, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 26/05/2023, 17:33

Vợ chồng "Chí Phèo, Thị Nở" làm nông nghiệp

MAI KỲ
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua thất bại trong cuộc sống; vậy bạn có nản lòng khi phải đối mặt với chúng, đã từng bao giờ chìm đắm trong một nỗi ám ảnh nào đó mà không tìm thấy lối ra chưa? Nếu bạn đang rơi vào hoàn cảnh ấy thì cũng đừng buồn bởi vì mọi đường đi đều có những ngã rẽ khác nhau, mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết theo một cách nào đó nếu bạn có một thái độ sống tích cực.

Trắng tay

“Mẹ tôi bán bánh mỳ, gia đình tôi bán bánh mỳ, còn tôi đứng giữa cánh đồng, đặt vô vàn câu hỏi: mình sai chỗ nào, bắt đầu từ đâu? Làm gì và làm thế nào để khởi nghiệp sau những lần thất bại trước đó?”, Nga nói.

Năm 2018, Lê Thị Thanh Nga, cử nhân tiếng Anh tại đại Học Phan Chu Trinh và người chồng của mình - Boonlert Kamyai, một bác sĩ thú y trường Kasetsart University, Giám đốc kinh doanh của một tập đoàn thức ăn chăn nuôi của Thái Lan tại Việt Nam, chính thức tuyên bố phá sản sau gần 5 năm nuôi heo tại Đà Nẵng, Quảng Nam… do dịch tả châu Phi. Xe cộ, nhà cửa, nhẫn cưới, những gì có thể bán là vợ chồng Nga phải bán đi hết, để trả lương nhân viên, thanh lý nợ nần… với suy nghĩ, có thể mất tất cả nhưng không thể mất uy tín. Giá trị ước chừng 10 tỷ VND vào thời điểm 2017. Trắng tay vào lúc vợ chồng Nga mới sinh đứa con đầu lòng.

“Con heo phải đầu tư lớn lắm, không giống như ruộng lúa. Không có tiền cũng phải kiếm tiền mua thức ăn cho nó ăn. Còn lúa, không có tiền, không bón phân nó cũng không chết. Cũng may mắn, chúng tôi phá sản khi tuổi còn trẻ, còn sức khoẻ, còn thời gian để bắt đầu lại. Con còn bú sữa mẹ nên không tốn kém gì nhiều, chứ không tiền đâu mua sữa, tiền đâu nộp học…” - Nga bộc bạch.

“Ngã 10 lần phải đứng dậy 11 lần”

Cuối năm 2019, nhiều lần đi qua đi lại cánh đồng thôn Vĩnh Nam, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thấy một cái lò gạch cũ bỏ hoang giữa cánh đồng, hai vợ chồng bàn nhau mua lại cái lò gạch ấy. Mua làm gì thì cũng chưa rõ. Gia đình, người thân nghe chuyện buột miệng: “Vợ chồng nhà Thị Nở này điên rồi!”.

Có lẽ, khi mọi thứ đã xuống đáy, mất mát không thể mất mát hơn, người ta mới thấy những trảng cỏ tranh và dòng suối mộc mạc dưới chân là đáng quý.

Những ngày đầu, chưa quen với cuốc xẻng ruộng đồng, người đàn bà, biệt danh “Thị Nở”sinh ra ở phố thị không quen với biển cả sóng to, và người chồng, biệt danh “Chí Phèo” chỉ quen với sơ-mi, cà-vạt không khỏi bỡ ngỡ, khó tránh được những giây phút chán nản khi ngẫm nghĩ về ký ức tươi đẹp của mình.

- “Mẹ bán bánh mỳ, lãi một nghìn đồng, một nghìn đồng một ổ thôi, sao các con các cháu vẫn được ăn học và trưởng thành? Đó cũng là bài học cho mình”, “Thị Nở” nhớ lại.

- “Khi mình lên được, phải biết xuống được. Ngã 10 lần phải đứng dậy 11 lần. Nhiều người không chấp nhận mình thất bại, đó là trở ngại”, “Chí Phèo” tiếp lời.

Sự tự tin và thành công bắt đầu từ suy nghĩ

“Nếu muốn nông nghiệp, nông thôn phát triển thì phải cởi trói cho đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp chỉ trồng rau bán thô thì nó giống như vàng ở trong tay mà không biết sử dụng vậy”, Boonlert Kamyai nhìn nhận.

Và ý tưởng trồng lúa sạch, thực phẩm sạch theo xu hướng tìm về với thiên nhiên, tìm về với cội nguồn, kết hợp du lịch cộng đồng có tiềm năng rất lớn chưa được khai thác, Lò Gạch Cũ Farmstay ra đời.

Để tránh rơi vào thực trạng được giá mất mùa được mùa mất giá của người nông dân, đầu tiên vợ chồng Nga thay đổi hạt giống từ lúa trắng sang lúa tím than. Thay đổi luôn cả cách trồng truyền thống sang trồng hữu cơ. Sau đó đổi luôn phương thức bán hàng: thay vì trồng lúa bán thô theo kiểu “Be to Be” (Business To Business – mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau) thì bán theo kiểu “Be to Ce” (Business To Customer - bao gồm các giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng, mà trong đó đối tượng khách hàng của loại hình này là các cá nhân mua hàng), kết hợp sản xuất và tạo điểm nhấn trên chính cánh đồng lúa tím than để khách hàng đến tìm mình, thay vì mình đi tìm khách hàng như cách truyền thống.

Quảng Nam có tổng diện tích đất hơn 1 triệu ha, trong đó đất nông lâm nghiệp chiếm hơn 50% nhưng nền nông nghiệp của tỉnh chưa phát triển đúng tầm với quỹ đất đang có. Lối thoát là làm sao tối ưu hóa việc sử dụng đất nông lâm nghiệp bên cạnh cơ chế hiện hành thì nên có các chính sách thông thoáng hơn, đa mục đích hơn đối với đất nông nghiệp. Đa mục đích không chỉ chính nông nghiệp mà còn là loại hình dịch vụ, du lịch như du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, thương mại về nông nghiệp, sản xuất nông sản…

Nga nghĩ: “Làm nông nghiệp thuần túy sẽ không có hiệu quả về kinh tế nên hầu hết người dân bỏ hoang ruộng đồng hoặc có làm thì cũng không tha thiết nên không tạo được giá trị thặng dư cho xã hội. Người tha thiết muốn làm để phát triển quê hương thì không có đất để làm, người có đất thì không thể làm, lâu dần người nông dân sẽ bán đất nông nghiệp cho các nhà đầu cơ. Còn trồng lúa bán thô chỉ làm giàu cho thương lái, đơn vị vận chuyển, nhà máy, các công ty phân bón, chứ người nông dân không có mấy lợi ích.

Chỉ có nông nghiệp kết hợp với sản xuất mới là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản do chính tay người nông dân làm ra. Chỉ có nông nghiệp kết hợp với du lịch mới là chìa khóa để xuất khẩu nông sản tại chỗ. Nông nghiệp, sản xuất, du lịch, ba cái này kết hợp với nhau chính là chìa khóa để định vị cả ngành nông nghiệp lẫn ngành du lịch trên bản đồ thế giới”.

“Mô hình từ Nông trại tới Bàn ăn này sẽ đưa con trâu, bờ ao, bụi chuối, ụ rơm… lên một tầm cao mới. Tức là trồng rau không phải chỉ bán rau mà bán nước ép rau, đĩa salad. Thay vì một ký rau bán 50 nghìn đồng thì một ký rau đó làm salad có thể bán lên đến 500 nghìn đồng. Cũng một ký lúa, bán có 5 nghìn đồng thôi, nhưng nấu ra sữa, có thể bán lên đến 500 ngàn đồng một ký.

Hạt gạo lớn sẽ đóng gói bán gạo, hạt nhỏ sẽ rang lên làm trà gạo, nhỏ hơn nữa nghiền làm bột, nhỏ hơn tí nữa thì nấu rượu, nhỏ đến tận cùng thành cám thì làm các sản phẩm bán cho các spa tẩy tế bào chết. Tất cả những gì từ cây lúa còn sót lại sẽ dùng để tưới cây, làm trùn quế bón trực tiếp cho chính cây lúa. Không bỏ cái gì hết”, Boonlert Kamyai nhẩn nha trò chuyện với khuôn mặt hiền lành pha chút tinh lanh.

Lúa reo

Tháng trước thôi, cả cánh đồng tràn ngập một màu xanh dịu nhẹ và mát lành. Không khí trong vắt yên ắng đến độ nghe thấy cả tiếng cựa mình từ trong những khóm lúa.

Tháng tư về, mùa về, mùa gặt.

Lúa dậy hương trên cánh đồng, trên con đường làng rộn ràng niềm hân hoan mùa gặt hái. Cả nhà “Thị Nở, Chí Phèo” lại dắt tay nhau xuống đồng hít hà, cắt, gặt, những bông lúa thơm nức ngọt vàng…

Lắng nghe, chọn cho mình một thái độ đúng, bạn sẽ thay đổi cả cuộc đời. Đó là cách mà cặp vợ chồng “Thị Nở, Chí Phèo” nắm tay nhau để vượt qua giông bão.

CÁC SẢN PHẨM KHÔNG CHỈ “NÔNG NGHIỆP THUẦN TÚY” CỦA LÒ GẠCH CŨ:

1. TOUR TRẢI NGHIỆM MỘT NGÀY LÀM NÔNG DÂN DÀNH CHO KHÁCH NƯỚC NGOÀI.

2. TOUR DU LỊCH TRẢI NGHIỆM GIÁO DỤC DÀNH CHO CẤP MẪU GIÁO VÀ TIỂU HỌC.

3. GẠO TÍM THAN HỮU CƠ VÀ CÁC SẢN PHẨM SAU GẠO: RƯỢU GẠO, TRÀ GẠO, BỘT GẠO LỨT, CÁM GẠO RỬA MẶT, SỮA GẠO…

4. ĐIỂM CHECK IN CHO KHÁCH DU LỊCH.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất