, //, :: GTM+7

Vốn tín dụng tập trung vào phục hồi và phát triển kinh tế

MINH HUY
Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 03/2022 tăng 3,11% so với cuối năm 2021. Hiện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình vay vốn ưu đãi để cùng với doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh cũng như chắp nối lại chuỗi cung ứng đứt gãy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua. 
Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh việc rót vốn vào nông nghiệp 

Để đẩy mạnh tín dụng, các ngân hàng hướng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh sau dịch. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn được các ngân hàng ưu tiên dòng vốn khá tốt. 

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, chỉ trong tháng đầu năm, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 34.700 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng dư nợ, tăng gần 1% so với tháng 12/2021. Hiện các NHTM trên địa bàn vẫn tiếp tục triển khai tích cực, hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ðồng thời hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen. 

Tại tỉnh Trà Vinh, Agribank đang giải ngân gói đầu tư gần 2.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản của các hộ sản xuất. Hiện có 482 khách hàng đã được ngân hàng này đầu tư vốn với dư nợ trên 560 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi và ngân hàng đang tiếp tục giải ngân phần còn lại trong thời gian sớm nhất.

Tại tỉnh Bến Tre, các ngân hàng Vietcombank, Agribank ký kết tín dụng với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam để doanh nghiệp này liên kết với hộ dân phát triển mô hình nuôi tôm CPF-Combine Mini dành cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng ít vốn và tận dụng lao động trong gia đình để phát triển kinh doanh. 

NamABank cũng mới ký cam kết hỗ trợ nguồn vốn tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng để Công ty Nam Miền Trung Group phát triển chuỗi giá trị ngành tôm của doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2025 với mong muốn tiếp cận và khai thác hệ sinh thái của doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho 4 nhà: nhà cung ứng đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, thiết bị vật tư…), nhà chăn nuôi, nhà thu mua và chế biến và nhà xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hiện cả nước đã mở cửa du lịch nên các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh cho vay phát triển du lịch sinh thái kết hợp với canh tác nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Cụ thể, tại tỉnh An Giang, các mô hình du lịch sinh thái đã được Agribank cho vay tín chấp đến 5 tỷ đồng và hiện ngân hàng này đang tiếp tục rà soát, phối hợp với chính quyền địa phương để tạo điều kiện phát triển mạnh các khoản vay này. Tương tự, NHNN chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh rà soát khách hàng, đồng thời chủ động phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Công thương và Hiệp hội Du lịch để mở rộng kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện để cho vay các mô hình du lịch tại địa phương…

Không chỉ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tại TP.HCM, trong tháng 03/2022, NHNN chi nhánh TP.HCM, UBND huyện Củ Chi và Agribank đã tổ chức lễ ký kết cam kết hỗ trợ 627 tỷ đồng cho 63 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Toàn bộ nguồn vốn này được Agribank Củ Chi cho vay mới, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở ngoại thành. 

Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, ngành ngân hàng TP.HCM năm nay dự kiến sẽ giải ngân khoảng 425.000 tỷ đồng vốn tín dụng lãi suất ưu đãi từ 14 chi nhánh NHTM tại TP.HCM đăng ký hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh tham gia cũng như chắp nối lại chuỗi cung ứng đứt gãy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM.

Kiến nghị nới room tín dụng 

NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ở mức 14% nhưng linh hoạt điều chỉnh chứ không cứng nhắc. Tuy nhiên, việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được NHNN thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho từng NHTM dựa trên trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng mức trần tín dụng sẽ gây khó khăn cho các NHTM và không phù hợp với cơ chế thị trường. Trong bối cảnh dòng vốn tín dụng đã được các NHTM chủ yếu hướng vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu… thì việc nới room tín dụng sẽ giúp các NHTM có dư địa để cho vay nhiều hơn, đặc biệt là các gói ưu đãi lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại.

Dòng vốn tín dụng đã được các NHTM chủ yếu hướng vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu…

Lãnh đạo Vietcombank đề xuất, để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc để các NHTM, đặc biệt là các NHTM Nhà nước căn cứ hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị rủi ro có thể chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng. Năm 2022, Vietcombank phấn đấu tăng trưởng tín dụng 12% so với năm 2021 để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhiều NHTM khác cũng cho rằng NHNN nên bỏ room tín dụng để cho mỗi ngân hàng tự quyết kế hoạch kinh doanh của mình. Tùy ngân hàng có thể tăng room tín dụng lên 10 - 20% nếu có thể huy động vốn, miễn là tuân thủ chỉ tiêu NHNN đưa ra.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, hiện rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng. Do đó, về lâu dài, các cơ quan quản lý cần quản lý các NHTM bằng các chỉ số tài chính thay vì công cụ hành chính như hiện nay. Về việc này, lãnh đạo NHNN cho biết, việc bỏ room tín dụng có thể sẽ thực hiện trong tương lai, khi điều kiện thị trường phát triển chứ không phải hiện nay, nhất là khi các NHTM vẫn đang huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. 

Theo vị này, nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, điều này được thể hiện qua quy mô tín dụng của Việt Nam chiếm trên 140% GDP, nên bỏ trần tín dụng sẽ gây ra nhiều bất ổn và bài học về nợ xấu trước đây do cho vay ồ ạt, đến nay ngành ngân hàng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Do đó, việc phải kiểm soát tín dụng sao cho vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. 

Tuy nhiên, theo NHNN, ngoài việc dựa vào quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn, quy mô khách hàng của từng NHTM để cấp tín dụng, NHTM nào có tỷ trọng tín dụng cao trong cho vay lĩnh vực Chính phủ ưu tiên sẽ là một điểm cộng. Cùng với đó, ngân hàng nào giảm lãi suất, phí, cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid -19 càng nhiều sẽ được NHNN xem xét cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. 

Đó cũng là lí do các NHTM đang tích cực hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên vì đây cũng là một trong những điều kiện cần để các ngân hàng được nới room tín dụng, nhất là khi cầu tín dụng thời gian tới ngày càng tăng, bởi lẽ, 70% lợi nhuận của NHTM đều đến từ hoạt động cho vay. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất