ - Campuchia về sinh sống tại địa phương. Ngoài việc hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng năm để các hộ này có lương thực, thực phẩm, UBND xã còn phối hợp với bộ đội biên phòng mở lớp xóa mù chữ cho trẻ em từ Campuchia trở về. Lớp học này được duy trì liên tục để giúp các em biết chữ và cập nhật kiến thức mới. Lớp học được tổ chức từ năm 2011 đến nay tại trường Trung học và Tiểu học xã Hưng Điền A. 

Ông Trần Hữu Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A, chia sẻ: “Địa phương có kiến nghị với các Đại biểu Quốc hội trình Bộ Tư pháp, Bộ Công an và những bộ ngành liên quan làm sớm các thủ tục giấy tờ để các em có thể tiếp tục lên lớp chính quy như các trẻ đồng trang lứa”. Ở xã Khánh Hưng, tỷ lệ trẻ em tham gia bảo hiểm miễn phí đạt 100%. Chính quyền cũng có những chính sách cụ thể để hỗ trợ di dân tự do như tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà vào các dịp lễ, tết.

Một ngôi nhà tình nghĩa khang trang tại huyện Vĩnh Hưng.

Một trong những xã có tỷ lệ di dân tự do lớn của huyện Vĩnh Hưng là Vĩnh Bình cũng đã xây dựng những căn nhà tình nghĩa khang trang nằm cách đường tỉnh 831 vài trăm mét để bố trí nơi ăn, chốn ở ổn định cho 70 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu là người Việt từ Biển Hồ (Campuchia) trở về quê sinh sống.

Ông Võ Văn Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, đánh giá chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, đặc biệt là với 271 hộ dân di cư tự do từ Campuchia về, hiện 100% hộ đã được bố trí nơi ăn, chốn ở ổn định trong các khu tái định cư, khu dân cư vượt lũ. Mặc dù điều kiện sống còn chật vật, nhưng hầu hết các hộ này đều cảm thấy an tâm hơn khi được ở tại quê nhà.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất