, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/11/2021, 17:11

Vựa cam Cao Phong sẵn sàng lên phương án tiêu thụ

TRUNG QUÂN
(nongnghiep.vn)
Vựa cam Cao Phong (Hòa Bình) sắp vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, tổng diện tích và sản lượng cam giảm. Huyện Cao Phong đã sẵn sàng các kịch bản tiêu thụ.

Tổng diện tích và sản lượng giảm

Hiện vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Theo nhiều chủ vườn, trong niên vụ 2021 - 2022, sản lượng cam tại các vườn tăng hơn so với năm trước.

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình) cho biết: Hiện, HTX có 200 ha trồng cam, trong niên vụ 2021 - 2022, có 150 ha cho thu hoạch, sản lượng dự kiến 1.000 tấn, tăng hơn so với niên vụ 2020 - 2021 (đạt gần 600 tấn).

Ông Bùi Văn Quyết, xóm Chiềng, xã Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình) vui mừng khi sản lượng cam thu hoạch năm nay dự kiến cao hơn năm trước. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Cương, năng suất cam năm nay tăng do các diện tích cam cho thu hoạch của HTX đã bước vào thời kỳ cho quả đạt năng suất nhất. Rút kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại từ những vụ cam trước nên HTX đã sớm áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, nhờ đó đã hạn chế được tỷ lệ rụng quả.

Tương tự, ông Bùi Văn Quyết, xóm Chiềng, xã Thung Nai (Cao Phong) chia sẻ: Gia đình ông có 2 ha trồng cam, sản lượng cam năm nay dự kiến đạt 15 - 20 tấn (tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, đạt 12 tấn).

Tuy nhiên thời gian qua, thời tiết mưa kéo dài, những diện tích đã kịp phun thuốc BVTV trước đợt mưa thì tỷ lệ thối nhũn quả và rụng quả sẽ ít, diện tích nào không kịp phun thuốc tỷ lệ rụng quả xảy ra nhiều hơn. Một số diện tích độ dốc kém, nước ngập gốc sinh ra hiện tượng úng rễ, làm khả năng cung cấp dinh dưỡng cho quả kém nên không đạt được độ ngọt như mong muốn.

Mặc dù sản lượng cam ở các vườn trồng có chiều hướng tăng, tuy nhiên, theo phòng NN-PTNT huyện Cao Phong, tổng sản lượng cam của toàn huyện lại giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong cho biết: Tính đến tháng 6/2021, diện tích cây ăn quả có múi của toàn huyện là hơn 1.900 ha (giảm so với năm 2020 là hơn 2.800 ha), sản lượng dự kiến 22.000 tấn (giảm so với năm 2020 là 26.000 tấn). Riêng diện tích cây cam hơn 1.500 ha (hiện có khoảng 1.000 ha cam lòng vàng bắt đầu cho thu hoạch), sản lượng cam dự kiến 17.000 - 18.000 tấn.

Lo tiêu thụ khó khăn

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong, xã Bắc Phong cho biết: Hiện tại, giá bán cam chưa có sự ổn định, mỗi vườn có một giá khác nhau tùy vào chất lượng quả. Cụ thể, nếu cắt chọn tại những vườn đẹp hiện đang có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, cam chọn loại 2 có giá 13.000 - 14.000 đồng/kg, có vườn lại có giá 10.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn.

Ông Vũ Văn Thuấn, xóm Khụ, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình) khá lo lắng khi cam được mùa, nhưng số lượng thương lái đặt hàng giảm mạnh so với những năm trước. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Cương, những vườn có giá bán thấp thường là vườn cây cam đã già, yếu nên không thể tiếp tục duy trì việc nuôi quả, nếu không thu hoạch quả sẽ rụng. Bên cạnh đó, mưa lớn kéo dài thời gian qua khiến lượng đường trong quả bị giảm, mẫu mã không đẹp nên khi buộc phải thu hoạch giá bán sẽ giảm theo.

Hiện những vườn cây khỏe mạnh, các hộ trồng sẽ tiếp tục chăm sóc, đợi thời tiết tạnh ráo trở lại, quả đạt độ ngọt mới thu hoạch, vừa đảm bảo uy tín về chất lượng vừa có giá cao hơn. Hiện, tại những vườn đẹp, chủ vườn chỉ tiến hành cắt chọn những cây có quả đạt chất lượng và theo yêu cầu của người mua, còn việc bán xô theo cây hoặc cả vườn chưa diễn ra.

Về tiêu thụ, theo anh Cương, hiện dịch bệnh Covid-19 đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến khó lường, nên dự báo việc tiêu thụ cam sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Vừa trải qua đợt dịch kéo dài, kinh tế, tâm lý, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi theo chiều hướng tiết kiệm, tập trung những mặt hàng thiết yếu và dự phòng. Điều này có thể khiến sức mua của thị trường với mặt hàng cam sẽ giảm mạnh”, anh Cương cho hay.

Bên cạnh đó, lực lượng thương lái, mối hàng quen tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh… hiện nay đều chủ động giảm số lượng đặt mua để nghe ngóng tình hình. Ngoài ra, nhà hàng, quán ăn, trường học, lễ hội… chưa hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên lượng mua bị giảm đáng kể, trong khi cam quả chủ yếu là bán tươi, sản phẩm chế biến chưa nhiều.

Ông Vũ Văn Thuấn, xóm Khụ, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình) chia sẻ: Hiện, gia đình ông có 10 ha trồng các loại cam, trong đó có 5 ha cam cho thu hoạch. Trong niên vụ 2021, sản lượng cam thu hoạch dự kiến 100 tấn, tăng hơn so với năm 2020 đạt sản lượng chỉ đạt 70 tấn. Giá cam hiện tại không có biến động nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, khả năng tiêu thụ cam năm nay dự báo sẽ khó khăn hơn.

Tăng chế biến, tiêu thụ online nếu dịch Covid-19 phức tạp

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường, trong khi các diện tích các cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch.

Để đảm bảo chủ động tiêu thụ hết sản lượng với giá cao, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản chủ lực theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh.

Thành viên HTX Hà Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình), đang cắt tỉa những quả đã đạt chất lượng gửi cho khách hàng mua lẻ. Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, với cây ăn quả có múi, sản lượng dự kiến 22.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022, tập tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nông sản tiêu thụ thuận lợi: Dự kiến sản lượng tiêu thụ qua thương lái chiếm 60%; qua kênh bán lẻ, online 25%; bán tại chỗ phục vụ khách du lịch 5%; đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị 10%.

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát: Tiếp tục đẩy mạnh kênh tiêu thụ thông qua thương lái chiếm 45% sản lượng; qua các kênh bán lẻ, online, qua sàn thương mại điện tử khoảng 40%, bán lẻ tại các chợ dân sinh, khu dân cư, siêu thị khoảng 15%.

Trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa: Dự kiến tiêu thụ qua thương lái chiếm 30%; kênh bán lẻ, online, qua sàn thương mại điện tử khoảng 40%; bán lẻ tại các chợ dân sinh, khu dân cư khoảng 15%; đưa vào chế biến khoảng 3.000 tấn, chiếm 12% (dự kiến chế biến qua nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược ở Vân Hồ, Sơn La).

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất