, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 14/11/2017, 10:48

Vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa đậm đà tình nghĩa anh em

Trung tuần tháng 9.2017, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết hoàn thành kế hoạch tổng thể công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Là người đã từng tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ với nước bạn Lào anh em, Tiến sĩ Trần Công Trục đã gởi đến Tạp chí Nông thôn Việt cung cấp một số thông tin nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quá trình này.

Tháng 2.1976, giai đoạn thỏa thuận nguyên tắc về biên giới Việt Nam - Lào đã được bắt đầu tại cuộc hội đàm hàng năm giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân CM Lào tại Hà Nội. Hai bên nhất trí căn cứ pháp lý để triển khai quá trình giải quyết vấn đề biên giới là theo nguyên tắc uti-possidetis; cụ thể là: “Lấy đường biên giới đã được thể hiện trên bản đồ Bonne, tỷ lệ 1/100.000 của Pháp in năm 1945 khi 2 nước tuyên bố độc lập làm căn cứ chính.

Chương
Chương trình nghệ thuật thể hiện sắt son tình nghĩa Việt-Lào

Nơi nào không có bản đồ Pháp in năm 1945 thì lấy bản đồ in trước đó một vài năm”. Theo đánh giá của hai bên, loại bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 là loại bản đồ có địa hình chính xác nhất, thể hiện đường biên giới đầy đủ nhất, tương đối phù hợp với đường biên giới mà hai bên đã quản lý trên thực tế khi hai nước mới giành được độc lập.

Thực hiện Thỏa thuận nguyên tắc nói trên, từ tháng 3 đến tháng 12.1976, Đoàn đại biểu Chính phủ hai bên đã tiến hành bốn đợt đàm phán và cuối cùng đã thỏa thuận xong việc mô tả hướng đi cho toàn bộ 2.067km chiều dài đường biên giới; cụ thể: giữ nguyên hướng đi của đường biên giới đã được thể hiện trên bản đồ của Pháp (1.734km), thay đổi khác với đường biên giới trên bản đồ của Pháp là 333km.

Ngày 18.7.1977, Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã được ký kết trọng thể tại Viêng Chăn, thủ đô nước CHDCND Lào. Sau đó, ngày 15.9.1977, Hiệp ước được UB TV Quốc hội CHXHCN VN phê chuẩn và đến ngày 25.10.1977, Hội đồng Nhân dân tối cao nước CHDCND Lào cũng đã phê chuẩn.

Thực hiện Điều 4 Hiệp ước Hoạch định biên giới, hai bên đã thành lập Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc để tiến hành công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào và ngày 23.5.1978, công tác phân giới, cắm mốc quốc giới bắt đầu. Đến tháng 6.1981, hai bên đã phân giới và cắm mốc được 95% chiều dài đường biên giới.

 Trong quá trình này, Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc đã phát hiện một số sai lệch giữa lời văn mô tả hướng đi của đường biên giới trong Hiệp ước so với thực địa cần phải được điều chỉnh. Ngày 28.01.1984, hai Bộ Chính trị đã thống nhất phương án giải quyết các khu vực còn tồn đọng. Ngày 24.8.1984, hai bên đã cắm xong mốc G-12 ở khu vực Na Hàm, kết thúc công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào.

Kết quả của giai đoạn này là: đã phân giới được 1.977km trên tổng chiều dài biên giới là 2.067km và cắm được 202 mốc quốc giới. Ngày 24.01.1986, Nghị định thư về phân giới, cắm mốc ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc này đã được ký kết tại Viêng Chăn và mọi thủ tục pháp lý ghi nhận thành quả này đã được hai bên thực hiện một cách đầy đủ,theo đúng thủ tục và trình tự của luật pháp quốc tế.

Đồng thời, hai bên cũng đã hoàn tất nội dung sửa chữa, điều chỉnh để tiến hành ký kết Hiệp ước bổ sung cho Hiệp ước Hoạch định biên giới năm 1977. Hiệp ước bổ sung này đã được 2 bên ký kết vào ngày 24.01.1986 tại Viêng Chăn.

Thực hiện Hiệp ước bổ sung này, từ ngày 25/12/1986 đến ngày 6/4/1987 hai bên đã sửa đổi hướng đi của 196km đường biên giới theo một bên bờ sông suối thành biên giới đi giữa dòng sông, suối cả trên thực địa lẫn trên bản đồ; cắm mới 06 cụm mốc ba, 02 cụm mốc đôi; xây lại 01 mốc đơn; phá dỡ 05 mốc không cần thiết trên sông suối biên giới. Ngày 16.10.1987, hai bên ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc bổ sung, sửa đổi nói trên, kết thúc giai đoạn phân giới cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam- Lào.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể là: Cần phải lập bộ bản đồ địa hình mới với độ chính xác cao nhất, phản ánh đầy đủ các thông tin về địa hình, địa vật, theo một tỷ lệ thích hợp để thể hiện đường biên giới mới thay vì 48 mảnh bản đồ Bonne. Tiếp tục phân giới, cắm mốc 20 đoạn biên giới, có chiều dài khoảng 190km tại một số khu vực có địa hình hiểm trở, còn có bom mìn chiến tranh sót lại mà hai bên chưa có điều kiện đến được, trong đó có 2 đoạn biên giới liên quan đến nước thứ 3 là Trung Quốc và Campuchia.

Cần phải tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, mốc quốc giới của cả 2 bên. Bởi vì, kết quả phân giới,cắm mốc giai đoạn 1978-1987, hai bên chỉ cắm được 199 mốc quốc giới với 214 cột mốc, trong đó có 190 cột mốc đơn, 03 cụm mốc đôi, 06 cụm mốc ba. Hai bên nhận thấy mật độ mốc đã cắm quá thưa (bình quân trên 10km/mốc), cá biệt có những nơi mật độ trên 40km/mốc.

Vì vậy sau đó hai bên đã hợp tác giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề trên tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo tính khách quan khoa học, tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Từ giữa tháng 9.2008 cho đến tháng 6.2013, hai bên đã xây dựng xong 834 cột mốc, tại 792 vị trí và cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí nằm trên đường biên giới đã được phân giới tại thực địa.

Từ tháng 7.2013 đến tháng 10.2015 xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí, nâng tổng số cọc dấu trên toàn tuyến biên giới lên 168 cọc dấu/113 vị trí; hoàn thành việc dịch chuyển 5 cột mốc và một cọc dấu đã xây dựng tới vị trí mới do cắm chệch, không phù hợp với địa hình; hoàn thành đo tọa độ và độ cao bằng máy GPS hai tần số đối với 1.002 mốc quốc giới và hơn 70 điểm kiểm tra đặc trưng địa hình khác…..

Ngày 16.3.2016, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Lào đã long trọng tổ chức lễ tổng kết cấp nhà nước về hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam- Lào. Tại buổi lễ này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ 2 nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thoonglun Xixulit đã ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào và Hiệp định về quy chế quản lý bên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào. Hai văn kiện này đã được cấp có thẩm quyền 2 nước phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 05.9.2017, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (05.9.1962-05.9.2017).

Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định việc bảo vệ quản lý biên giới có hiệu quả và vững bền là phải dựa vào dân, do dân, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội ở nơi biên cương. Vì vậy, phải đưa dân ra vùng biên giới, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, văn hóa, xã hội nơi vùng cao, biên giới. Điểm 9 Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh: “Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nhất là ở khu vực biển đảo; chủ động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích người dân trên biển. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng”.

Giữa Việt Nam và Lào đã ký kết các văn kiện pháp lý này dưới hình thức là các hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới. Sau khi hoàn thành cơ bản công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa vào năm 1987, hai bên đã ký Hiệp định về Quy chế biên giới ngày 01.03.1990 và Nghị định thư bổ sung Hiệp định về Quy chế biên giới ngày 31.08.1997 nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác bảo vệ và quản lý biên giới giữa hai nước. Sau khi hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới năm 2015, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đã được cấp có thẩm quyền của 2 nước ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực thi hành từ ngày 05.9.2017.

Để triển khai các nội dung bảo vệ và quản lý biên giới Việt Nam- Lào theo đúng các quy định được nêu trong các văn kiện pháp lý đã được ký kết nói trên, nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng liên quan là: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia; Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ,chiến sỹ và nhân dân về công tác biên giới nói chung và công tác Việt Nam- Lào nói riêng; Phối hợp chặt chẽ với phía Lào tổ chức thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam- Lào.

Đánh giá những thành quả của quá trình giải quyết vấn đề biên giới đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân 2 nước Việt Nam và Lào triển khai từ năm 1977 đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định : “Từ nay, hai nước chúng ta đã có một đường biên giới rất rõ ràng, chính xác và vĩnh viễn, được ghi nhận chi tiết trong các văn kiện pháp lý, bản đồ đính kèm và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa. Thành quả này không chỉ tạo cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ đường biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch; góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới.

 

Trần Công Trục

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất